| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 07/11/2023 , 16:21 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 16:21 - 07/11/2023

Mua thông tin từ người dân để chống tham nhũng

Thành ủy TP.HCM quyết định chi tiền mua thông tin tố giác tham nhũng, nhận được sự đồng tình hưởng ứng không chỉ của người dân đang sinh sống tại đô thị phương Nam.

Mua thông tin để chống tham nhũng là một câu chuyện rất mới mẻ và rất lý thú. Bởi lẽ, hành động mua thông tin trực tiếp chứng minh Thành ủy TP.HCM hạ quyết tâm đẩy lùi tệ nạn tham nhũng đang ăn mòn sinh lực cộng đồng. Mặt khác, khi đã chấp nhận mua thông tin, thì cuộc chiến ngăn chặn “giặc nội xâm” thực sự thấu hiểu và trông cậy vai trò to lớn của quần chúng.

Lâu nay, phòng chống tham nhũng chủ yếu do các lực lượng chức năng thu thập thông tin từ công tác thanh tra, kiểm tra và một phần nhỏ từ đơn thư tố cáo. Thế nhưng, tham nhũng đã và đang biến tướng với nhiều biểu hiện tinh vi và phức tạp, mà các Ban Chỉ đạo phòng chống tiêu cực, tham nhũng ở mỗi địa phương phải cần đến những thông tin kịp thời hơn, chi tiết hơn, đầy đủ hơn. Vì vậy, tai mắt người dân trở thành một kênh giám sát toàn diện nhất và nhanh chóng nhất.   

Thành ủy TP.HCM cho biết sẽ chi trả tối đa 10 triệu đồng cho mỗi lần mua thông tin chống tham nhũng. Số tiền ấy không nhiều, nhưng mang tính khuyến khích người dân hăng hái góp phần cùng cơ quan Nhà nước để tăng hiệu quả chống tham nhũng. Có người mua thông tin thì có người bán thông tin, nhưng đây là một thị trường đặc biệt, mà lợi ích trước mắt không thể so sánh lợi ích lâu dài. Chắc chắn việc mua thông tin chống tham nhũng sẽ tạo ra một thế trận sức mạnh toàn dân bủa vây và kìm hãm những kẻ đê hèn đi ngược lại mục tiêu xây dựng xã hội tốt đẹp.

Ở đây, nên hình dung thật mạch lạc về bán - mua thông tin chống tham nhũng, không nhằm số tiền 10 triệu đồng. Người dân bán thông tin để gửi gắm tin cậy và biểu dương chính nghĩa. Chính quyền mua thông tin để gìn giữ đạo lý và bảo vệ pháp luật. Vì vậy, không thể kêu gọi chung chung, mà phải quy định rõ ràng trách nhiệm của mỗi bên.

Nếu người cung cấp thông tin phải chịu trách nhiệm về tính xác thực tài liệu và phải bồi thường thiệt hại do phản ánh sai sự thật, thì người tiếp nhận thông tin phải chịu trách nhiệm ra sao khi thông tin chống tham nhũng không được xử lý đến nơi đến chốn?

Hãy nhớ rằng, mức độ tham nhũng luôn tồn tại hai trạng thái, đang thực hiện hành vi tham nhũng hoặc đã hoàn thành hành vi tham nhũng. Thông tin của người dân cung cấp có giá trị cực kỳ quan trọng đối với những trường hợp đang thực hiện hành vi tham nhũng. Nếu người tiếp nhận thông tin không có phản ứng tương thích, thì đối tượng dã tâm sẽ hoàn thành hành vi tham nhũng và khó truy vết.   

Mô hình Sở Liêm chính đã có ở nhiều quốc gia văn minh. Tổ chức này hội tụ những chuyên viên được đào tạo bài bản về kỹ năng theo dõi và phân tích các dữ kiện khuất tất do người dân tiết lộ. Đồng thời, nhân cách của họ và bản lĩnh của họ khiến người dân cảm nhận trọn vẹn về thông điệp mọi người có thể cùng nhau vun đắp môi trường sống công bằng và thịnh vượng, từ ý chí triệt tiêu tham nhũng.