| Hotline: 0983.970.780

Tan hoang bờ kè tiền tỷ

Thứ Sáu 12/04/2019 , 08:48 (GMT+7)

Hai năm trở lại đây, bờ kè khu du lịch Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) liên tục sạt lở, sụt lún nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn đê, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.

10-08-04_nh_2
Bờ kè tan hoang, hư hỏng nặng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bờ kè khu du lịch sinh thái Rạng Đông dài khoảng 2km, có nhiệm vụ chắn sóng, bảo vệ rừng phi lao phòng hộ, vườn hoa màu, hệ thống ao đầm thủy sản của người dân và khu du lịch tránh bị sạt lở, xói mòn.

Đây là một trong những hạng mục thuộc dự án kè lấn biển, hạ tầng kinh tế biển nằm ngoài đê biển huyện Nghĩa Hưng do UBND huyện Nghĩa Hưng làm chủ đầu tư. Nhà thầu thi công là Cty CP Tập đoàn Xuân Trường, đơn vị giám sát là Cty TNHH Tư vấn thiết kế Nhà Việt.

Dự án được đầu tư xây dựng từ năm 2011 và đưa vào sử dụng năm 2013 với tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng. Từ khi xây dựng kè hoàn thành đến khoảng giữa năm 2017 công trình tương đối ổn định và không bị ảnh hưởng bởi mưa bão. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, do bão số 10, phía Đông của đoạn kè bị sập khoảng 150m. Năm 2018, UBND huyện Nghĩa Hưng đã đầu tư 2 tỷ đồng để sửa chữa và khắc phục sự cố.

10-08-04_nh_3
Ảnh: Mai Chiến

Đến đầu tháng 2/2019, trên tuyến kè này tiếp tục xuất hiện 2 vị trí sạt, sụt lún khác và có chiều hướng lan rộng. Có mặt tại khu du lịch sinh thái Rạng Đông, theo ghi nhận của chúng tôi, 2 vị trí sạt lở cách nhau khoảng 100m.

Cả 2 vị trí (vị trí số 1: K0+60 - K0+100 và vị trí số 2: K0+210 - K0+290), đất đá lót, vải lọc bờ kè bị cuốn trôi tạo thành hố sâu; vỉa hè bị sập, lún sụt; toàn bộ bê tông và gạch block lục lăng bị phá vỡ, dẫn đến hở hàm ếch rộng hơn 1m.

Tường chắn sóng bị sập, lún gẫy thành nhiều đoạn, có đoạn tường còn bị treo do nền đất bị rút. Mái kè xây bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn có dạng hình hộp chữ nhật bị sập hoàn toàn, nằm ngổn ngang. Không những thế, sự cố sạt lở bờ kè còn cuốn trôi, vùi lấp hàng chục cây phi lao mới trồng dưới bãi…

10-08-04_nh_5
Vỉa hè bị sập, sụt lún sâu, hở hàm ếch

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hải Hưng, Phó Trưởng phòng Công thương huyện Nghĩa Hưng cho biết, nguyên nhân gây ra sự cố sạt lở bờ kè là do thấp bãi. Theo đó, bãi cát ngoài bờ kè ngày càng thấp, thoải dần ra biển. “So với thời điểm bàn giao đưa kè vào sử dụng, có chỗ bãi cát đã hạ thấp xuống khoảng 2m, đặc biệt phía Đông kè tính từ điểm đầu bờ kè; còn lại trung bình là 1m”, ông Hưng bộc bạch.

Ông Hưng cho biết thêm, bãi cát có sự biến động từ khi Cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang (thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu) xây dựng và đưa vào sử dụng. Thời điểm chúng tôi ghi nhận tại khu vực sạt lở, phía ngoài vùng biển có khoảng 5 chiếc tàu đang khai thác cát. Theo người dân sinh sống ở đây thì có thể việc hút cát tại khu vực này gây ảnh hưởng đến bờ kè.

10-08-04_nh_6
Tường chắn sóng bị sập, lún gẫy
10-08-04_nh_7
Gạch lát vỉa hè bị bong tróc
Được biết, một số tàu khai thác cát trên thuộc Cty CP Sông Đà Hà Nội quản lý. Sở TN- MT Nam Định đã cấp phép khai thác khoáng sản (cát) tại khu vực mỏ cát ven biển huyện Nghĩa Hưng cho Cty này. Lý giải về nguyên nhân mà người dân đề cập đến, ông Hưng bảo: “Có thể có một sự trùng hợp!?”.

 

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.