| Hotline: 0983.970.780

Na - 'kho báu nghìn tỷ' xứ Lạng chào hàng tại Thủ đô

Thứ Tư 10/08/2022 , 18:13 (GMT+7)

Ngoài chuẩn hóa vùng trồng, thay đổi phương thức bán hàng, đẩy mạnh số hóa, Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản đề nghị địa phương xây dựng lộ trình để xuất khẩu theo hướng chính ngạch.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản (bên phải) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Lương Trọng Quỳnh (thứ ba từ phải sang) thăm gian hàng trưng bày nông sản tại hội chợ.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản (bên phải) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Lương Trọng Quỳnh (thứ ba từ phải sang) thăm gian hàng trưng bày nông sản tại hội chợ.

Ngày 10/8, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn khai mạc Tuần lễ quảng bá nông sản tại Hà Nội và tổ chức Diễn đàn kết nối nông sản 970 với chủ đề "Kết nối tiêu thụ na, nông sản, đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2022".

Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND Lạng Sơn cho biết, tỉnh đã nhiều lần tổ chức thành công Ngày hội Na Lạng Sơn tại huyện Chi Lăng, thủ phủ vùng na Lạng Sơn. Sự kiện thu hút hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc đến tham quan, khảo sát và ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; hàng chục nghìn người tham dự, tham quan và thưởng thức na tại vườn.

Na được xem là nông sản thế mạnh của Lạng Sơn, với sản lượng hàng năm đạt trên 35 nghìn tấn, tổng giá trị sản xuất na thu được ước khoảng 1.200 tỷ đồng, bình quân thu nhập trên mỗi hecta canh tác na đạt 275 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi dịch Covid-19 bùng phát, việc kết nối giao thương giữa các địa phương gặp khó khăn. Tuần lễ quảng bá na, nông, đặc sản Lạng Sơn tại Hà Nội, do đó có ý nghĩa quan trọng, giúp kết nối doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh của Lạng Sơn và Thủ đô, theo ông Quỳnh.

Nhiều hoạt động ký kết bao tiêu, giao thương nông sản đã diễn ra tại Diễn đàn Kết nối nông sản 970 ngày 10/8. Ảnh: Bảo Thắng.

Nhiều hoạt động ký kết bao tiêu, giao thương nông sản đã diễn ra tại Diễn đàn Kết nối nông sản 970 ngày 10/8. Ảnh: Bảo Thắng.

Từ 4.000 ha cây trồng các loại được sản xuất và chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... Lạng Sơn mang tới phiên chợ tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp 30 gian hàng, gồm hầu hết các sản phẩm đặc sản thế mạnh của tỉnh như: na, hoa hồi, thạch đen...

"Tôi mong muốn và tin tưởng rằng, trong và sau phiên chợ này, nhiều doanh nghiệp sẽ tìm kiếm được cơ hội hợp tác đầu tư phát triển thị trường nông sản, nhiều mặt hàng nông sản sẽ tìm được hướng đi mới, phát triển lên tầm cao mới", ông Quỳnh nói.

Na Chi Lăng đã được Cục Sở hữu trí tuệ của Việt Nam cấp chứng nhận được bảo hộ, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và được công nhận vào tốp 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam. Năm 2017 và 2018, na Chi Lăng được tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.

Bên cạnh na, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản còn chỉ ra những nông sản thế mạnh khác của Lạng Sơn. Cụ thể: Hoa hồi, diện tích trên 35.000 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 16.000 tấn, giá trị trên 1.000 tỷ đồng; Thạch đen, diện tích khoảng 3.100 ha, đã được cấp 149 mã vùng trồng; Quýt, đặc biệt quýt vàng Bắc Sơn, có tổng diện tích gần 1.500 ha, sản lượng hàng năm khoảng 5.500 tấn; hồng Bảo Lâm không hạt và hồng Vành khuyên với vị giòn...

Diễn đàn Kết nối tiêu thụ na, nông sản, đặc đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2022 thu hút nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tham gia. Ảnh: Bá Thắng.

Diễn đàn Kết nối tiêu thụ na, nông sản, đặc đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2022 thu hút nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tham gia. Ảnh: Bá Thắng.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kết nối nông sản 970, Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản lưu ý tỉnh Lạng Sơn và các bên liên quan hai vấn đề. Thứ nhất, xây dựng liên kết bền chặt giữa HTX với đơn vị thu mua. Ông nhấn mạnh, đây là nguyên nhân quyết định dẫn tới thành công của việc duy trì, phát triển chuỗi liên kết.

Thứ hai, Cục trưởng Toản mong muốn, kết quả của những kết nối, hợp tác sẽ không dừng tại diễn đàn và hội chợ, mà còn lan tỏa qua những cẩm nang điện tử, chương trình truyền thông, xu hướng mạng xã hội để đông đảo các đơn vị trong và ngoài nước biết đến.

Cho rằng na Lạng Sơn và mãng cầu Tây Ninh có những nét tương đồng, ông Toản đề nghị địa phương xây dựng lộ trình xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Với riêng Lạng Sơn, ông Toản nhắc thêm việc khai thác những giá trị gắn với lịch sử, văn hóa sẵn có.

"Để đưa na và nông đặc sản Lạng Sơn đến gần các đô thị lớn, chúng ta cần thay đổi toàn diện, từ cách bán cho tới đóng hộp, dán tem, đến số hóa, minh bạch thông tin, giúp tăng giá trị gia tăng cho quả na", Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản kết luận. 

Tại Diễn đàn 970 sáng 10/8, 4 Biên bản thỏa thuận hợp tác về sản phẩm na Lạng Sơn đã được ký kết giữa các doanh nghiệp và HTX trên đại bàn tỉnh. Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết, sẽ tiếp tục cập nhật danh sách các cơ sở sản xuất có nhu cầu kết nối tiêu thụ sản phẩm với các kênh phân phối trong cả nước, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm na và nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn.

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).