Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Trạm Tấu (Yên Bái), mưa lũ trên địa bàn đã khiến 2 người bị cuốn trôi mất tích.
Hai nạn nhân được xác định là cháu T.A.Đ (SN 2019, ở thôn Suối Giao, xã Xà Hồ) do bị trượt tay rơi xuống suối, tại thôn Suối Giao, xã Xà Hồ vào 14h40 ngày 10/10.
Nạn nhân còn lại là P.A.P (SN 1993, ở thôn Păng Dê, xã Bản Mù) trên đường đi làm bị lũ cuốn trôi tại ngầm suối Cang Chi Khúa, thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ vào khoảng 7h10 ngày 11/10.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Trạm Tấu đã trực tiếp xuống kiểm tra, tập trung huy động lực lượng tìm kiếm cứu nạn tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm thấy 2 nạn nhân.
Do ảnh hưởng kết hợp của hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ bão số 7 với không khí lạnh nên trong 2 ngày 10 và 11/11, các khu vực tại tỉnh Yên Bái có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Từ 7h00 ngày 10/10 đến 7h00 ngày 11/10, một số nơi có lượng mưa lớn như: Tà Si Láng 321,0mm; Làng Nhì 257,0mm; Phình Hồ 252,2mm; Suối Giàng 209,8mm; Bản Mù 194,6mm; Sơn Thịnh 165,4mm; An Lương 139,6mm; Nghĩa An 125,8mm; Túc Đán 122,0mm; Xà Hồ 121,2mm; Trạm Tấu 115,2mm; Phong Dụ Thượng 113,2; Mỏ Vàng 107,8mm.
Mực nước trên các sông suối trong tỉnh hiện đang lên nhanh. Mực nước trên sông Thao tại Yên Bái lúc 7h00 ngày 11/10 là 27,68m (dưới báo động (BĐ) 1: 2,32m); trên Ngòi Thia là 43,98m (dưới BĐ1 là 0,52m); trên Ngòi Hút là 52,87m (trên BĐ1 là 0,37m).
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Yên Bình, ngập úng tại các vùng trũng thấp ven sông suối.
Cùng ngày 11/10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã gửi công văn số 464/VPTT đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía Bắc theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; tránh chủ quan, bất cẩn gây thiệt hại đáng tiếc về người như đã xảy ra tại tỉnh Yên Bái.
Đồng thời, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, nhất là trên các suối, khe cạn, các ao hồ có nguy cơ mất an toàn. Chú ý đối với những khu vực tổ chức sơ tán dân phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương.
Rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông.
Kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, hồ đã đầy nước, hồ xung yếu, hồ đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệtlà hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về tình hình diễn biến thiên tai, công tác chỉ đạo ứng phó về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai.