| Hotline: 0983.970.780

Năm 2020, ngành lâm nghiệp vượt xa kỳ vọng, xuất khẩu đạt 13,17 tỷ USD

Thứ Tư 06/01/2021 , 16:51 (GMT+7)

Trong năm 2020, nhờ nỗ lực vượt khó, Việt Nam đã xuất khẩu được 13,17 tỷ USD gỗ và sản phẩm từ gỗ. Đây là một thành công lớn của ngành lâm nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 của Tổng cục Lâm nghiệp vào chiều 6/1/2021. Ảnh: Minh Phúc.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 của Tổng cục Lâm nghiệp vào chiều 6/1/2021. Ảnh: Minh Phúc.

6.000 doanh nghiệp trong ngành lâm nghiệp vượt khó thành công

Ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết: Trong năm 2020, Tổng cục Lâm nghiệp thực hiện các nhiệm vụ được giao trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen.

Dịch bệnh Covid-19 gần như diễn ra quanh năm khiến 6.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đặc biệt là trên 1.600 doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu lâm sản.

Có những doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, khiến công tác bảo vệ rừng gặp nhiều áp lực. Bên cạnh đó từ tháng 6 đến tháng 9/2020, hiện tượng thời tiết bất thường như nắng, nóng, khô hạn đã gây cháy rừng, khiến hàng trăm ha rừng ở miền Trung bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, từ tháng 9 đến tháng 11, hiện tượng thiên tai cực đoan bão chồng bão gây mưa lớn kéo dài dẫn đến nhiều diện tích rừng bị sạt lở, trên 115.000ha rừng bị ảnh hưởng. Năm 2020 cũng là năm cạnh tranh thương mại diễn ra khốc liệt.

Ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp. Ảnh: Minh Phúc.

“Trong bối cảnh trên, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã đưa ra những nhận định rất sát với tình hình và có chỉ đạo hướng dẫn ngành lâm nghiệp kịp thời.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực lâm nghiệp và hiệp hội gỗ đã phát huy trí tuệ, sức sáng tạo, linh hoạt, thay đổi hình thức tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trong lĩnh vực xuất khẩu từ trực tiếp sang online; thay đổi cơ cấu sản phẩm để thích ứng với nhu cầu thị trường”, ông Nguyễn Quốc Trị nói.

Có thể khẳng định năm 2020, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu lâm sản của Việt Nam đã vượt khó thành công. Riêng với lĩnh vực bảo vệ rừng, đã giảm được trên 1.000ha rừng bị thiệt hại, đây là kết quả rất ý nghĩa trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Qua đó đảm bảo độ che phủ rừng đạt 42%, tăng so với năm 2019 là 0,11%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ năm 2020 đạt 13,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với năm 2019, đóng góp 31% tổng giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp, đạt gần 5% tổng giá trị xuất khẩu của quốc gia.

Năm 2020, ngành lâm nghiệp đã vượt khó thành công, đạt nhiều kết quả vượt kế hoạch được giao. Ảnh: VFD.

Năm 2020, ngành lâm nghiệp đã vượt khó thành công, đạt nhiều kết quả vượt kế hoạch được giao. Ảnh: VFD.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm - Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: Trong năm qua, lực lượng kiểm lâm đã triển khai đầy đủ, có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Tuy số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp được phát hiện là 10.931 vụ, chỉ giảm 2% so với năm 2019, nhưng diện tích rừng bị thiệt hại đã giảm sâu (41%). Kết quả này cho thấy lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời, hạn chế được thiệt hại về rừng.

Tuy nhiên, ông Thiện cũng thông tin, trong năm 2020, số vụ chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng, các hoạt động phạm pháp tinh vi hơn, manh động hơn, sẵn sàng gây khó khăn cũng như chống đối quyết liệt lực lượng chức năng. Đặc biệt, vẫn còn một số nơi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, săn bắt động vật hoang dã, nhất là ở Tây Nguyên.

Thu nguồn lợi lớn từ dịch vụ môi trường rừng

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ: Trong 6 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã khiến chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, ảnh hưởng trầm trọng đến các hoạt động logistics - đây là lĩnh vực mà ngành lâm nghiệp phụ thuộc rất lớn.

Thứ hai, trước sự biến đổi dị thường của thời tiêt, suốt từ tháng 4/2020, nền nhiệt ở các tỉnh miền Trung ở mức cao. Thậm chí, huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An) ghi nhận mức nhiệt độ trên 43 độ C, dẫn đến cháy rừng ở mức kinh khủng.

Đặc biệt, cơn bão số 9 đổ bộ vào 6 tỉnh miền Trung vào cuối tháng 10 vừa qua khiến 149.000 ha rừng bị thiệt hại ở cấp độ khác nhau. Tại Quảng Ngãi có những khu vực bị thiệt hại 40% diện tích rừng, thậm chí cả những lũy tre làng đã hình thành hàng chục năm cũng bật gốc.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong năm 2020, chúng ta đã trồng được 230.000ha rừng tập trung. Diện tích khoanh nuôi, bảo vệ, phục hồi rừng diễn tiến theo xu hướng tích cực. Cùng với việc phát triển rừng sản xuất, tổng sản lượng nguyên liệu gỗ của Việt Nam đã đạt 21 triệu tấn, đáp ứng được 80% nhu cầu chế biến gỗ trong nước.

Công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục đạt kết quả theo hướng tích cực, với doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng. Đặc biệt, mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) được Quỹ Đối tác các-bon trong lâm nghiệp  (FCPF) ủy thác thực hiện ký thỏa thuận với Bộ NN-PTNT chi trả giảm phát thải tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 (viết tắt là ERPA) (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế).

Với thỏa thuận này, FCPF sẽ thanh toán 51,5 triệu USD để Việt Nam chuyển nhượng lại 10,3 triệu tấn CO2 tương đương tại 6 tỉnh này.

Đây là một nguồn thu dịch vụ môi trường rừng rất quan trọng để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho công tác quản lý bảo bảo vệ rừng trong bối cảnh các địa phương trên đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai lũ lụt thời gian vừa qua.

Thỏa thuận này đánh dấu sự khởi đầu trong việc huy động nguồn lực mới cho bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng và quản lý rừng bền vững, đồng thời góp phần giúp Việt Nam thực hiện cam kết về giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngành lâm nghiệp tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Minh Phúc.

Ngành lâm nghiệp tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Minh Phúc.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, vẫn còn 3 khu vực chưa thực sự yên tâm, đó là Tây Nguyên, Tây Bắc và rừng ven biển. Bởi do đặc thù địa hình, địa chất và tập quán sinh hoạt của người dân, vẫn tiềm ẩn nguy cơ về an ninh nguồn nước và đảm bảo phát triển bền vững. Các định mức kinh tế - kỹ thuật chi trả cho công tác khoanh nuôi, tái sinh, bảo vệ và phát triển rừng cũng chưa thỏa đáng.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Bố trí đất, xây nhà ở cho người dân sau bão lũ

YÊN BÁI Hàng trăm ngôi nhà bị ảnh hưởng trong bão số 3 ở huyện Trấn Yên đang được xây dựng, sửa chữa đồng loạt để giúp bà con ổn định cuộc sống, đón Tết yên vui.