Có người bảo, dã quỳ là hoa báo nắng, là biểu tượng của tình yêu bất diệt.
Truyền thuyết về hoa Dã quỳ, kể rằng: “Ngày xửa ngày xưa, trên cao nguyên Lâm Viên (Đà Lạt ngày nay) có hai bộ tộc kình địch, cấm trai gái không được lấy nhau, ai vi phạm sẽ bị xử trảm. Năm ấy, chàng Lang (con trai Tù trưởng Lạch) tuấn tú tài giỏi, yêu say đắm nàng Biang (con gái Tù trưởng Chil) xinh đẹp hiền thục. Họ nguyện thề mãi mãi bên nhau.
Khi bị phát giác, cả hai chấp nhận cái chết, phản đối hủ tục và giữ trọn lời thề. Ngay đêm ấy, Yàng (trời) báo mộng cho hai Tù trưởng, vì hằn thù vô lý đã giết chết đôi trai tài gái sắc nhất vùng, hãy xóa bỏ lời nguyền đi.
Sáng hôm sau, hai Tù trưởng triệu tập dân làng “cắt máu ăn thề”, kết tình huynh đệ, làm lễ mai táng đôi trẻ lên núi Bà (núi Lang Biang ngày nay) và cho trai gái tự do kết hôn. Đầu mùa khô năm sau, bên hai ngôi mộ ấy, mọc lên một loài cây hoang dại, nở hoa vàng rực núi rừng.
Người đời xót thương, đặt tên loài hoa ấy là dã quỳ. Đã có kẻ nhẫn tâm (vì ghen, không yêu được Biang) chặt bỏ hết dã quỳ, quăng đi thật xa. Nhưng kỳ lạ thay, dã quỳ vẫn sống mãnh liệt, lan tỏa khắp núi rừng Tây Nguyên”.
Truyền thuyết ấy, thực hư thế nào chưa rõ. Với tôi, luôn bị dã quỳ “hút hồn” mỗi mùa hoa nở. Mấy ngày nay, tôi dạy thiệt sớm để săn ảnh dã quỳ.
Trong nội ô Đà Lạt, khắp triền đồi Dinh I, Dinh II, Dinh III, Cáp Treo, Cao Đẳng, Thái Phiên, Trại Mát, Ga Đà Lạt, Hồ Tuyền Lâm, Sân bay Cam Ly… bạt ngàn dã quỹ lung linh trong nắng. Tôi thường gặp may, khi săn ảnh, luôn được “Mỹ nhân phù trợ”.
Sáng nay, đang lúi húi chụp Dã quỳ trong Khu nghỉ dưỡng Đường Sắt, thì chiếc taxi đỗ xịch sau lưng. Một tốp váy - đầm, dài ngắn đủ kiểu, nói cười “tự nhiên như người Hà Nội” ào xuống, thi nhau tạo dáng, chụp ảnh dã quỳ. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi bấm liền răm kiểu. Bị một em phát hiện, la lên “không chụp lén nha”. Tôi đành “mặt dày” đến xin lỗi, khoe ảnh, làm quen. Hỏi chuyện mới biết, đây là nhóm sinh viên thành phố Hồ Chí Minh lên du lịch, mê dã quỳ.
Xem ảnh, thấy tôi chụp đẹp, em nhỏ người nhất bảo “Tụi em tha, nhưng anh phải chụp giùm bọn em cơ”. Tôi liền lấy máy của trưởng nhóm bảo, các em cứ tự nhiên, anh chụp cảnh “Nữ sinh trên phố Dã quỳ”. Ngay lần đầu, các em “diễn” rất đạt, nhưng tôi bảo “chưa được, làm lại nha”.
Lúc các em quay đi, tôi liền lấy máy của mình, bấm như “vãi đạn”, bụng bảo dạ các em “nuôi con lừa” rồi. Lúc trả máy ảnh, tôi bảo “cho anh đăng báo nha”. Trưởng nhóm hỏi “báo nào vậy”, tôi bảo “Báo Tuổi Trẻ cười”. Tất cả cười ồ, chia tay vui vẻ.
Tôi, lại cưỡi con xe “Già mà ham - Yamaha” phi về hướng Thái Phiên. Chụp xong cảnh “Rừng dã quỳ”, thì gặp “chú rể chụp cô dâu” bên hẻm dã quỳ. Tôi ngô nghê bảo “Mới mua máy, tập chụp thôi”, đôi ấy tưởng thật, cho tôi chụp thoải mái.
Tranh thủ trời nắng đẹp, tôi lại phóng về hướng Trại Mát, gặp khá nhiều “Phó nháy”, “Dân phượt” tứ xứ mê mải chụp dã quỳ. Những nơi tôi đi qua, thấy nhiều bạn trẻ và du khách dừng xe bên đường, tíu tít dùng điện thoại “tự sướng” với dã quỳ, thật vui nhộn. Thế mới biết, dã quỳ Đà Lạt mê hoặc lòng người, ghê gớm thật.
Tôi sực nhớ mấy vần thơ của Lê Nguyên, viết về dã quỳ:“Tự vỡ tim mình rắc phấn hương/ Loài hoa hoang dại mọc bên đường/ Trong vườn cổ tích thêm huyền thoại/ Gởi nắng xuân về lóng lánh sương”. Như biển nắng vàng tươi rói, dã quỳ sưởi ấm, trang điểm nhan sắc Đà Lạt, báo hiệu 6 tháng mưa dầm dề chấm dứt.
Với “dân nhiếp ảnh”, trời xanh - mây trắng - nắng vàng, phố phường, cảnh vật rực rỡ, dã quỳ vàng óng lung linh… không vác máy đi chụp mới lạ. Dã quỳ là loài hoa dại, mọc tự nhiên ở Tây Nguyên và vài tỉnh thành phía Bắc. Nhưng, công chúng và du khách, thường nhắc nhớ “Mùa dã quỳ Đà Lạt” nhiều hơn.
Bởi nơi đây, là thành phố du lịch nổi tiếng, có truyền thuyết và sự hiện hữu bạt ngàn của dã quỳ khắp nội ngoại thành. Như một lời hẹn, đầu tháng 11 dương lịch - Mùa dã quỳ nở, du khách thập phương lại xôn xao, tìm về Đà Lạt để thưởng lãm, ghi hình, hoài niệm, đắm chìm trong màu vàng hoang dại, khó phai.
Hoa dã quỳ, gần giống hoa Hướng dương (nhưng nhỏ hơn), mỗi cây có hơn chục bông, mọc thành bụi, thành rừng mãnh liệt, thường nở đồng loạt, tạo thành thảm vàng bắt mắt, gần hai tháng mới tàn. Sắc vàng dã quỳ như hạt nắng vàng, sưởi ấm cao nguyên giá lạnh, níu giữ chân người.
Ngắm nhìn và chụp ảnh dã quỳ đẹp nhất vào sáng sớm, khi những hạt sương còn đọng trên lá và những cánh hoa. Hoặc buổi chiều tà, những tia nắng “xiên khoai” lung linh, nhảy múa trên bông Dã quỳ, thật huyền ảo quyến rũ. Bạn có thể bắt gặp sắc vàng óng ánh dã quỳ ở bất cứ nơi đâu, bên những biệt thự cổ trầm mặc, hay những con dốc, hẻm phố, đường ra ngoại thành, tỏa đi muôn nẻo.
Để tận hưởng màu vàng quyến rũ dã quỳ, bạn nên dùng xe máy, để len lỏi khắp nơi chốn, khám phá dã quỳ khoe sắc. Và nên nhớ, 5 cung đường ngoại ô, dã quỳ nở đẹp nhất là: Đà Lạt - Cầu Đất - Đơn Dương; Đà Lạt - Núi Voi - Đức Trọng; Đà Lạt - Suối Vàng - Lạc Dương; Đà Lạt - Thác Voi - Lâm Hà; Đà Lạt - Đạ Sar - Long Lanh.
Thời điểm lý tưởng, để chụp bộ ảnh đẹp về dã quỳ (từ 5 đến 7 giờ sáng và 5 đến 6 giờ chiều), nên chụp lúc lặng gió, nắng đẹp. Thời tiết Đà Lạt mùa này khá lạnh, bạn nên mặc đủ ấm, mang găng tay, thuốc chống muỗi nếu đi vào rừng và nên đi có đôi. Nếu đi xa, nên trở về Đà Lạt đừng quá muộn, kẻo vượt đèo sương mù, tầm nhìn hạn chế.
Người Đà Lạt thật cởi mở và lãng mạn. Vì “yêu” dã quỳ, nên đã thiết kế Logo Festival Hoa, Nhà ga sân bay Liên Khương, Nhà hát quảng trường Lâm Viên hình bông dã quỳ đang nở. Đã có người đề xuất, nên tổ chức “Lễ hội hoa dã quỳ Đà Lạt”, tương tự “Lễ hội hoa Anh đào Nhật Bản”. Cùng với muôn loài hoa khác, hoa dã quỳ đã góp phần làm nên thương hiệu “Đà Lạt - Thành phố Festival Hoa Việt Nam”.