| Hotline: 0983.970.780

Chú trọng tiêu thụ na Lạng Sơn qua kênh thương mại điện tử

Thứ Tư 21/07/2021 , 11:00 (GMT+7)

Tiếp nối thành công của quả vải trong vụ thu hoạch vừa qua, vựa na Lạng Sơn sẽ đặc biệt chú trọng phân phối qua các kênh thương mại điện tử.

 

Theo Sở NN-PTNT Lạng Sơn, năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được vùng sản xuất na tập trung tại huyện Chi Lăng, Hữu Lũng với diện tích 3.500 ha. Trong đó có 400 ha được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Sản lượng na dự kiến đạt khoảng 240.000 tấn (tăng khoảng 20% so với năm 2020). Tổng giá trị sản xuất ước đạt 1.200 tỷ đồng, bình quân 275 triệu/ha.

Na Lạng Sơn dự kiến sẽ bước vào chính vụ từ đầu tháng 8/2021. Ảnh: TL.

Na Lạng Sơn dự kiến sẽ bước vào chính vụ từ đầu tháng 8/2021. Ảnh: TL.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, đã có hơn 40 ha na tại Chi Lăng được cấp mã số vùng trồng. Dự kiến, vụ thu hoạch na chính vụ của Lạng Sơn sẽ bắt đầu khoảng đầu tháng 8/2021. 

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho biết thời gian qua, na Chi Lăng đã được đưa vào hệ thống bán lẻ, nhưng hiệu quả không được như mong đợi. Vì na là sản phẩm rất nhạy cảm, chỉ cần công tác thu hái, bảo quản không tốt thì khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng không còn giữ được chất lượng như ban đầu. Điều này gây thiệt hại rất lớn cho cả nhà bán lẻ và nhà cung cấp.

Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) chia sẻ: Khi tham gia sàn thương mại điện tử, các sản phẩm nông sản sẽ có cơ hội tiếp cận được với người tiêu dùng trên phạm vi cả nước, thậm chí là thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, sự phối hợp đồng bộ của cơ quan quản lý sẽ tạo ra một sân chơi công bằng, minh bạch, được quản lý chặt chẽ về mọi mặt. Sản phẩm trực tiếp đi từ tay người sản xuất đến người tiêu dùng mà không cần qua kênh trung gian nên cả người bán và người tiêu dùng đều được hưởng lợi.

Theo ông Hoàng, thực tế hiện nay nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam có chất lượng, tiêu chuẩn không thua kém các sản phẩm nhập khẩu nhưng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trên các sàn thương mại điện tử.

Hầu hết các chủ cơ sở sản xuất đều “ngại” tiếp cận với cách bán hàng mới, số còn lại là thiếu kiến thức về quản trị và vận hành.

Để khắc phục những điều này, các sàn thương mại điện tử như Voso, Sendo… đã đưa ra nhiều chính sách để đồng hành, hỗ trợ nông dân từng bước tiếp cận và sử dụng thành thục công nghệ bán hàng mới.

Các sàn thương mại điện tử như Voso, Sendo sẽ hỗ trợ nông dân Lạng Sơn đưa sản phẩm na và các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử trong thời gian tới. Ảnh: TL.

Các sàn thương mại điện tử như Voso, Sendo sẽ hỗ trợ nông dân Lạng Sơn đưa sản phẩm na và các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử trong thời gian tới. Ảnh: TL.

Trong thời gian qua, khi đưa vào thử nghiệm việc bán hàng trực tuyến đã giúp nông dân các tỉnh như Hải Dương, Bắc Giang, Sóc Trăng…. tiêu thu tốt các mặt hàng trái cây, nông sản, giúp vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bủa vây và thành công ngoài mong đợi.

Ông Bùi Văn Tú, phụ trách phát triển kinh doanh khu vực miền Bắc của sàn thương mại điện tử Sendo cho biết: Với lợi thế rất lớn về công nghệ và hệ thống logistics rộng khắp, các sàn thương mại điện tử dễ dàng đưa sản phẩm của nông dân tới tận tay người tiêu dùng trong phạm vi cả nước một cách thuận lợi và nhanh chóng.

Vì vậy, trong thời gian tới, các sàn thương mại điện tử sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống, đồng hành để hỗ trợ nông dân tỉnh Lạng Sơn, trước mắt là tập trung vào sản phẩm na Chi Lăng, cũng như các tỉnh thành khác đưa sản phẩm nông sản của mình lên bán trên sàn thương mại điện tử.

Do đây là hình thức mới với nông dân Lạng Sơn, nên cách làm sẽ tương tự các tỉnh thành đã triển khai thử nghiệm. Theo đó, các sàn thương mại điện tử bước đầu sẽ cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn nông dân thiết lập và vận hành hệ thống bán hàng trực tuyến đến khi nào sử dụng thuần thục.

Na là sản phẩm đặc trưng của Lạng Sơn, nhưng việc quảng bá, phân phối hiện nay vẫn rất đơn thuần. Vì vậy, bên cạnh các kênh tiêu thụ truyền thống, việc đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào khâu phân phối và tiêu thụ là hướng đi đúng đắn. Nhất là trong bối cảnh chuỗi cung ứng, tiêu thụ hàng hóa đang gặp phải những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

(Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn)

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất