Từng tốp người sau ngày thu hoạch lúa cật lực, vai vác cuốc, tay cầm cây, xà- di (loại làm bằng ống tre hoặc trúc có 3 đốt).
Đốt bìa được tách, chẻ ra từng rẽ nhỏ, để viên đất khô vào giữa cho các rẽ bung ra rồi bện bằng dây kẽm như chiếc nôm cho chắc chắn men theo bờ ruộng tìm hang chuột mà đào bắt để thay đổi khẩu vị, lai rai vài xị đế. Đó không chỉ là thú vui ngày mùa mà còn là cách tận diệt loài gậm nhấm gây hại mùa màng.
Săn chuột phải là người có nhiều kinh nghiệm. Khi gặp những hang đùn bít bên ngoài nhưng có nhiều viên đất do chuột cắn che lấp miệng hang thì bên trong là cả “gia đình nhà tý” đang sinh sống.
Chuẩn bị dùng cuốc đào bắt phải kiểm tra kỹ lưỡng các miệng hang xung quanh và lấy rạ nhét kín lại. Từng nhát cuốc đầu tiên lật lên những thớ đất khô khốc sẽ xuất hiện những đường ngoằn ngoèo, nhiều ngõ ngách.
Người đào chỉ đi theo một đường hang chính. Các nhánh hang còn lại phải bịt kín lại để đào sau, tránh khi động, chúng sẽ chạy sổng. Đất lật đến đâu, người đào nhanh tay đưa xà-di theo hang đến đó nhưng phải biết làm dấu đừng để lạc ngách.
Cùng đường, chúng sẽ quay ngược lại và chui tọt vào chiếc xà-di đang giương ra chờ đón. Gặp chuột bầy thì mỗi người “thủ” sẵn cây để ra tay khi chúng nhảy ra ngoài ruộng tìm đường thoát. Đó là những chú chuột cơm cỏn con.
Còn đối với loại chuột xù thì săn rất khó vì chúng đào hang gần giữa ruộng hay những nơi đất cao, cỏ tranh rậm rạp. Muốn bắt phải dùng rọ đi điều nghiên trước và dùng bã đặt trong rọ. Thông thường, người ta dùng gạo để nhử.
Ở xứ Gò Công quê tôi, món chuột khoái khẩu là chuột quay chảo ăn với cơm nếp. Thoạt tiên, chuột bắt về làm lông với nước sôi, dùng ngũ vị hương, tỏi, đường, gia vị ướp để 1 giờ cho thấm. Sau đó cho thịt vào chảo xào với nước dừa xiêm, một ít nước cốt dảo; đốt lửa liu riu đến khi cạn nước tỏa mùi hương sực nức là nhấc xuống.
Đến mùa lúa cắt ngọn, mọi người rủ nhau đi đào chuột, chạy rầm rập, cười nói vang cả cánh đồng vui thật là vui.