
Thời điểm tháng 4/2019, khu vực này mới chỉ xuất hiện 2 vị trí sạt lở, sụt lún. Vị trí số 1: K0+60 - K0+100 và vị trí số 2: K0+210 - K0+290. Trong ảnh là vị trí sạt lở số 2, chụp ngày 13/4/2019.

Tuy nhiên, đến nay đã gần một năm rưỡi trôi qua, sự cố trên vẫn chưa được khắc phục. Mái bờ kè liên tiếp bị sụt lún nghiêm trọng, tan hoang như một đại công trường ngổn ngang. Kéo dài gần 1km.

Qua quan sát, toàn bộ mái kè bị sóng đánh sập đổ, nằm trải dài dưới nền cát; đường bê tông dày khoảng 20cm, rộng gần 5m bị gãy thành nhiều khúc, có đoạn lún sâu dưới 1m so với nền đất cũ.

Mố kè bê tông và làn đường đi bộ được lát bằng gạch block lục lăng bị phá vỡ, dẫn đến hở hàm ếch rộng hơn 1m.

Đường ống bê tông thoát nước được ghép bằng các cống bi bị phá tan, rời rạc nhiều đoạn.

Tình trạng sạt lở, sụt lún đã ăn sâu, rộng vào tận rừng phi lao phòng hộ. Ở khu vực này, đã có hàng chục cây bàng bị bật gốc, chết héo khô.

Theo người dân sinh sống gần đây, tình trạng bờ kè tiền tỷ liên tiếp bị sụt lún nghiêm trọng diễn ra từ tháng đầu 2/2020 trở về đây.

Mặc dù, tình trạng sụt lún bờ kè diễn ra mỗi ngày một nghiêm trọng, nhưng chính quyền sở tại lại không đặt biển cảnh cáo nguy hiểm ở khu vực nói trên.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là một trong những hạng mục thuộc dự án kè lấn biển, hạ tầng kinh tế biển nằm ngoài đê biển huyện Nghĩa Hưng do UBND huyện Nghĩa Hưng làm chủ đầu tư.