| Hotline: 0983.970.780

Một nền nông nghiệp thiếu chủ động thì không thể giàu

Thứ Hai 27/07/2020 , 08:47 (GMT+7)

Trăn trở và tâm huyết với câu chuyện nông sản Việt, doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực đã có những chia sẻ thẳng thắn trên Nông nghiệp Việt Nam.

Doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực. Ảnh: Tùng Đinh.

Doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực. Ảnh: Tùng Đinh.

Mở đầu cuộc đối thoại, Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang kể 2 câu chuyện mà bản thân vừa mới chứng kiến: Tôi vừa đi Lý Sơn về và tận mắt chứng kiến ngư dân trên đảo trở về từ biển, họ bán một kg cá tại cảng với giá 25 nghìn đồng, một tiếng đồng hồ sau, cũng kg cá đó, ở chợ dân sinh cách cảng chưa đầy một cây số đã được bán với giá 80 nghìn đồng.

Hay thời điểm này người nông dân ở Tây Nguyên đang bán bơ sáp với giá từ 5-7 nghìn đồng/kg, nhưng tôi đố bạn đi vào siêu thị hay ra chợ mua được những quả bơ đó dưới 20 nghìn đồng. Và nhiều câu chuyện về nông sản khác nữa đều gặp phải thực trạng như vậy.

"Nói những câu chuyện đó để khẳng định rằng, chuỗi nông nghiệp của chúng ta xưa nay thì người có thể giàu, an toàn là ở khâu trung gian, còn bản chất người sản xuất hay người tiêu dùng đều đang chịu những thiệt thòi", bà Nguyễn Thị Thành Thực.

Không thể mãi “tự ăn thịt mình”

Lâu nay chúng ta vẫn phân tích rằng, yếu thế trong cạnh tranh của nông sản Việt Nam là chi phí sản xuất, chi phí khâu trung gian quá lớn, nó trở thành rào cản khiến nông sản Việt Nam chưa thực sự xứng với tiềm năng, là một doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh trong lĩnh vực này, bà nghĩ gì?

Trước hết phải khẳng định rằng, những người có thể giàu từ nông nghiệp đang quá ít so với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam. Tất nhiên, chúng ta là một quốc gia nông nghiệp và khả năng hoàn toàn có thể làm giàu từ nông nghiệp. Điều đó rất đúng. Vấn đề là bằng cách nào.

Nên nhớ rằng trước thời điểm hội nhập, thời còn chiến tranh thì nông nghiệp Việt Nam đã là nguồn thu chính để đưa một dân tộc bị xâm lăng, có thể nuôi nhau đánh đuổi được ngoại xâm và phát triển đất nước. Nền nông nghiệp đó là nông nghiệp bản địa, chủ yếu là canh tác truyền thống.

Một nền nông nghiệp ngăn sông cấm chợ nhưng không có hóa chất độc hại, không có phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học… Tôi nghĩ rằng có khi đó lại là quãng thời gian hạnh phúc của những người làm nông nghiệp.

Tất cả những vấn đề bây giờ chúng ta đang nói về nông nghiệp hữu cơ, nền nông nghiệp thuận tự nhiên thì không ở đâu xa cả, chính là nông nghiệp trước Giải phóng, người Việt đã làm nông nghiệp rất thành công.

Sau 30 năm đổi mới chúng ta du nhập rất nhanh các loại giống, cùng với đó là sự phụ thuộc về phân bón, thuốc BVTV, quy trình canh tác... của những quốc gia nhập giống vào Việt Nam. Với thời tiết khí hậu khác biệt so với các nước phát triển giống du nhập cho nên nền nông nghiệp chúng ta phải hứng chịu nhiều sâu bệnh, sự lạm dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học dẫn đến đất đai bị đầu độc.

Trong suốt thời gian đó, trong vòng luẩn quẩn đó chúng ta gần như bỏ quên các giống bản địa và loanh quanh chạy theo người khác, không biết phát huy thế mạnh của mình. Theo tôi đó là nguyên nhân chúng ta vẫn chỉ có một nền nông nghiệp có ăn chứ chưa thể làm giàu được.

Bằng chứng là hãy nhìn tỷ lệ nợ xấu của những người sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Rất lớn. Nó tương đồng, thậm chí là lớn hơn cả lĩnh vực bất động sản.

Chúng tôi đang nghiên cứu về nông nghiệp bản địa và nhận thấy hoàn toàn phù hợp với nông nghiệp Việt Nam, ở chỗ, chúng ta đã hội nhập rồi, đi ra thị trường thế giới rồi nên cần phải xem chúng ta mạnh về cái gì, có cái gì khác biệt so với thế giới để có thể cạnh tranh được với họ.

Ví dụ, đối với những loại giống chúng ta du nhập vào liệu có cạnh tranh được với những nước bản địa không, có cạnh tranh được giá thành với người ta không…

Sản xuất ngô chẳng hạn, thử tìm hiểu xem ở Mỹ chi phí đầu tư bao nhiêu, giá thành trên một kg như thế nào, liệu nếu làm chúng ta có bằng họ được không.

Nếu như ngày xưa chỉ tự trồng, lấy nguồn chăn nuôi nông hộ thì không phải nghĩ, còn bây giờ những tập đoàn lớn, đầu tư lớn vào Việt Nam rồi, chắc chắn chúng ta không thể cạnh tranh được, nếu cứ lao đầu vào không những không giàu mà còn phá sản.

Chăn nuôi cũng vậy, quy luật của thị trường là không thể có một thể chế nào có thể ép buộc được các doanh nghiệp phải thế này phải thế nọ mà chúng ta lại đang lệ thuộc vào những tập đoàn lớn của nước ngoài.

Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, một đất nước có rừng, có biển, có đảo nhưng lại đi bảo tồn giống heo bản địa ở những nơi rất dễ lây lan dịch bệnh, thế thì làm sao chủ động được giống bản địa, làm sao không phụ thuộc vào các tập đoàn lớn.

 Nói cách khác, nếu vẫn là một nền nông nghiệp phụ thuộc, lệ thuộc thì chắc chắn không thể giàu.

'Nếu vẫn là một nền nông nghiệp phụ thuộc, lệ thuộc thì chắc chắn không thể giàu', bà Nguyễn Thị Thành Thực. Ảnh: Tùng Đinh.

"Nếu vẫn là một nền nông nghiệp phụ thuộc, lệ thuộc thì chắc chắn không thể giàu", bà Nguyễn Thị Thành Thực. Ảnh: Tùng Đinh.

Có một thực tế phổ biến là khi nói về kinh tế nông nghiệp nhiều người cứ ra rả nói thu nhập trên một ha. Tôi khẳng định 99% là nói sai, đấy là nói về doanh thu. Bởi thu nhập phải tính lợi nhuận sau khi trừ tất cả chi phí và trừ thuế. Cái từ đấy làm cho người dân ngộ nhận và lao đầu vào như con thiêu thân. Động viên người dân có nhiều cách, còn đối với kinh tế phải rành rọt, lỗ là lỗ, lãi là lãi chứ không thể lãi giả lỗ thật, cực kỳ nguy hiểm”, bà Nguyễn Thị Thành Thực.

Nền nông nghiệp chúng ta vẫn miệt mài sản xuất, chúng ta tự hào về sản lượng, tự hào về những con số thống kê đứng hàng đầu thế giới về sản xuất, nhưng thực tiễn cho thấy, có những khía cạnh chúng ta đang thua ngay trên sân nhà? Bản thân nền nông nghiệp cũng đang có những sự tái cơ cấu theo hướng đặc hữu, điều đó có nghĩa sẽ không còn quá chú trọng đến mục tiêu sản lượng nữa, bà nghĩ sao?

Theo kinh nghiệm của tôi, quá trình nghiên cứu về kinh tế nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, tôi cho rằng, muốn người dân Việt Nam có khả năng sống khỏe từ nông nghiệp cần phải có những nhìn nhận mới, sự thay đổi về tư duy.

Thứ nhất là vấn đề đất đai. Có thể thấy rằng 95% đất đai nông nghiệp đều giao cho người nông dân và chính họ là những người quyết định thực phẩm sạch, an toàn hay không, quyết định việc canh tác như thế nào. Vấn đề ở chỗ, phải khẳng định rằng nông dân chúng ta vẫn chưa đủ trình độ, kiến thức và thông tin để có thể biết được sản phẩm mình sản xuất ra cạnh tranh như thế nào trên thị trường.

Thực tế cho thấy họ vẫn buộc phải đi vào vòng xoáy dẫn dắt của những thứ ngoại lai đem đến. Đấy là vấn đề đại đa số nông dân Việt Nam không muốn, nhưng ai là người đặt ra phép tính cho họ, chỉ cho họ để họ có thể sống khỏe ngay trên đồng ruộng của mình…

Chi phí sản xuất bao gồm cả chi phí cơ hội về giá trị đất đai, chi phí cơ hội về việc người ta không phải lao động, nhân công lao động… Chúng ta chưa bao giờ hạch toán những chi phí đó.

Chỉ tính là vật tư đầu vào hết chừng này, sau bán được chừng này. Người ta nghĩ rằng phần chênh lệch đó là lãi nhưng thực tế đại đa số đang “ăn thịt mình”. Ăn thịt vào tài nguyên đất đai, ăn vào công sức của mình.

Cho nên, tôi từng khuyên nhiều người “chơi lãi hơn làm”, bởi vì nếu họ không làm thì có thể đỡ được cho con cháu họ, gia đình họ những phần chi phí đó, đặc biệt là đỡ chi phí về bệnh tật.

Làm kinh tế phải hạch toán đủ chi phí và so sánh việc mình sản xuất so với thị trường có lợi không. Bây giờ không còn là thị trường Việt Nam nữa. Mình càng muốn mở cửa bao nhiêu thì thế giới người ta vào nhanh hơn. Tức là mình chưa kịp đi ra khỏi nhà thì người ta đã ào vào nhà mình rồi. Sự thiếu chủ động đó khiến chúng ta thua ngay trên sân nhà.

Thứ hai là khâu trung gian để đến với người tiêu dùng trong chuỗi kinh tế nông nghiệp.

Ví dụ muốn bán một quả thanh long thì phải biết con đường của nó như thế nào. Trách nhiệm này chắc chắn phải là những người làm chính sách, những người quản lý chứ người nông dân không thể đủ năng lực để hiểu được quả thanh long mình làm ra đi đến đâu và ai là người mua của mình, đi qua bao khâu trung gian, thị trường của mình ở đâu… Chúng ta vẫn chưa nắm được thị trường và chưa biết cạnh tranh ở đâu.

Cho nên đại đại đa số lớp trẻ Việt Nam bây giờ đi làm trong các nhà máy, các xí nghiệp, nai lưng đi làm thuê cho nước ngoài, quay trở lại đồng tiền đó đi mua những thứ nhập khẩu, trong khi chất lượng chưa chắc đã bằng sản phẩm của chúng ta làm ra. Các tập đoàn lớn ở các nước mạnh họ có những nguồn hỗ trợ để truyền thông để đưa nông sản vào Việt Nam quá lớn và khiến chúng ta bị đè ngay trên sân nhà.

Mặt khác, chúng ta trải qua một quá trình dài sản xuất khiến lòng tin của người tiêu dùng bị đánh mất, trở thành yếu tố ảnh hưởng đến sự cạnh tranh, yếu tố khiến chúng ta thua thiệt.  

Đó là vấn đề rất nguy hiểm. Thử nghĩ mà xem, tại sao lại có thực trạng một chuyến bay đưa gần 10 tấn dâu tây Trung Quốc vào Đà Lạt… Đấy là vấn đề của nhà quản lý. Hãy khoan nói về chất lượng, hãy tự hỏi xem tại sao người ta lại đi mấy nghìn cây số để đưa đến bán ở nơi được xem là thủ phủ dâu tây chúng ta?

Khi đã có thông tin, khi đã tìm hiểu kỹ thị trường thì chúng ta có quyền lựa chọn sản xuất những gì mình có lợi thế.

Tôi có tham gia vào một nhóm trồng khoai tây ở Nội Mông (Trung Quốc), giá thành để làm ra 1kg khoai tây ở đó vào khoảng 800 đồng tiền Việt. Điều quan trọng là chi phí vận chuyển từ Sơn Đông về đến Hà Nội cũng không đắt hơn chi phí vận chuyển từ Đà Lạt ra Hà Nội. Vậy thì chúng ta làm sao có thể cạnh tranh được với họ.

Cho nên, theo tôi, chúng ta đừng cố làm cái gì mà mình không giỏi bằng người khác. Thà cứ yêu cầu truy xuất nguồn gốc đầu vào để cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm giá rẻ còn hơn.

Thực tế đại đa số người làm nông nghiệp đang 'ăn thịt mình'. Ăn thịt vào tài nguyên đất đai, ăn vào công sức... Ảnh: Tùng Đinh.

Thực tế đại đa số người làm nông nghiệp đang “ăn thịt mình”. Ăn thịt vào tài nguyên đất đai, ăn vào công sức... Ảnh: Tùng Đinh.

“Tất cả chi phí chúng ta đều bị đội lên, có thể hỗ trợ người dân một đồng nhưng qua tất cả những cơ chế của chính sách thì giá đến người dân đội lên khủng khiếp, gấp đôi gấp ba lần. Tất cả đều vào giá thành của sản phẩm hết. Đơn giản nhất là tất cả những loại trái cây chúng ta có đều phải đi nhập mứt, sấy khô. Có sản xuất ở Việt Nam cũng không cạnh tranh nổi. Xoài Trung Quốc nhập từ Việt Nam về sấy xong bán ngược trở lại Việt Nam. Các loại rau củ quả người ta có thể sơ chế tại sao chúng ta không chú trọng việc đó. Nếu chủ động được vấn đề đó sẽ chủ động được giá”, bà Nguyễn Thị Thành Thực.

Sao không biến Việt Nam thành trung tâm chế biến nông sản thế giới?

Nhân nói về thị trường Trung Quốc, lâu nay chúng ta hay nói về thị trường Trung Quốc, thương lái Trung Quốc, thậm chí trong từng thời điểm là tiêu cực như câu chuyện được mùa mất giá, chuyện bị thương lái chèn ép… Là một người làm ăn lâu năm, có nhiều kinh nghiệm với thị trường Trung Quốc, bà nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Trước hết phải khẳng định, nền nông nghiệp Trung Quốc đã vượt xa chúng ta và nhiều sản phẩm tương đồng chúng ta không thể cạnh tranh được với họ.

Về thị trường, chúng ta chỉ mới bán hàng đến khu vực biên giới, chưa tìm hiểu, chưa có thông tin sản phẩm mình làm ra sẽ đi đến đâu, người tiêu dùng đánh giá như thế nào, giá trị sản phẩm ra sao…

Đơn giản nhất là cả một thị trường lớn như vậy nhưng chúng ta không có nổi một gian hàng nào ở đất nước họ để quảng bá cả.

Cho nên, khi thành lập Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (Vida) tôi có nói với anh Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội là: Nếu chúng ta không có được một đại diện ở Trung Quốc để hỗ trợ cho việc kết nối, quảng bá sản phẩm Việt Nam, để người tiêu dùng Trung Quốc biết đến sản phẩm Việt Nam thì chúng ta sẽ thua.

Muốn bán hàng thì phải đi ra chợ chứ. Từ trước đến nay chúng ta toàn bán ở nhà thôi, nếu đi ra chợ cũng làm thuê cho người khác. Phải thay đổi tư duy nếu không nông sản Việt Nam không thể có vị thế trên thị trường được.

Thực tiễn cho thấy vai trò của nông nghiệp ngày càng được chú trọng, đặc biệt là qua bối cảnh dịch Covid-19, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, tuy nhiên, thực tiễn cũng chỉ rằng những chính sách, những hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp vẫn đang cực kỳ hạn chế. Chúng ta nói nhiều về hội nhập, về cơ hội, thách thức của thị trường quốc tế, chúng tôi được nghe những câu chuyện về việc các doanh nghiệp tự đi tìm thị trường, tự áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất để đáp ứng thị trường đó, liệu có phải đa phần doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn đang “tự bơi” hay không?

Có thể nói rằng, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp có hai dạng.

Một là dạng đầu tư kiểu bất động sản nông nghiệp. Tôi khẳng định đó là làm trò. Có những doanh nghiệp làm trò để lấy đất đai, đặc biệt là đất đai vốn thuộc sở hữu của Nhà nước. Hoặc làm trò để làm truyền thông cho lĩnh vực khác của họ, bởi vì nông nghiệp luôn được quan tâm và “đầu tư” vào nông nghiệp gần như sẽ được truyền thông miễn phí.

Ví dụ một doanh nghiệp làm đa ngành sẽ đưa lãi ở những ngành khác đổ xuống ruộng đồng mà không ai biết. Đó có thể coi là một hình thức giải ngân chi phí và chỉ có những doanh nghiệp lớn mới làm được điều đó.

Họ có thể lấy một lúc hàng trăm ha đất nông nghiệp, thâu tóm hàng chục doanh nghiệp nhà nước nhưng hiệu quả đến đâu thì chưa biết thế nào. Tất nhiên cũng có thể họ muốn làm nông nghiệp thật, nhưng trong bối cảnh bất động sản đang tốt, ngân hàng, tài chính đang tốt thì chắc chắn họ cứ để dành nông nghiệp đấy đã.

Thứ hai là những doanh nghiệp thực sự tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp. Về cơ bản, những doanh nghiệp này không có khả năng làm trong những ngành khác như bất động sản, chứng khoán - những ngành ít rủi ro và lợi nhuận cao, khả năng vay ngân hàng cũng dễ hơn.

Trong số này, thật sự mà nói có những người làm vì tâm huyết nhưng phải lấy thế mạnh khác, lấy thằng miền xuôi nuôi thằng miền ngược, tay trái nuôi tay phải, còn những người không làm ngoài ngành, chỉ chuyên tâm vào nông nghiệp thì về cơ bản không có sự lựa chọn.

Tức là nếu không có nguồn lực từ lĩnh vực khác, chỉ đầu tư vào nông nghiệp sẽ cực kỳ khó khăn. Tôi khẳng định, những doanh nghiệp chuyên tâm thực sự vào nông nghiệp vẫn đang phải tự bơi, tự phải làm tất cả mọi thứ. Tự thiết kế, sản xuất, lo thị trường, đồng thời vấn đề tiếp cận các chính sách hỗ trợ, tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi đang cực kỳ hạn chế.

Theo bà, cần phải làm gì để nông sản Việt thực sự xứng tầm với tiềm năng, lợi thế?

Thay đổi đầu tiên phải là nhà quản lý. Còn đối với người dân, doanh nghiệp thì không phải nói gì cả. Họ sẵn sàng làm tốt, họ buộc phải thay đổi bởi vì họ không có lựa chọn nào khác ngoài sống bằng nông nghiệp cả.

Thứ hai là phải có công nghệ phù hợp và đẩy mạnh sự khác biệt của nông nghiệp bản địa. Đó là khác biệt từ giống bản địa, chất lượng sản phẩm bản địa, cách canh tác bằng sự trải nghiệm với người tiêu dùng. Nông nghiệp bản địa chúng ta có rất nhiều ưu thế, làm thế nào để phù hợp nhất là điều quan trọng.

Thứ ba là vấn đề kiểm soát thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường nhập khẩu đối với tất cả các loại nông sản các nước vào Việt Nam. Chúng ta phải giành được thị phần trong nước và phải làm sao để người dân ở các nước khi đến Việt Nam phải được hưởng thụ những sản phẩm ngon nhất của Việt Nam. Tức là câu chuyện xây dựng thương hiệu.

Chúng ta phải xây dựng được thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, đó là trách nhiệm của nhà quản lý. Cuối cùng vẫn là bài toán kinh tế nông nghiệp làm thế nào để có lãi sau khi tính đúng tính đủ chi phí, lãi thực chứ không phải lãi giả lỗ thực.

Cuối cùng là thay đổi tư duy. Tôi không hiểu tại sao khi nói đến nông nghiệp Việt Nam chỉ nói đến sản xuất thôi. Cực kỳ vô lý. Tại sao chúng ta không nghĩ Việt Nam sẽ là nơi chế biến nông sản để đi ra thế giới. Tại sao không trở thành nơi ép trái cây, chế biến các sản phẩm nông sản khác trong khi chúng ta có mấy nghìn km bờ biển mà không trở thành chợ chế biến của thế giới.

Chúng ta có lợi thế khí hậu, vị trí địa lý, người dân cực kỳ chăm chỉ, khéo léo… Những lợi thế hoàn toàn có thể biến Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản của thế giới. Chúng ta là một quốc gia nông nghiệp nhưng tại sao lại không có một đặc khu kinh tế nông nghiệp. Đó là điều vô lý.    

“Làm thế nào để một nền nông nghiệp có thể sạch, an toàn và hoàn toàn tự tin? Chắc chắn người nông dân, người sản xuất nông nghiệp phải được hạnh phúc. Họ không phải lo lắng ngày mai lấy gì cho con đi học, bệnh tật chữa bằng gì, thất bát mùa màng, đi vay ngân hàng đến kỳ có đáo hạn được không là mất luôn đất đai… Họ phải bớt được những nỗi lo ấy mới có thể hạnh phúc và như thế mới có thể làm ra những sản phẩm chất lượng và an toàn”, bà Nguyễn Thị Thành Thực.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.