Mùng 3 Tết cúng gì?
Theo tập tục của người Việt, mùng 1 Tết sẽ cúng Tất niên và ông bà tổ tiên; mùng 2 Tết cúng thần linh; còn mùng 3 Tết sẽ cúng tiễn thần linh, gia tiên và hóa vàng.
Trong ngày mùng 3 Tết này, các gia đình sẽ bày ra 1 mâm cơm khá đơn giản để tiễn tổ tiên và bậc thần linh về trời sau 3 ngày chung vui cùng con cháu.
Ngoài các món thường dùng ra, mâm cỗ cúng mùng 3 nhất định phải có 2 cây mía. Theo quan niệm xưa, cây mía ngoài đại diện cho sự may mắn và tài lộc đầu năm, thì đây còn là vật dụng theo chân ông bà tổ tiên trong những ngày về dương gian.
Cây mía là gậy chống để ông bà đi lại, là đòn gánh để mang lộc về trời và cũng là gậy để xua đuổi tà ma trong những ngày lễ Tết.
Đi kèm với mâm cỗ mùng 3 là một hoạt động không thể thiếu, đó là hóa vàng cho các cụ. Tiền, vàng mã cúng trong 3 ngày Tết sẽ được đem đốt thành tro để gửi về cho ông bà như để lấy may và cầu mong sự phù hộ.
Mùng 3 Tết nên hóa vàng vào giời nào? Cúng lúc nào?
Như Báo NNVN đã đưa tin ở bài hóa vàng ngày nào tốt nhất, ngày mùng 3 Tết 2021 (tức Chủ nhật, ngày 14/2 dương lịch) là thời điểm hóa vàng tốt nhất.
Khung giờ tốt để tiến hành lễ hóa vàng trong ngày mùng 3 Tết gồm: Giờ Thìn (7h-9h); Giờ Ngọ (11h-13h); Giờ Mùi (13h-15h); Giờ Tuất (19h-21h).
Ngoài ngày mùng 3 Tết hóa vàng như thông lệ, năm Tân Sửu 2021 cũng có thể hóa vàng vào ngày mùng 4 Tết. Tuy nhiên, nếu bố trí được tốt nhất vẫn là ngày mùng 3.
Nếu hóa vàng vào ngày mùng 4 Tết nên chọn giờ tốt đó là: Mão (5h-7h), Ngọ (11h-13h), Thân (15h-17h), Dậu (17h-19h).