| Hotline: 0983.970.780

Muốn tái đàn thành công cần địa phương chủ động

Thứ Năm 07/05/2020 , 09:05 (GMT+7)

Kinh nghiệm thực tế tái đàn chăn nuôi đến thời điểm hiện tại cho thấy, địa phương nào có nguồn lực và sự chủ động, việc phục hồi đàn lợn sớm mang lại kết quả.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ giải pháp với báo chí bên lề Hội nghị thúc đẩy tái đàn chăn nuôi lợn ngày 6/5. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ giải pháp với báo chí bên lề Hội nghị thúc đẩy tái đàn chăn nuôi lợn ngày 6/5. Ảnh: Tùng Đinh.

Tổng đàn nái giảm trên 31%

Trước đây, công tác thống kê số đầu lợn tại các địa phương dựa vào số lượng lợn tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi nên chưa được sát với thực tế. Nguyên nhân, bởi ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi chưa có vắc xin cộng nhiều yếu tố khách quan khiến tổng đàn lợn nái, lợn thịt các tỉnh, thành giảm tự nhiên cách khá xa con số 6 triệu đầu lợn tiêu hủy dịch tả lợn Châu Phi do Cục Thú y công bố gần đây.

Theo Cục Chăn nuôi, năm 2020 sản lượng thịt xuất chuồng quý I đạt hơn 811.000 tấn, dự kiến quý II đạt hơn 900.000 tấn, quý III dự kiến trên 1 triệu tấn và quý IV đạt 1,1 triệu tấn. Số liệu của Tổng cục Thống kê, nhu cầu lợn thịt xuất chuồng trung bình mỗi quý năm 2018 (trước khi có bệnh dịch tả lợn Châu Phi) khoảng 920.000 tấn, như vậy đến quý III - IV/2020 sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu thịt lợn.

Theo số liệu mới nhất được Cục Chăn nuôi công bố tại Hội nghị thúc đẩy tái đàn chăn nuôi lợn diễn ra sáng 6/5 tại Hà Nội do Bộ NN-PTNT tổ chức, tính đến hết tháng 4/2020, tổng đàn lợn nái của Việt Nam đạt khoảng 2,8 triệu con, giảm hơn 1,3 triệu nái so với cuối năm 2018.

Cụ thể, năm 2015 tổng đàn lợn của Việt Nam trên 27,7 triệu con, nái trên 4 triệu con; năm 2016 xấp xỉ 29 triệu con, nái trên 4,2 triệu con; năm 2017 trên 27,4 triệu con, nái 3,98 triệu con; năm 2018 trên 28 triệu con, nái gần 4 triệu con.

Riêng năm 2019, ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi bùng phát từ tháng 2/2019, tổng đàn lợn của nước ta giảm mạnh xuống còn 20 triệu con, đàn nái còn 2,7 triệu con, tương đương mức giảm 22% tổng đàn lợn và 31,5% nái.

Tính đến hết tháng 4/2020, Việt Nam đã tăng thêm được trên 100.000 nái lên trên 2,88 triệu nái và gần 24,9 triệu đầu lợn, tương đương mức tăng đàn nái xấp xỉ 6% và tổng đầu lợn tăng 23%.

Do đó, để cân bằng được cung cầu mặt bằng thịt lợn trên thị trường hiện nay, Việt Nam cần phải tăng thêm khoảng 800.000 - 1 triệu nái và khoảng 3 - 5 triệu đầu lợn thịt.

Theo tính toán, dự báo của Cục Chăn nuôi, với tổng đàn lợn cụ kỵ, ông bà 100.000 con như hiện nay, chu chuyển đàn lợn theo quý năm 2020 được dự báo như sau: Quý II tổng đàn lợn sẽ đạt 25,8 triệu con, nái tăng lên 2,9 triệu; quý III tổng đầu lợn đạt 27,5 triệu và đầu nái đạt 2,96 triệu con; quý IV tổng đầu lợn đạt 29 triệu con, đầu nái cán mốc 3 triệu con, lúc này giá lợn hơi sẽ từng bước đi vào ổn định.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác chăn nuôi, tái đàn tại địa phương. Ảnh: Nguyên Huân.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác chăn nuôi, tái đàn tại địa phương. Ảnh: Nguyên Huân.

Địa phương cần tạo điều kiện tối đa cho tái đàn

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, với bối cảnh dịch chồng dịch như hiện nay, để hoàn thành tăng trưởng đàn lợn 20% từ nay đến cuối năm 2020 trọng trách rất lớn, đòi hỏi phải có sự quyết tâm, đoàn kết rất cao từ Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp và đặc biệt là chính quyền các địa phương.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao vai trò dẫn dắt và tốc độ tái đàn, tăng đàn của khối 15 doanh nghiệp trong thời gian qua khi duy trì ở mức trên 10%, tuy nhiên với lĩnh vực nhỏ lẻ mới chỉ đạt 3% là vẫn còn rất thấp.

Từ đó, theo Bộ trưởng, cần sự hà hơi tiếp sức từ doanh nghiệp lớn, từ địa phương bởi ngoài 35% thị phần của 15 doanh nghiệp lớn vẫn rất cần 65% thị phần của khu vực trang trại, gia trại, nông hộ mới tạo ra được một thị trường chung, ổn định, nếu không, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, thú y biết bán cám, bán thuốc, bán giống ở đâu? Chưa kể, thịt ngoại nhân cơ hội này xâm nhập vào dân ăn quen miệng rồi sau có muốn ngăn cũng không ngăn được.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, khu vực chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ hiện đang gặp rất nhiều khó khăn để tái đàn, tăng đàn.

Đó là thiếu vốn, thiếu giống, thiếu giải pháp an toàn sinh học rồi thiếu cả trình độ, nhận thức. Nhưng như vậy mới là nông dân, nếu vốn dầy, trình độ, kiến thức, kỹ thuật cao đã là doanh nghiệp chứ không phải nông dân.

Quan điểm “Núi cao phải có đất bằng” nên Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị 15 doanh nghiệp lớn, các địa phương cần đặc biệt quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ khu vực chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ trong thời gian tới.

Về phía Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cam kết, tới đây sẽ rà soát mọi văn bản, nghị định, thông tư và chỉ đạo các đơn vị chuyên môn kịp thời tháo gỡ nhanh mọi kiến nghị, chính sách của các địa phương, doanh nghiệp, người dân trong tái đàn và phát triển chăn nuôi lợn bền vững.

Đàn lợn cụ kỵ, ông bà lưu giữ tại Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương (Viện Chăn nuôi). Ảnh: Minh Phúc.

Đàn lợn cụ kỵ, ông bà lưu giữ tại Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương (Viện Chăn nuôi). Ảnh: Minh Phúc.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặc biệt lưu ý, mặc dù trên số liệu thống kê trên 99% số xã đã không công bố phát sinh ổ dịch mới, nhưng mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn đầy ngoài môi trường nên việc tái đàn phải đặc biệt an toàn, phải đảm bảo và đáp ứng cơ bản các tiêu chí an toàn sinh học mới được phép tái đàn, nếu không dịch bùng phát trở lại là thiệt đơn, thiệt kép. Thực tế đã cho bài học nhiều nơi tái đàn vừa qua đã để xảy ra tái dịch.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao các địa phương như Hà Nội, Yên Bái, Bình Phước, Đăk Lăk… đã kịp thời có chính sách hỗ trợ để người dân tăng đàn, tái đàn hiệu quả.

Kinh nghiệm cho thấy, các địa phương đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc tái đàn thành công hay không, thực tế những tỉnh, thành có chính sách tốt thời gian vừa qua đều đã có kết quả trong công tác tái đàn.

“Tôi đề nghị địa phương nào nếu qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch dịch tả lợn Châu Phi mới nhanh chóng công bố hết dịch đi để dân còn chủ động tái đàn.

Hiện tại mới có 49 tỉnh công bố hết dịch, những tỉnh còn lại vì sao chưa công bố, có phải vẫn chọn giải pháp an toàn? Chúng ta cần phải sòng phẳng, minh bạch ở vấn đề này, hết thì bảo hết, không hết phải công bố dịch, công bố quy mô cấp xã, cấp huyện hay cấp tỉnh cũng phải thật rõ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

“Tôi đề nghị các tỉnh, thành có chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm đối tượng tùy theo điều kiện của địa phương mình. Người dân họ cần nhất là sự minh bạch, công bằng, thủ tục đơn giản, hiệu quả.

Các tỉnh, thành phố cũng cần chủ động gặp gỡ, chỉ đạo các doanh nghiệp lớn tham gia cung ứng trong chuỗi chăn nuôi từ con giống, thức ăn, thú y, đến giết mổ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân.

Đặc biệt, tạo điều kiện tối đa, nhanh chóng về đất đai, quy hoạch và các thủ tục hành chính cho những doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học.

Thực hiện được đồng bộ ba trục chính là Chính phủ - doanh nghiệp - địa phương tôi tin là chúng ta sẽ sớm về đích trong mục tiêu khôi phục lại ngành chăn nuôi lợn ổn định, bền vững vào cuối năm nay theo chỉ đạo của Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm