Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, từ tháng 7 đến tháng 11/2021 là thời kỳ mùa lũ trên sông Mê Công và các sông Nam Bộ. Cuối tháng 7, mực nước lớn nhất đầu nguồn sông Cửu Long dự báo đạt 2,3 m tại Tân Châu. Vào thời điểm đó, mực nước lũ đầu vụ vùng Thượng ĐBSCL ở mức không cao, từ 2,0–3,0 m tại các huyện đầu nguồn như: huyện An Phú, Thị xã Tân Châu và huyện Phú Tân của tỉnh An Giang; huyện Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự và huyện Tân Hồng của tỉnh Đồng Tháp. Các khu vực ven sông Tiền, sông Hậu và khu vực ven Biển Đông dưới tác động của lũ sông Mê Công và triều cường, mực nước cao nhất khoảng 1–2 m. Các khu vực ven Biển Tây và sâu trong nội đồng mực nước cao nhất dưới 1,0 m.
Đến 20 tháng 8, mực nước lớn nhất đầu nguồn sông Cửu Long dự báo đạt 2,80 m tại Tân Châu. Mực nước nội đồng từ 2,3–3,5 m, chỉ tập trung ở các huyện đầu nguồn như: An Phú, Thị xã Tân Châu và huyện Phú Tân của tỉnh An Giang; huyện Hồng Ngự, Thị xã Hồng Ngự và huyện Tân Hồng của tỉnh Đồng Tháp. Các khu vực ven sông Tiền, sông Hậu và khu vực ven Biển Đông dưới tác động của lũ sông Mê Công và triều cường, mực nước cao nhất khoảng 1,0 – 2,3 m. Các khu vực ven Biển Tây và sâu trong nội đồng mực nước cao nhất dưới 1,0 m.
Đỉnh lũ chính vụ dự báo đạt 3,80 m tại Tân Châu. Khi ấy, mực nước nội đồng vùng Thượng ĐBSCL ở mức từ 3,4–4,3 m, tập trung ở các huyện đầu nguồn như: huyện An Phú, Thị xã Tân Châu và huyện Phú Tân của tỉnh An Giang; huyện Hồng Ngự, Thị xã Hồng Ngự và huyện Tân Hồng của tỉnh Đồng Tháp. Các khu vực ven sông Tiền, sông Hậu và khu vực ven Biển Đông dưới tác động của lũ sông Mê Công và triều cường, mực nước cao nhất khoảng 1,5–3,4 m. Các khu vực ven Biển Tây và sâu trong nội đồng mực nước cao nhất dưới 1,5 m.
Như vậy, lũ đầu vụ ít có khả năng đến sớm, mức lũ cao nhất đầu vụ không cao nên ít có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất vụ Hè Thu và Thu Đông năm 2021, ngoại trừ các diện tích sản xuất ngoài ô bao cần thu hoạch trước thời gian này.
Với dự báo lũ chính vụ ở mức 3,40–3,80 m, xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam nhận định rằng hầu hết các diện tích sản xuất trong ô bao kiểm soát lũ cả năm đều an toàn. Tuy nhiên, cần đề phòng những ô bao có bờ bao xung yếu, có nguy bị tràn rò rỉ và sụt lún cao.
Về triều năm 2021, dự báo vẫn có xu thế cao hơn trung bình, nên khả năng gây ảnh hưởng đến các địa phương thuộc vùng Giữa và vùng Ven Biển ở ĐBSCL là không tránh khỏi. Vì vậy các địa phương vùng giữa và ven biển cần hết sức lưu ý và gia cố các hệ thống đê bao, bờ bao để ứng phó với triều cường.
Đánh giá mức đảm bảo của hệ thống ô bao, bờ bao thuộc vùng Giữa ĐBSCL ứng với mức lũ chính 3,8 m tại Tân Châu kết hợp đỉnh triều 2021 cho thấy, có khoảng 363 ô bao có nguy bị ảnh hưởng, với tổng diện tích khoảng 65.408 ha.
Trong đó, tỉnh Đồng Tháp có 6 huyện bị ảnh hưởng (60 ô bao, 5.887 ha), tỉnh Hậu Giang có 2 huyện bị ảnh hưởng (117 ô, 28.866 ha), tỉnh Tiền Giang có 2 huyện bị ảnh hưởng (12 ô, 1.447 ha), TP Cần Thơ có 3 quận huyện bị ảnh hưởng (44 ô, 5.431 ha), tỉnh Vĩnh Long có 4 huyện bị ảnh hưởng (126 ô, 29.212 ha), tỉnh Kiên Giang có 1 huyện bị ảnh hưởng (4 ô, 565 ha).
Với những nhận định về lũ và triều năm 2021 ở ĐBSCL, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam kiến nghị các địa phương cần lưu ý một số điểm sau: Các khu vực ngoài đê bao hay chưa có đê bao cần xuống giống Hè Thu sớm nhằm thu hoạch trước ngày 20/8; rà soát các tuyến bờ bao xung yếu, các tuyến mới đắp và xây dựng các giải pháp ứng phó kịp thời; chỉ xuống giống vụ Thu Đông ở các vùng có ô bao triệt để, không xuống giống ở các khu vực có ô bao không đảm bảo cao trình; thời tiết diễn biến ngày càng bất thường, vì vậy các địa phương cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo khí tượng thủy văn của các tổ chức để có kế hoạch ứng phó kịp thời.