| Hotline: 0983.970.780

Mùa nắng nóng, cách nào kiểm soát hóa đơn tiền điện?

Thứ Bảy 04/07/2020 , 07:01 (GMT+7)

Ngoài sơ sót ở hóa đơn, thì khách hàng bức xúc về tiền điện tăng vọt có nguyên nhân từ việc ngành này đang áp dụng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang.

Ngành điện vẫn đang giữ thế độc quyền kinh doanh.

Ngành điện vẫn đang giữ thế độc quyền kinh doanh.

Cả nước đang bước vào cao điểm mùa hè nắng nóng. Các thiết bị điện hầu như được sử dụng hết công suất để phục vụ sinh hoạt của người dân.

Thế nhưng, cái oi bức của thời tiết không khiến xã hội lo ngại bằng cái hóa đơn tiền điện bỗng dưng tăng vọt do sự nhầm lẫn từ đơn vị cung cấp và kinh doanh điện.

Chỉ trong tháng 6 đã có hơn 28 nghìn đơn khiếu nại của khách hàng về hóa đơn tiền điện, và con số ấy chưa dừng lại.

Chính thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN cho thấy đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5/2020 cao hơn 30% so với tháng 4/2020.

Đáng lưu ý, trong tháng 5/2020 có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215 ngàn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4/2020.

Tháng 6/2020 vừa qua, khi nhu cầu sử dụng điện càng cao hơn thì liên tục xảy ra nhiều vụ tính nhầm hóa đơn tiền điện, mà nổi cộm nhất là trường hợp của khách hàng TVD ở Đồng Hới - Quảng Bình và trường hợp khách hàng ĐTG ở Vân Đồn - Quảng Ninh.

Chuyện ở Đồng Hới- Quảng Bình: Thực tế trong kỳ tính đơn tháng 6/2020, mức tiêu thụ điện của khách hàng TVD ở mức 274 kWh, nhưng bị tăng thành 18.274 kWh.

Vì vậy, thay vì chỉ thu 554, 090 nghìn đồng, ngành điện gửi hóa đơn 58, 480 triệu đồng. Khi bị khách hàng TVD phản ứng, ông Ngô Tấn Cư - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung đã chủ trì cuộc họp với 13 công ty điện lực thành viên để kiểm điểm về vụ ghi nhầm chỉ số công-tơ và cho rằng quy trình kinh doanh ngành điện khá chặt chẽ, hệ thống phần mềm quản lý có tính năng cảnh báo sớm các bất thường về sử dụng điện.

Việc tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ đảm bảo giám sát chéo, phúc tra số liệu từng khâu trước khi phát hành thông báo tiền điện và hóa đơn.

Vậy, vì sao sự cố tính nhầm hóa đơn tiền điện khách hàng tại Quảng Bình vẫn xảy ra? Nguyên nhân được giải thích là do sự chủ quan của các cá nhân và sự thiếu trách nhiệm của người đứng đầu các bộ phận và đơn vị. 

Qua xem xét trách nhiệm, ông Trần Xuân Công- Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Điện lực Quảng Bình và ông Thái Hồng Lĩnh- Giám đốc Điện lực Đồng Hới đã bị đình chỉ công tác.

Chuyện ở Vân Đồn - Quảng Ninh. Khách hàng ĐTG tại địa chỉ thôn 7, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn đã không khỏi hoảng hồn khi hóa đơn tiền điện tháng 6/2020 lên tới 89,4 triệu đồng. 

Sau khi tiếp nhận thông tin, Điện lực Vân Đồn đã cử đoàn công tác đến phối hợp với gia đình khách hàng ĐTG để kiểm tra đồng hồ đo đếm điện năng bằng bằng checkmetter, kết quả côngtơ hoạt động bình thường. 

Tại thời điểm kiểm tra, chỉ số trên mặt công tơ là 1.893 kWh; chỉ số cuối kỳ tháng 5-2020 là 1.649 kWh; lượng tiêu thụ điện thực tế tính đến ngày 22-6-2020 là 244 kWh (của 38 ngày). Trong khi đó, kỳ hóa đơn tháng 6-2020 được quy định từ ngày 15-5-2020 đến 15-6-2020 (31 ngày).

Như vậy, tính theo phương pháp nội suy thì lượng tiêu thụ điện thực tế sử dụng của khách hàng ĐTG trong tháng 6-2020 là 200 kWh. Nghĩa là số tiền mà khách hàng ĐTG phải trả chỉ là 368,3 nghìn đồng.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN cho rằng việc tiêu thụ điện của nhiều hộ gia đình tăng cao là do thời tiết nắng nóng kéo dài. Đợt nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vừa qua là đợt nóng kéo dài kỷ lục trong 27 năm qua đã dẫn đến tình hình tiêu thụ điện tăng rất cao, chủ yếu do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh.

Thế nhưng, nhầm lẫn hóa đơn tiền điện thì không thể đổ thừa cho thời tiết. Ngoài hai trường hợp khách hàng tại Quảng Bình và Quảng Ninh, thì ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh EVN cũng công khai thừa nhận: “Để tiếp nhận và xử lý các yêu cầu dịch vụ về điện, cũng như tiếp nhận các kiến nghị của khách hàng, EVN tổ chức hệ thống 5 trung tâm chăm sóc khách hàng và hệ thống các phòng giao dịch.

Từ đầu tháng 6/2020, chúng tôi đã tiếp nhận và xử lý 28.270 yêu cầu của khách hàng liên quan hóa đơn tiền điện. EVN đảm bảo 100% các ý kiến này đều được xác minh xử lý, trong đó có 118 trường hợp có kết quả phản ánh của khách hàng là đúng (tỉ lệ 0,42%) và đều đã thực hiện truy thu thoái hoàn đầy đủ”.

Khách hàng của ngành điện đang kêu khổ vì cách tính giá điện theo bậc thang.

Khách hàng của ngành điện đang kêu khổ vì cách tính giá điện theo bậc thang.

Ngoài sơ sót ở cái hóa đơn, thì khách hàng bức xúc về tiền điện tăng vọt có nguyên nhân từ việc ngành điện đang áp dụng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang. Đó là cách tính không còn phù hợp. 

Giáo sư Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đề nghị cần phải sửa ngay biểu giá bán lẻ điện bậc thang. Bởi biểu giá này đang bộc lộ quá nhiều bất cập.

Việc EVN áp dụng biểu giá bán lẻ điện đến 6 bậc thang là rất phức tạp. Chưa kể, mức tính tiền điện lũy tiến của EVN như hiện hành cũng không tương ứng với hiện trạng sử dụng điện khi bước nhảy giá giữa các bậc chưa hợp lý.

Trước sự phản ứng gay gắt của dư luận, ngành điện lực đã có chủ trương sửa đổi biểu giá bậc thang từ 6 bậc thành 5 bậc, mà ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện, Bộ Công thương giải thích: “Hiện phần lớn lượng điện năng được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu hóa thạch, không tái tạo được, trong khi nguồn năng lượng tái tạo còn hạn chế, nên cần khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. 

Nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, nhiều nước trên thế giới áp dụng giá điện theo bậc để phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân. Giá điện của các bậc tăng dần, hộ sử dụng điện càng nhiều, không tiết kiệm điện, sử dụng các thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng sẽ phải áp dụng giá điện cao hơn. 

Số liệu thu thập giá điện sinh hoạt các nước Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan và Lào cho thấy tỉ lệ giá điện sinh hoạt ở bậc cao nhất so với bậc thấp nhất khoảng từ 1,65 - 3 lần.

Vì vậy, Bộ Công thương kiến nghị vẫn tiếp tục áp dụng giá bán lẻ điện theo các bậc với giá điện tăng dần với cải tiến về khoảng cách giữa các bậc và giá điện cho từng bậc phù hợp với thực tiễn sử dụng điện của người dân. 

Mức tăng giá giữa các bậc là hợp lý, chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối là 2 lần, phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Ví dụ như tại Nam California, Mỹ là 2,2 lần, Hàn Quốc là 3 lần, Lào là 2,88 lần, Thái Lan là 1,65 lần”.

Không có sự cạnh tranh, ngành điện hiện nay vẫn “một mình em đóng cả ba vai chèo”, vừa sản xuất, vừa phân phối, vừa kinh doanh. Thậm chí, khi xảy ra sai phạm thì giải quyết vướng mắc theo hình thức tay phải kiểm tra tay trái.

Ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đề nghị: “Để đảm bảo tính minh bạch, chính xác, tránh tạo sự nghi ngờ cho khách hàng thì nên tách toàn bộ các hoạt động kiểm định công- tơ điện ra khỏi đơn vị cung cấp điện.

Từ năm 2013 đến năm 2018 có quy định không cấp phép chứng năng kiểm định thiết bị đo cho đơn vị kinh doanh loại hàng hóa đó. Có nghĩa các công ty điện lực cung cấp điện không được cấp phép kiểm định công- tơ điện.

Tuy nhiên, người ta có thể dễ dàng vượt qua quy định này bằng cách thành lập công ty con, gọi là công ty thí nghiệm điện. Việc các công ty con của ngành điện lại làm chức năng kiểm định công-tơ điện là không nên”.

(Kiến thức gia đình số 27)

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh cho ông Đinh Thế Huynh

Ông Đinh Thế Huynh được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh vì đã có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất