Khoảng 1 tuần qua, khi tình trạng cắt điện luân phiên xảy ra tại nhiều khu vực trên cả nước, chị Vân Anh, trú tại phường Nam Đồng, quận Đống Đa duy trì thói quen dậy sớm.
Việc đầu tiên chị làm đầu ngày mới không phải là tập thể dục, chuẩn bị đồ ăn sáng hay tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, mà là vào website của EVN Hà Nội để cập nhật lịch cắt điện.
Với một người đeo kính lâu năm và từng mổ mắt để giảm độ cận thị, việc tiếp xúc với điện thoại, máy tính, nhất là khi vừa ngủ dậy, là điều nên tránh. Tuy nhiên, chị Vân Anh không có lựa chọn khác bởi hai bé trai nhà chị đang kỳ nghỉ hè.
"Gửi chúng sang ông bà (cũng trong khu Nam Đồng) hay mang lên công ty luôn là một vấn đề", chị trăn trở.
Bên cạnh kênh chính thống này, chị còn dạo một vòng quanh những nhóm Zalo khác nhau, mong muốn không gì khác hơn ngoài việc cập nhật sớm nhất tình hình cắt điện để có biện pháp tránh nóng kịp thời.
Nhà tập thể kiểu cũ, nên dù rất muốn chị Vân Anh cũng không thể trang bị máy phát điện. Mùi dầu, tiếng ồn và không gian bó hẹp là những nguyên nhân có thể dễ dàng chỉ ra. "Nếu ông bà ở nông thôn, có lẽ mình cũng sắm một chiếc rồi gửi bọn trẻ con về quê, có lẽ sẽ yên tâm hơn", chị chia sẻ.
Chị Vân Anh cũng như hàng nghìn phụ nữ khác tại Hà Nội trăn trở với bài toán "giữa trưa mất điện". Đây là khoảng thời gian các gia đình thường tụ hợp ăn cơm, cũng là lúc nhiệt độ trong ngày lên tới đỉnh. Nhu cầu sử dụng điện tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đạt đỉnh.
Từ khắp nơi, hình ảnh người dân đổ ra đường, tìm bóng mát, hoặc đơn giản là một khoảng không thoáng đãng để hóng gió, tránh nóng liên tục được đăng tải.
Một trong số những giải pháp tạm thời được người dân sử dụng nhiều nhất là vào các trung tâm thương mại hoặc siêu thị điện máy lớn. Nơi đây có hệ thống máy phát và điều hòa chạy gần như cả ngày, giúp họ ít nhất là vượt qua được 2-3 tiếng nắng nóng buổi trưa.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có may mắn gần trung tâm thương mại để tránh nóng.
Chị Quỳnh, trú tại khu Định Công Thượng cho biết, siêu thị cho "hóng mát" gần nhất cách nhà chị khoảng 5km. Thời gian nghỉ trưa ngắn, không đủ để chị di chuyển.
Dù giá điện vừa được điều chỉnh tăng 3% từ ngày 4/5, ký ức hơn 20 năm trước bỗng ùa về với chị Quỳnh.
Ngành điện khi ấy chưa thực sự phát triển, người dân quê chị đối mặt với lịch cắt điện luân phiên xảy ra như cơm bữa. Nhưng ngày đó, không khí ở quê tương đối dễ chịu, nắng nóng cũng không gay gắt như bây giờ.
Theo thống kê của EVN Hà Nội, lượng điện tiêu thụ trung bình ngày trên toàn thành phố tháng 3 là 58.000 triệu kWh, tháng 4 là 62.000 triệu kWh, còn tháng 5 nhảy vọt lên 76.000 triệu kWh. Như vậy, bình quân lượng điện tiêu thụ tháng 5 đã tăng hơn 23% so với tháng 4, và 29% so với tháng 3.
Đến cuối tháng 5/2023, sản lượng điện quy đổi còn lại trong hồ thủy điện toàn hệ thống là 2,3 tỉ kWh, thấp hơn 1,7 tỉ kWh so với kế hoạch năm, trong đó tính riêng miền Bắc thấp hơn khoảng 1,23 tỷ kWh. Đồng thời, có 8/12 hồ thủy điện ở miền Bắc có mực nước bằng và gần mực nước chết.
Lưu lượng nước về các hồ thủy điện có xu hướng giảm thấp và thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, trung bình chỉ đạt 60% đối với các hồ khu vực miền Bắc và 90% đối với các hồ miền Trung và miền Nam.
Một số tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống cũng bị suy giảm công suất hoặc gặp sự cố do vận hành cao liên tục trong điều kiện nắng nóng kéo dài.
Những con số này ngầm dự báo cho việc cắt điện sẽ còn kéo dài trong mùa nắng nóng 2023. Và chị Vân Anh, dù có thể phải đi mổ chữa cận thị lần nữa, vẫn phải duy trì thói quen hiện tại - dán chặt đôi mắt kèm nhèm vào màn hình điện thoại mỗi buổi sớm.
Từ ngày 1/6, nhiều xã thuộc thị xã Sơn Tây, huyện Thạch Thất, Chương Mỹ, Quốc Oai... bị mất điện từ 10h sáng đến đêm. Cuộc sống thường ngày bị đảo lộn, gây nhiều khó khăn cho người dân.