"Đây là thách thức, ai là người chở được sự thật thì sẽ được tôn trọng, khẳng định vị trí quán quân của con đường cạnh tranh này" - đại biểu Nhưỡng chia sẻ thêm.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội. |
Ông là người luôn sẵn lòng khi báo chí tìm đến. Vì sao ông lại giành cho báo chí sự ưu ái?
Nói theo nghĩa thông thường người ta gọi là giữa tôi và các nhà báo có duyên với nhau. Có thể nói khi tôi làm việc với các nhà báo, mình thấy hạnh phúc. Vì đấy là việc làm ý nghĩa. Bởi tôi là một đại biểu nhân dân, một người cử tri và nhân dân cả nước giao cho nhiệm vụ nặng nề, tham gia một cách tích cực vào các hoạt động của cơ quan quyền lực, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhà nước theo hiến pháp và pháp luật.
ĐBQH mang trọng trách lớn như vậy, bản thân tôi cũng rất mong muốn qua báo chí truyền đạt tất cả những việc đang thực hiện đến với cử tri nhân dân cả nước để cho nhân dân và cử tri cả nước hiểu được mình đang làm những gì, đang suy nghĩ như thế nào, có thực sự xứng đáng là đại biểu của người dân hay không.
Hơn nữa không chỉ để người dân nắm được vấn đề đó mà đó cũng là quyền giám sát đối với đại biểu và với Quốc hội. Do đó, báo chí có vai trò quan trọng đối với hoạt động của tôi là như thế.
Thứ hai, báo chí cũng là cơ quan giám sát. Tôi mong muốn thể hiện rõ quan điểm của mình trước báo chí nhằm cho báo chí hiểu được và giám sát các hoạt động của cá nhân tôi. Rõ ràng việc làm của mình được công khai hóa, được minh bạch hóa.
Như vậy Quốc hội rõ ràng không phải ở một nơi xa vời, Quốc hội không phải cái gì đó rất thâm nghiêm bí hiểm mà Quốc hội ở chính các hoạt động của đại biểu, thông qua những hoạt động thông thường. Vì thế tôi luôn gần gũi với các bạn.
Thứ ba, quan điểm suy nghĩ, nguyện vọng cũng như việc làm của tôi cũng sẽ được báo chí truyền đạt nhanh chóng nhất đối với cử tri và nhân dân cả nước. Ở cả hai phía, phía báo chí giám sát được tôi nhưng tôi cũng mong muốn nhờ báo chí như là một cánh chim đưa những kết quả và việc làm, suy nghĩ cũng như dự định, dự kiến của tôi với tư cách là một đại biểu của nhân dân đến với nhân dân.
Cũng xin chia sẻ một cách chân thành sau những phát biểu của tôi thì có nhiều cử tri, rất nhiều người đã gọi điện nhắn tin trao đổi với tôi rất nhiều vấn đề có ích. Tôi sẽ tiếp tục vững tâm hơn trong công việc của mình trong thời gian tiếp theo. Đó là những lợi ích mà báo chí mang lại cho tôi rất lớn chứ không phải báo chí khai thác được những vấn đề của tôi mà bản thân tôi cũng rất mong muốn giúp tôi để tôi có thể thông tin tới cử tri và nhân dân những điều cần thiết nhất..
Là đại biểu có những phát ngôn thẳng, thật được người dân và báo chí rất ủng hộ, tin tưởng. Nhưng sự thật thường mất lòng, có khi nào ông gặp rắc rối với những phát biểu đụng chạm không?
Mình không thể tránh được việc đụng chạm, đã làm việc một cách nghiêm túc thì chắc chắn không đụng chỗ nọ thì đụng chỗ kia. Thẳng thắn, không uốn éo thì chắc chắn va chỗ nọ va chỗ kia. Bởi vì các luồng tư tưởng rất nhiều, trong các kênh tư tưởng tương đối đông đúc và chật hẹp, mình hoạt động thẳng thắn mình sẵn sàng đối mặt với những điều đó thì chắc chắn động chạm hết chỗ nọ, chỗ kia. Tôi cho rằng nếu đó là việc làm cần thiết thì cũng không nên ngại đụng chạm.
Tôi luôn suy nghĩ mình là đại biểu của dân mà mình lại né tránh những điều mà dân đang phó thác cho mình để an thân thì không được.
Người dân dĩ nhiên cũng có những nguyện vọng chính đáng, có những nguyện vọng chưa phù hợp với tình hình cũng như bối cảnh nhưng nhìn chung người dân luôn luôn đúng ở khía cạnh người dân luôn luôn có ước vọng, người dân luôn luôn có yêu cầu, cử tri luôn luôn có quyền đặt ra những vấn đề để cho Quốc hội, Chính phủ các cơ quan Nhà nước phải suy nghĩ phải làm việc và cần phải tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công việc.
Chính vì vậy, những vấn đề của thực tế thì đương nhiên phải đụng chạm đến các cơ quan và người đứng đầu mà người ta thấy yêu cầu đó có thể quá đối với họ, hoặc đơn giản là không phù hợp với khẩu vị của họ.
Tôi biết rằng nếu không nói cũng có thể người khác sẽ nói nhưng thông thường nhiều người chọn ôn hòa hơn, thậm chí lảng tránh.
Ai cũng tìm cách lảng tránh để yên thân thậm chí góp sức để cho tiêu cực tiếp tục sống, tiếp tục tồn tại, như thế mình thấy có tội quá, cho nên tôi nghĩ và đã từng nói “muốn yên thân thì dễ nhưng lương tâm mình cắn rứt”, người dân, cử tri yêu cầu mình thực hiện một cách nghiêm túc nhiệm vụ họ trao cho mình, nếu mình không làm những việc được cho là gai góc thì chắc mình không còn xứng đáng là đại biểu của nhân dân, cử tri nữa.
Mỗi người có một suy nghĩ, nhưng tôi nghĩ mình lựa chọn con đường sẵn sàng đối mặt như người lính, trước đây mình từng là người lính, bây giờ là cựu chiến binh, mình là bộ đội Cụ Hồ thì mình tiếp tục phát huy tinh thần đạo đức của bộ đội Cụ Hồ trong thời bình hiện nay.
Tôi sẵn sàng đấu tranh với sai phạm, vi phạm pháp luật đối với tiêu cực và tham nhũng. Thôi thì mình là người lính rồi thì mình phải ra trận, đạn luôn luôn phải lên nòng để đối diện với những thử thách, chông gai. Đối với tôi đó là chuyện bình thường.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng trả lời phỏng vấn. |
Xin cắt lời ông, có khi nào báo chí cắt gọt câu chữ khiến ông phiền lòng không?
Việc cắt gọt câu từ của báo chí với tôi không nhiều. Nhưng có vài chuyện đã xảy ra và từng phải nói lại với các bạn phóng viên. Đó là việc giật tít.
Có lần các bạn giật tít “Người chết cũng phải nộp thuế”, tôi cũng đã phải đề nghị anh chị em phải giật tít lại. Vì giật tít như thế có thể khiến người đọc hiểu lầm dù cái tít đó rất hay, thu hút mạnh mẽ, gây tính tò mò, nhiều người phải giật mình… Nhưng sợ nhất người đọc không hiểu, họ cho rằng “ông chết rồi sao mà đi đóng thuế được”?.
Sự thực, nói sự thực và phản ánh sự thật dường như vẫn có những “lằn ranh” nhất định, ông có đồng ý với điều này? Cá nhân ông cho rằng, báo chí cần phải làm gì trong môi trường hiện nay khi mạng xã hội đang chiếm ưu thế.
Tôi muốn nhắc lại một tên mà có từ lâu rồi - NXB Sự thật, đấy là một cái tên rất đặc biệt. Sự thật là một tên gọi đẹp nhất của chân lý. Mà chân lý phản ánh đầy đủ bản chất của sự vật hiện tượng của các quá trình đặc biệt đối với xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, báo chí cách mạng Việt Nam, với các hoạt động truyền thông khác trong đó có mạng xã hội có sự cạnh tranh gay gắt. Đây là thách thức, ai là người chở được sự thật, mang được sự thật, xây dựng được sự thật nhằm xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp thì người đó sẽ là người được tôn trọng, được khẳng định vị trí quán quân của con đường cạnh tranh này.
Tôi cho rằng có những sự việc mạng xã hội đưa đúng, cũng có những sự việc báo chí đưa sai… Bản thân báo chí hoạt động tốt nhưng một số cá nhân lồng ý chí chủ quan, vì mục tiêu cá nhân hoặc là lấp ló đằng sau họ là một chủ thể khác đang điều hành khiến một số nhà báo rơi vào cạm bẫy tiền bạc, phạm tội.
Điều đó có nghĩa báo chí cũng có mặt khiếm khuyết nhưng hà tì ở đâu, chứ hà tì về mặt tư tưởng rất đáng sợ. Bởi vì nếu anh khiếm khuyết, hà tì về mặt tư tưởng thì sẽ dẫn đến hành động của anh không được đúng đắn.
Sự thật thì phải là sự thật, một nửa sự thật không thể là sự thật. Chính vì thế cuộc cạnh tranh của báo chí và mạng xã hội ngày càng gay gắt, tôi cho rằng báo chí càng ngày càng phải chứng minh cho cử tri và nhân dân toàn xã hội biết được rằng báo chí mới là lực lượng luôn luôn và đáng được trân trọng.
Xin cảm ơn ông!