| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 17/07/2022 , 10:53 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 10:53 - 17/07/2022

Một vụ án buôn lậu trên biển và hai lời cảnh báo nghiêm khắc

Qua vụ án buôn lậu 198 triệu lít xăng, cần phải nghiêm túc chấn chỉnh và giám sát lực lượng cảnh sát biển, để Việt Nam yên tâm thực thi pháp luật trên biển.

Vụ án buôn lậu 198 triệu lít xăng trên biển, vừa được Tòa án quân sự Quân khu 7 đưa ra xét xử, thực sự khiến nhiều người hoang mang và âu lo. Bởi lẽ, đường dây tội phạm này liên quan đến nhiều sĩ quan cao cấp của lực lượng cảnh sát biển và bộ đội biên phòng một số địa phương.

Cơ quan công tố đã xác định, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, đối tượng Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) móc nối với những kẻ cơ hội biến chất để vận chuyển và mua bán trái phép 198 triệu lít xăng, trị giá khoảng 2.900 tỉ đồng. Những đồng phạm chủ chốt của đối tượng Phan Thanh Hữu thời điểm ấy, gồm có thiếu tướng Lê Văn Minh - Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4, thiếu tướng Lê Xuân Thanh - Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3, đại tá Nguyễn Thế Anh - Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, đại tá Phạm Văn Trên - Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Trà Vinh, đại tá Phùng Danh Thoại - Trưởng phòng xăng dầu Cục Hậu cần thuộc Bộ tư lệnh cảnh sát biển. Ngoài ra, còn có 8 bị cáo khác đều là quân nhân của bộ đội biên phòng và cảnh sát biển.   

Tòa án quân sự Quân khu 7 nhận định, vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm hại đến hoạt động đúng đắn, uy tín của các cơ quan, tổ chức. Các bị cáo nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự do các hành vi phạm tội của mình gây ra.

Phán quyết thích đáng đã được dành cho các bị cáo. Tuy nhiên, dư luận không khỏi âu lo, bởi lẽ không chỉ buôn lậu, mà vụ án còn có cả tội danh “hối lộ” và “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. Nghĩa là, hành vi buôn lậu xăng dầu trên biển không chỉ gây lũng đoạn thị trường trong nước, mà còn đưa ra hai lời cảnh báo nghiêm khắc, một lời cảnh báo về đạo đức cán bộ và một lời cảnh báo an ninh quốc gia.

Cảnh sát biển và bộ đội biên phòng luôn được chính sách của Đảng và Nhà nước quan tâm rất chu đáo về vật chất lẫn tinh thần. Vậy mà, một gian thương như đối tượng Phan Thanh Hữu lại dễ dàng lôi kéo và thao túng nhiều sĩ quan cao cấp vào con đường lầm lạc. Vì sao? Vì họ kém tu dưỡng, nên lòng tham trỗi dậy và lạm dụng chức vụ để mưu lợi cá nhân. Bên cạnh đại tá Phùng Danh Thoại góp số vốn 5 tỷ đồng để buôn lậu và thu được 22 tỉ đồng, thì thiếu tướng Lê Văn Minh nhận hối lộ 6,9 tỉ đồng, thiếu tướng Lê Xuân Thanh nhận hối lộ 1,8 tỉ đồng, đại tá Nguyễn Thế Anh nhận hối lộ 560.000 USD và 6,2 tỉ đồng, đại tá Phạm Văn Trên nhận hối lộ 1 tỉ đồng.

Đặc biệt, hai vị tư lệnh cảnh sát biển vùng 3 và vùng 4 đã tiếp tay cho tội phạm, bằng cách nhắn tin tọa độ cho tàu chở xăng buôn lậu thuận lợi vượt qua trót lọt các lớp kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng trên biển. Vì những đồng tiền bẩn thỉu mà cung cấp thông tin nghiệp vụ có ý nghĩa mật thiết với hải phận quốc gia, thì thực sự vô cùng nguy hiểm.

Qua vụ án buôn lậu 198 triệu lít xăng, cần phải nghiêm túc chấn chỉnh và giám sát lực lượng cảnh sát biển, để Việt Nam yên tâm thực thi pháp luật trên biển.