“Mùa tiểu học cuối cùng” là truyện dài thiếu nhi của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa (1953-2021) được xét tặng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021. “Mùa tiểu học cuối cùng” thấp phiếu bình chọn ở Hội đồng văn học thiếu nhi, nhưng bất ngờ vượt qua hai tác phẩm được đề cử chính thức là “Cà Nóng chu du Trường Sa” và “Cá voi Eren đến Hòn Mun”, để nhận giải thưởng văn học thiếu nhi.
Việc trao giải thưởng cho “Mùa tiểu học cuối cùng” khiến Hội đồng văn học thiếu nhi cảm thấy không nhận được sự tín nhiệm cần thiết của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Những hoạt động tiếp theo liên quan đến văn học thiếu nhi như cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi và trại sáng tác văn học thiếu nhi đều không có sự tham gia của Hội đồng văn học thiếu nhi.
Hội đồng văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam vốn có 9 thành viên. Thế nhưng, lần lượt Chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi là nhà văn Trần Đức Tiến và các thành viên Cao Xuân Sơn, Nguyễn Thụy Anh, Phong Điệp, Nguyễn Xuân Thủy, Văn Thành Lê và Nguyễn Thị Kim Hòa lần lượt xin từ nhiệm. Hội đồng văn học thiếu nhi hiện tại chỉ còn lại hai thành viên là nhà văn Đoàn Thạch Biền và nhà văn Lê Minh Nhựt.
Vì sao, khi xã hội đang chú ý đến văn học thiếu nhi thì Hội đồng văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam lại có dấu hiệu tan rã? Trong thông cáo mới nhất của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam vừa công bố, cho biết: “Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ban chấp hành Hội khóa X đề ra là thúc đẩy văn học thiếu nhi sau một thời gian dài có rất ít tác phẩm văn học về đề tài thiếu nhi được bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam quan tâm.
Chính vì vậy, Ban chấp hành đã chú ý đặc biệt đến Ban Văn học thiếu nhi và mời nhà văn Trần Đức Tiến, một người có những sáng tác văn học thiếu nhi chất lượng và đóng góp cho phong trào văn học thiếu nhi những năm qua để làm Trưởng ban công tác này.
Nhà văn Trần Đức Tiến nhận lời với điều kiện cho ông toàn quyền chọn lựa các thành viên của Ban Văn học thiếu nhi. Ban chấp hành Hội đã chấp thuận điều kiện của nhà văn Trần Đức Tiến. Đây là việc làm không có tiền lệ trong Ban chấp hành những nhiệm kỳ trước đây khi thành lập các hội đồng và ban công tác của Hội Nhà văn Việt Nam.
Sau đó, nhà văn Trần Đức Tiến đề nghị Ban chấp hành thay đổi tên gọi Ban Văn học thiếu nhi thành Hội đồng Văn học thiếu nhi. Vì sự nghiệp phát triển văn học thiếu nhi, Ban chấp hành đã chấp thuận đề nghị của nhà văn Trần Đức Tiến và Ban Văn học thiếu nhi được đổi thành Hội đồng Văn học thiếu nhi, do ông làm Chủ tịch Hội đồng”.
Trước thực tế Hội đồng văn học thiếu nhi chỉ còn hai thành viên là nhà văn Đoàn Thạch Biền 75 tuổi ở TP.HCM và nhà văn Lê Minh Nhựt 43 tuổi ở Cà Mau vốn ít bận tâm đến các hoạt động văn chương trên phạm vi cả nước, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam vẫn chưa có động thái bổ sung nhân sự thay thế.
Một Hội đồng văn học thiếu nhi đã có 7/9 thành viên từ nhiệm, nhưng Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ sự lạc quan: “Các thành viên Hội đồng văn học thiếu nhi đã hợp tác nhiệt tình, trách nhiệm cho mục đích chung của Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng quá trình tổ chức thực hiện công việc cho thấy sự phối hợp giữa Ban chấp hành Hội và Hội đồng văn học thiếu nhi còn có những điều chưa hoàn toàn nhất trí. Thay mặt Ban chấp hành, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã viết thư bày tỏ sự trân trọng đối với những đóng góp của Hội đồng văn học thiếu nhi và lý giải những vấn đề liên quan để thúc đẩy sự phát triển của văn học thiếu nhi.
Ban chấp hành đã đặt mục đích vì nền văn học thiếu nhi và quyền lợi được đọc sách của trẻ em là cao nhất. Chính vì lý do đó, Ban chấp hành lắng nghe những góp ý thiện chí mang tính xây dựng của các hội đồng chuyên môn, ban công tác và các hội viên cũng như dư luận xã hội để điều hành công việc của Hội Nhà văn Việt Nam mỗi ngày một phát triển”.