| Hotline: 0983.970.780

Năm đầu tiên chuyển nhượng carbon giảm phát thải từ rừng

Thứ Tư 27/12/2023 , 21:27 (GMT+7)

Với đơn giá 5 USD/tấn CO2, các cánh rừng Bắc Trung bộ đã được chi trả 41,2 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới. Đó là một trong những điểm sáng của ngành lâm nghiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị kêu gọi các bên hành động theo chuỗi giá trị. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị kêu gọi các bên hành động theo chuỗi giá trị. Ảnh: Bảo Thắng.

Tại Hội nghị tổng kết ngành lâm nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị trăn trở vì ngành chưa đạt mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD. Đồng thời, sau nhiều năm tăng trưởng, giá trị xuất khẩu đã chững lại và suy giảm trong năm 2023. Dự báo, xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm qua đạt khoảng 14,5 tỷ USD.

Lý giải cho vấn đề này, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, 2023 là một năm đầy thách thức với ngành lâm nghiệp. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, suy thoái toàn cầu, cộng với các đứt gãy về nguồn cung nguyên liệu và logistíc, cũng như sự đầu tư chưa tương xứng cho ngành, nên ngành gỗ cần "một sức bật mới".

"Nhiều nước sụt giảm nhu cầu về gỗ, do đây không phải mặt hàng thiết yếu. Điều ấy đặt ra vấn đề về tái cơ cấu cho cả chuỗi ngành hàng, từ vùng trồng cho đến các cơ sở chế biến, phân phối", Thứ trưởng nói.

Một khó khăn nữa trong năm 2023, là việc Tổng cục Lâm nghiệp (cũ) tái cơ cấu bộ máy tổ chức, theo Nghị định 105, thành Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm. Trong quá trình này, hàng chục cán bộ được bổ nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ mới, gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình chỉ đạo, điều hành.

Ví mỗi đơn vị trong ngành như một mắt xích, Thứ trưởng kêu gọi các bên liên quan cần triển khai hành động theo chuỗi. Mỗi kế hoạch, đề án ban hành cần chuyển thành động lực cho những đối tượng, chủ thể tham gia thực hiện.

Ngoại trừ chỉ tiêu xuất khẩu, ngành lâm nghiệp đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được giao. Tỷ lệ che phủ rừng của cả nước đạt kế hoạch đề ra với tỷ lệ 42,02%; trồng rừng 250.000 ha, đạt 102% kế hoạch, trong đó trồng cây phân tán là 127 triệu cây; xuất siêu toàn ngành hơn 12 tỷ USD.

Tổng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng là 4.130 tỷ đồng. Trong đó, thu từ thủy điện, nước sạch, công nghiệp, du lịch sinh thái hơn 3.133 tỷ đồng; thu từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng là 997 tỷ đồng.

Đặc biệt, năm 2023 đánh dấu cột mốc quan trọng trong lĩnh vực lâm nghiệp khi chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác các bon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), với đơn giá 5 USD/tấn CO2 và thu về 51,5 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD, đồng thời giải ngân để các tỉnh triển khai.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị trao khen thưởng cho các cá nhân và tập thể xuất sắc năm 2023. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị trao khen thưởng cho các cá nhân và tập thể xuất sắc năm 2023. Ảnh: Bảo Thắng.

Năm 2024, ngành lâm nghiệp đề ra 7 chỉ tiêu và 11 giải pháp thực hiện. Một số mục tiêu chính như, tiếp tục duy trì tỷ lệ che phủ rừng của cả nước ổn định 42,02%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5% đến 5,5%; Trồng rừng tập trung là 245.000 ha; Trồng cây phân tán đạt 140 triệu cây; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 23 triệu m3; thu dịch vụ môi trường rừng là 3.200 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu 17,5 tỷ USD.

Trong các mục tiêu này, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị lưu ý tới giá trị xuất khẩu. Ông cho hay, trong năm 2023, dù xuất siêu toàn ngành lâm nghiệp đạt khoảng 12 tỷ USD, chiếm gần 50% xuất siêu của toàn nền kinh tế, nhưng mục tiêu xuất khẩu vẫn không hoàn thành.

Do đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị tham mưu tăng cường dự tính, dự báo sao cho sát với tình hình thực tế, trong đó phải tính đến các yếu tố phi truyền thống như xung đột địa chính trị, biến chuyển xu thế tiêu dùng của các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Ngành lâm nghiệp cũng cần tăng cường chuyển đổi số, đủ sức đảm bảo cả công tác bảo vệ rừng lẫn sản xuất lâm nghiệp. 

Cuối cùng, Thứ trưởng yêu cầu Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm tập trung thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch của Bộ NN-PTNT; Tổ chức thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư, Chiến lược phát triển lâm nghiệp, Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia và Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; Phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng và giữ gìn, bảo tồn đa dạng sinh học.

Ông Đỗ Quang Tùng, Trưởng ban CPO lâm nghiệp cho biết, do đặc thù về cơ cấu tổ chức, cán bộ, công nhân viên của Ban thường bị chậm chi trả lương tháng 1, 2. Dù còn ít ngày nữa là sang năm 2024, CPO lâm nghiệp vẫn chưa được duyệt cơ cấu nhiệm vụ và kinh phí.

Khó khăn của CPO lâm nghiệp cũng là tâm tư chung của nhiều đơn vị hoạt động trong ngành. Ông Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp thừa nhận, những năm qua trường phải mở rộng cơ cấu ngành đào tạo, nhằm đáp ứng và thích nghi với cơ chế tự chủ.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất