Tạp chí Khoa học (Science) của Mỹ vừa công bố kết quả công trình nghiên cứu giai đoạn một thử nghiệm lâm sàng vắcxin phòng chống sốt rét, một bước quan trọng về khả năng điều chế ra loại vắcxin phòng căn bệnh khá phổ biến tại các nước nhiệt đới, trong đó có Việt Nam.
Theo tạp chí trên, trong số 40 người từ 20 đến 44 tuổi tham gia thử nghiệm, 9 người trưởng thành được tiêm vắcxin với liều mạnh nhất, 6 người được bảo vệ 100%.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Anthony Fauci, Giám đốc Viện nghiên cứu quốc gia các bệnh dị ứng và truyền nhiễm (NIAID) của Mỹ, cho rằng số người tham gia thử nghiệm lâm sàng còn ít và cần phải chứng minh khả năng miễn dịch mang tính chất bền vững và hiệu quả đối với nhiều biến thể khác nhau của ký sinh trùng sốt rét.
Vắcxin chống sốt rét, do Công ty dược phẩm Sanaria và NIAID hợp tác sản xuất, được điều chế từ ký sinh trùng "Plasmodium falciparum" và đang được nghiên cứu ở giai đoạn một.
Với kết quả vô cùng khả quan này, công trình nghiên cứu đang tiếp tục được mở rộng và các cuộc thử nghiệm lâm sàng trên trẻ em sẽ được tiến hành tại một số nước châu Phi, nơi có tỷ lệ nhiễm bệnh sốt rét cao nhất thế giới.
Mặc dù vậy, theo các nhà khoa học phải đợi ít nhất 10 năm nữa, vắcxin phòng bệnh sốt rét mới có thể sử dụng rộng rãi, bởi việc phát triển một vắcxin mới luôn là quá trình dài và phức tạp.
Hiện thế giới chưa điều chế được loại vắcxin nào có thể chống các bệnh ký sinh.
Sốt rét là nguyên nhân gây tử vong cho hơn 700.000 người trên thế giới mỗi năm.
(Vietnam+)