| Hotline: 0983.970.780

Năm 2024 đẩy mạnh thực hiện cơ chế đồng quản lý

Thứ Sáu 08/12/2023 , 20:44 (GMT+7)

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, năm 2024 là năm xây dựng cơ chế đồng quản lý vì nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở Việt Nam.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đối thoại với chủ đề 'Thúc đẩy đồng quản lý vì một nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở Việt Nam'. Ảnh: KS.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đối thoại với chủ đề “Thúc đẩy đồng quản lý vì một nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở Việt Nam”. Ảnh: KS.

Chiều 8/12, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ NN-PTNT phối hợp cùng Hội Thủy sản Việt Nam, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức đối thoại với chủ đề “Thúc đẩy đồng quản lý vì một nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở Việt Nam”.

Trước khi phát biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chiếu slide bìa sách “Xuyên qua nỗi sợ” để cho các đại biểu tham dự cùng xem. Sỡ dĩ, ông trình chiếu nội dung này vì sau khi xem clip về mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng biển ven bờ huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), cơ quan quản lý chia sẻ lo sợ khi bắt tay triển khai mô hình này. Vì đây là mô hình đầu tiên của cả nước thực hiện việc công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. 

Để giải tỏa tâm lý này, Bộ trưởng cho rằng, hiện chúng ta không còn phải lo sợ nữa vì thiết chế cộng đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã quy định trong Luật Thủy sản. Hơn nữa, bây giờ chúng ta không còn đi một mình nữa mà phải đi cùng nhau.

Vì vậy, Bộ trưởng mong rằng cuộc đối thoại hôm nay để chúng ta tìm hướng đi, chứ không quay đầu lại và các ngư dân, địa phương phải vượt qua nỗi sợ để nhìn khác, mới hơn, tốt đẹp hơn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu buổi đối thoại. Ảnh: KS.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu buổi đối thoại. Ảnh: KS.

Theo Bộ trưởng, đồng quản lý hay thiết chế cộng đồng, không chỉ về con người mà là hợp tác thái độ sống, hợp tác triết lý dân sinh. Việc hợp tác này cho thấy chúng ta cần nhau, vì không ai đơn độc mà nên thành công. Do đó, định hướng của Bộ NN-PTNT trong năm 2024 là năm xây dựng cơ chế đồng quản lý vì một nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở Việt Nam.

Trả lời câu hỏi về việc nghiên cứu lại Điều 20 của Luật Thủy sản 2017 để làm sao ban hành cơ chế, hướng dẫn tài chính nhằm phát triển đồng quản lý trong ngành thủy sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, khi chúng ta làm điều gì có 2 cách. Một là xây dựng thể chế hoàn chỉnh rồi tiến hành làm. Hai là làm thí điểm để chứng minh phương thức mới hiệu quả hơn phương thức cũ, từ đó sẽ nâng dần lên thể chế.

Tuy nhiên ông cho rằng, đừng nghĩ cái gì cũng phải nhà nước, chúng ta còn có cộng động doanh nghiệp có thể đóng góp để hướng tới mô hình hiệu quả. Mặt khác, bản thân cộng đồng cũng phải nâng cao năng lực và tìm kiếm nguồn vốn. Nguồn thu mà cộng đồng có được mới chứng tỏ năng lực cộng đồng. Và cộng đồng phải xây dựng quỹ để tích lũy đầu tư.

Để thu hút nguồn lực, Bộ trưởng gợi ý cộng đồng cần xây dựng ý tưởng để cùng nhau thảo luận, kêu gọi nguồn lực, thay vì chờ cơ chế. Bởi xây dựng cơ chế thì mất nhiều thời gian và nhà nước rất nhiều thứ để đầu tư chứ không riêng chuyện đồng quản lý này. Do đó, ông mong rằng, việc phát triển địa phương phải dựa trên nội lực cộng đồng và chứng tỏ nội lực.

Bộ trưởng lưu ý thêm, đối với mô hình đồng quản lý không phải là quyền và nhà nước không giao quyền. Đồng quản lý ở đây là phương thức quản lý, kết nối sức mạnh quản lý.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đối thoại với ngư dân Bích Đầm, TP Nha Trang. Ảnh: KS.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đối thoại với ngư dân Bích Đầm, TP Nha Trang. Ảnh: KS.

Về câu hỏi việc đầu tư cảng cá nước ta thời gian qua dàn trải, cảng lại nhỏ nên không mang lại hiệu quả, Bộ NN-PTNT có giải pháp gì để phát huy hiệu quả như các cảng cá Nhật Bản. Về vấn này, Bộ trưởng cho rằng, do nền ngư nghiệp của chúng ta manh mún và tàu chúng ta nhỏ nên thành ra cảng nhỏ và nhiều. Do đó, đã đến lúc Bộ NN-PTNT đình lại quy hoạch cảng cá để thu gọn lại và dần hiện đại hóa các cảng cá.

Bộ trưởng cho biết thêm, hiện ông đang vận động các địa phương thực hiện đồng quản lý cảng cá. Tỉnh đầu tiên ông muốn vận động là Khánh Hòa để làm thí điểm thực hiện mô hình này. Bởi khi cộng hưởng nguồn lực, cộng hưởng tư duy quản lý thì chúng ta mới thành công.

Cũng tại buổi đối thoại này, ngư dân và các bên liên quan đã có ý kiến phản ánh thực tế nghề cá địa phương, chia sẻ kiến thức, kiến nghị giải pháp; cũng như các vướng mắc, thậm chí nút thắt để có thể nhân rộng đồng quản lý và quản trị hiệu quả các cảng, bến cá ở nước ta.   

Được biết, Luật Thủy Sản (2017) quy định cơ chế đồng quản lý thủy sản. Đồng quản lý nhằm mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng ngư dân địa phương trong công tác quản lý, giám sát và bảo vệ các khu vực biển được giao quyền khai thác, sử dụng để nâng cao chất lượng nguồn lợi thủy sản và đời sống người dân. Đồng quản lý còn là “bàn đạp” thúc đẩy tự chủ và đóng góp tích cực của cộng đồng người làm nghề khai thác thủy sản bền vững, góp phần bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản.

Bộ trưởng có thư khen tặng ông Cao Văn Thơ, trú phường Vĩnh Trường (TP Nha Trang). Ảnh: KS.

Bộ trưởng có thư khen tặng ông Cao Văn Thơ, trú phường Vĩnh Trường (TP Nha Trang). Ảnh: KS.

Đồng quản lý góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân địa phương trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý hoạt động thủy sản là giải pháp hữu hiệu, giảm xung đột lợi ích trong cộng đồng và giúp đưa ngành thủy sản phát triển một cách bền vững.

Tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có thư khen tặng ông Cao Văn Thơ, trú phường Vĩnh Trường (TP Nha Trang) vì nhiều lần không màng hiểm nguy để cứu sống nhiều ngư dân và tàu cá bị nạn trên biển đưa vào bờ an toàn.

Theo Bộ NN-PTNT, trước Luật Thuỷ sản (trước năm 2017), cả nước có khoảng trên 200 mô hình đồng quản lý trong lĩnh vực thủy sản; trong đó, giai đoạn 2013-2016 có 97 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ được thành lập tại 25 huyện và 8 tỉnh, với hơn 13.000 ngư dân tham gia. Sau năm 2017, thực hiện Luật Thuỷ sản có 27 tổ chức cộng đồng được công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản theo quy định pháp luật, với khoảng gần 2.100 ngư dân tham gia đồng quản lý trên diện tích 117.000 ha tại 9 tỉnh, thành phố có biển cả nước. Các đối tác phát triển đã đồng hành cùng với ngư dân, cộng đồng địa phương, trong đó phải kể đến DANIDA (Chương trình hỗ trợ ngành Thủy sản (FSPS), World Bank (Dự án CRSD) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (thông qua Chương trình tài trợ nhỏ UNDP/GEF-SGP).

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cảnh báo: Vùng núi Bắc bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Các chuyên gia cảnh báo, trong những ngày tới, mưa lớn có nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi Bắc bộ.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.