Năm học mới 2023-2024 đánh dấu bằng ngày 5/9 toàn dân đưa trẻ đến trường. Khách quan nhìn nhận, năm học mới 2023-2024 đang phải đương đầu với đợt suy thoái kinh tế toàn cầu, sau đại dịch Covid-19. Vì vậy, thật đáng mừng, khi một số địa phương như Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Bình quyết định miễn học phí cho học sinh. Đồng thời, thực hiện chủ trương chung, nhiều trường đại học thực hiện chính sách không tăng học phí đối với sinh viên.
Giáo dục từ lâu đã được Việt Nam xem như một quốc sách hàng đầu. Mọi nguồn lực, mọi ý tưởng, mọi cải cách của cộng đồng đều ưu tiên cho công tác giáo dục. Trên tổng thể, diện mạo giáo dục nước ta đã thay đổi tích cực trong một thập niên gần đây. Đặc biệt là sự đầu tư giáo dục vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo.
Bước vào năm học mới 2023-2024, toàn quốc đã có hơn 300 trường phổ thông dân tộc nội trú và 1,1 ngàn trường phổ thông dân tộc bán trú, phục vụ trực tiếp 250 ngàn con em đồng bào thiểu số. Rõ ràng, thành quả đổi mới giáo dục chia đều quyền thụ hưởng cho tất cả mọi người, một cách công bằng và nhân ái.
Tuy nhiên, giữa bao hy vọng mới đang thắp lên trước năm học mới 2023-2024, vẫn còn nhiều tồn tại trong ngành giáo dục cần phải đánh giá nghiêm túc để khắc phục theo hướng hoàn thiện sự nghiệp trồng người. Trong 6 vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục mà Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung tháo gỡ, có nhắc đến thực trạng bạo lực học đường và sự bất cập sách giáo khoa. Không thể tiếp tục để những tệ nạn xã hội xâm nhập gây tổn hại sức khỏe, đạo đức và nhân cách của giáo viên lẫn học sinh. Còn hệ lụy từ sách giáo khoa cạnh tranh hỗn loạn trên thị trường, lại khiến quá trình triển khai chương trình mới chưa đồng bộ, với nhiều môn học tích hợp khá khập khiễng.
Không ai nỡ nặng lời với môi trường phấn trắng bảng đen trong trẻo và những khuôn mặt thiên thần hồn nhiên. Thế nhưng, có một sự thật phải băn khoăn là xu hướng thương mại hóa giáo dục. Không thể vội vàng xem giáo dục như một ngành công nghiệp không khói, và càng không thể manh động xem trường học như một cơ sở gặt hái tài chính.
Càng ngày càng có nhiều đại gia hào hứng bỏ vốn vào giáo dục. Tín hiệu ấy chỉ xứng đáng cổ vũ, khi những toan tính lợi nhuận ích kỷ được khống chế bên ngoài cổng trường. Phép toán thực dụng của những doanh nhân khôn khéo, không được phép chi phối bục giảng của giáo viên và trang vở của học sinh.
Không thể để tái diễn câu chuyện một chủ tịch hội đồng trường lại bị khởi tố và bắt giam vì những hành vi làm ăn phi pháp, như đã xảy ra ở Tập đoàn giáo dục Văn Lang vừa qua. Nếu không đủ tình yêu với thế hệ tương lai dân tộc và không đủ mặn mà với công cuộc chấn hưng dân trí, thì đừng nên đem những mục đích kiếm tiền dơ bẩn vào trường học mà làm tổn hại giáo dục nước nhà.