| Hotline: 0983.970.780

Muốn có trang trại, phải quyết liệt đầu tư

Thứ Ba 28/06/2011 , 11:39 (GMT+7)

Ông Lê Văn Mẽ - Giám đốc Cty CP Chăn nuôi Phú Sơn - trải lòng: Nhà nước cứ đầu tư cơ chế chính sách và nguồn vốn cho chăn nuôi đi, tức khắc bộ mặt trang trại lớn sẽ dần hình thành!

* LÀM KHU CHĂN NUÔI PHẢI SỐT SẮNG NHƯ LÀM KHU CÔNG NGHIỆP

Hàng chục năm “sống chết” với nghề nuôi heo, ông Lê Văn Mẽ - Giám đốc Cty CP Chăn nuôi Phú Sơn (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) trải lòng với NNVN rằng: Nhà nước cứ đầu tư cơ chế chính sách và nguồn vốn cho chăn nuôi đi, tức khắc bộ mặt trang trại lớn sẽ dần hình thành!

Là giám đốc một Cty nuôi heo lớn nhất nhì tỉnh Đồng Nai (với trên 30.000 đầu heo thường trực), ông Lê Văn Mẽ hiểu cái yếu, cái dở của ngành chăn nuôi trong nước đến chân tơ, kẽ tóc. Ông nói rằng, để phát triển chăn nuôi trang trại lớn bền vững thì đòi hỏi tổng thể rất nhiều yếu tố hợp thành, gồm: Quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý dịch bệnh, môi trường, kiểm soát quy trình chăn nuôi sạch, chế biến, xuất khẩu và cung ứng tới tay người tiêu dùng.

“Cụ thể như thế nào? Đầu tiên Nhà nước phải tiến hành quy hoạch và quản lý quy hoạch thật tốt”. Ông Mẽ ví dụ tại Đồng Nai, khi người chăn nuôi thực hiện chủ trương di dời vào khu tập trung tại các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Trảng Bom… thì vướng ngay phải chuyện mua bán đất đai với giá cao, vùng chăn nuôi chưa được đầu tư về điện, đường, nước. Ngay cả khi người chăn nuôi lớn bỏ tiền túi ra đầu tư làm những công trình này, sau đó người dân các nơi khác đổ về sống xung quanh và làm đơn kiện cáo về mùi hôi, nước thải này nọ thì không ổn.

 Đất dành cho chăn nuôi nhưng anh không quản lý được, để người dân tự do hình thành khu dân cư, rồi sau đó vì bức xúc dân sinh lại di dời vùng chăn nuôi đi chỗ mới thì ai dám đầu tư?! Bản thân Cty Phú Sơn di dời một trại chăn nuôi heo đóng tại TP.Biên Hòa vào khu chăn nuôi tập trung tại Xuân Lộc đang hết sức vất vả, thủ tục nhiêu khê và chậm tiến độ khiến Cty phải giảm mất 600 đầu heo nái và hàng nghìn heo thịt khi trại ở TP.Biên Hòa bị đóng cửa.

Thứ hai, Nhà nước phải bằng mọi giá ổn định cho được tình hình dịch bệnh. Chuyện dịch bệnh trong chăn nuôi bây giờ đang quá sức chịu đựng khi năm nào cũng bùng phát dịch tai xanh, dịch tả, LMLM, cúm gia cầm H5N1. “Ngay cả những người chăn nuôi lớn như chúng tôi cũng thấy việc bỏ công, bỏ sức và tiền của ra để giữ gìn cho trại của mình khỏi dính bệnh sao khó khăn quá. Theo tôi, để kiểm soát được dịch bệnh thì Nhà nước phải có cơ chế, chính sách đầu tư cụ thể và phải làm thật cương quyết. Bước đi quan trọng nhất là phải đầu tư hình thành ngay công nghệ nghiên cứu sản xuất các loại vacxin phòng các bệnh cho heo, gà ngay trong nước. Chứ cứ như bây giờ, vacxin của ta vừa phụ thuộc, vừa bị động, thậm chí lúc bí quá “râu ông nọ mang ra cắm cằm bà kia” nên hiệu lực phòng bệnh không cao”.

Ngoài ra, việc kiểm dịch nhập khẩu của ta cũng phải được quan tâm làm rốt ráo. “Tôi từng đi đến rất nhiều nước thấy hàng rào kỹ thuật của họ để kiểm dịch nhập khẩu rất gắt gao. Có lần tôi mang 1 kg chà bông (ruốc) sang Úc, vừa đến sân bay bị nhân viên an ninh thu lại và vứt vào sọt rác ngay. Ngược lại, khi từ Úc quay lại VN, thấy thịt bò Úc ngon, tôi mua vài ký đóng thùng xốp mang về nhà một cách vô tư”.

Rồi chuyện DN VN nhập khẩu chân giò, cánh, cẳng, nội tạng heo, gà (nước ngoài xem như đồ bỏ đi) thời gian qua cũng quá dễ dãi càng khiến tình hình dịch bệnh thêm phức tạp. Sức ép cạnh tranh nặng nề giữa mặt hàng được xem như loại thải của họ (vì thế giá rất rẻ) với sản phẩm chăn nuôi chính thống của VN càng khiến việc hình thành trang trại chăn nuôi lớn thêm tắc.

Ông Mẽ cũng cho rằng, vấn đề quy định về môi trường trong chăn nuôi của Bộ TN-MT đang rất trái khoáy. “Họ yêu cầu nước thải chăn nuôi hợp chuẩn là phải đạt điểm A, mà cỡ này thì chúng tôi có thể đem bán cho nhà máy nước khoáng… Lavie được rồi! Trong bối cảnh tình hình kinh tế đất nước còn nghèo khó mà lại đưa ra tiêu chuẩn phi thực tế, vượt xa chuẩn thế giới như vậy thì đánh đố còn gì?!”.

Ông Mẽ cũng từng đi nhiều nước để tham quan mô hình chăn nuôi tiên tiến nhưng chẳng thấy nước nào lại yêu cầu cao như vậy. Thậm chí, để giúp cho các trang trại, Chính phủ nhiều nước còn tổ chức “Quỹ về môi trường cho chăn nuôi”, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật để trang trại dùng nguồn nước thải phát điện tại chỗ, giảm chi phí tiêu tốn điện năng. Thậm chí có trang trại còn dư điện để đấu lên mạng lưới điện quốc gia và thu về khoản tiền lớn tái đầu tư cho trang trại.

 Còn ở ta, thanh tra cứ đến kiểm tra môi trường là 100% trang trại phải nộp phạt vì có cố sức làm họ cũng không bao giờ đạt được chuẩn yêu cầu. “Như vậy, vô hình chung là không khuyến khích DN chăn nuôi phát triển, mà còn khiến họ thêm nản với con heo, con gà mà thôi”.

Một câu hỏi lớn ông Mẽ cũng đặt ra: Tại sao các địa phương quy hoạch tràn lan các khu công nghiệp được, còn khi nói đến quy hoạch khu nông nghiệp, khu chăn nuôi là từ chối, là chậm trễ hay thờ ơ?! Nước ta là nước nông nghiệp mà việc đối xử với nông nghiệp, với chăn nuôi như thế thì chưa được. Vì thế, cách nghĩ, cách làm với chăn nuôi không thay đổi thì chúng ta sẽ phải nhường đất cho các nhà đầu tư nước ngoài như CP (Thái Lan), Japfa (Indonexia), Emivest (Malaysia)… Các tập đoàn này sử dụng môi trường, đất và người VN để phát triển trang trại, còn người chăn nuôi VN đang dần trở thành lực lượng làm thuê giá rẻ mà thôi!

Ông Chung Kim, GĐ Cty Chăn nuôi heo Kim Long (Bình Dương): Nền chăn nuôi tự phát, tự sống và tự...chết

“Chúng ta phải nói hết ra những yếu kém của ngành chăn nuôi để khắc phục, nếu không sẽ đi vào ngõ cụt. Trong chăn nuôi hiện nay, chúng ta gần như không có tổ chức nào đứng ra tuyên truyền, hỗ trợ, quảng bá cho ngành chăn nuôi cả. Nó phát triển chủ yếu theo kiểu tự phát, tự sống và… tự chết. Khi thị trường cần thì đổ xô vào nuôi, dịch bệnh tới thì bán chạy, phát tán mầm bệnh khắp nơi. Do đó, việc tiêm phòng vacxin người chăn nuôi cũng không được cập nhật để theo kịp sự biến đổi của các loại chủng virus mới”.

Vì thế, ông Kim cũng cho rằng, việc đầu tư của Nhà nước về cơ chế chính sách và nguồn vốn cho ngành chăn nuôi là cực kỳ quan trọng và cấp bách. Bằng chứng, ông Kim đưa ra ví dụ: “Trong đợt “siêu bão tai xanh” cuối năm 2010 vừa qua, đàn heo của các tỉnh ĐBSCL bị dính la liệt. Nhiều chủ trại heo kêu rầm trời và khẳng định đã tiêm vacxin đầy đủ, tại sao vẫn phát bệnh?

Hóa ra, vào thời điểm đó cả nước (đặc biệt là ĐBSCL) bị cắt điện liên tục, kéo dài trong nhiều tuần. Các trung tâm, trạm thú y, đại lý trữ vacxin làm nhiệm vụ phân phối do cơ sở vật chất thiếu thốn, không có máy chạy điện dự phòng nên vacxin để trong tủ lạnh bỗng dưng… hỏng hết. Sau đó (do vô tình hay cố ý) người ta mang tiêm đại trà cho heo nhưng hóa ra chẳng có tác dụng gì!”.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm