| Hotline: 0983.970.780

Năm mới, đời vui

Thứ Sáu 03/02/2017 , 08:05 (GMT+7)

Một cảm giác sai lầm mà loài người tuy biết nhưng vẫn không muốn thừa nhận đó là thường cho rằng con người và mọi vật đang đứng yên.

Thực ra, trong quãng thời gian khi ta ngồi rung đùi kéo tụt nõ một điếu thuốc lào thì Trái đất đã mang ta đi xa hàng chục ngàn cây số so với vị trí Mặt trời. Trong truyện hài có anh Ngốc hốt hoảng đùng dao đánh dấu chỗ gươm rơi lên mạn thuyền để hôm sau đến vớt mà vẫn tưởng mình thông minh. Cây cầu đứng im nhưng bao nhiêu nước đã chảy qua bên dưới. Có vẻ như ta không khôn ngoan hơn anh Ngốc đánh dấu mạn thuyền bao nhiêu.

Cứ mỗi lần năm cũ đi năm mới về ta chỉ còn biết than thở: "Thời gian sao qua nhanh như vó câu bên cửa sổ". Ta tưởng mình sẽ trẻ mãi, sẽ khỏe mãi. Ta tưởng mình sẽ hạnh phúc mãi. Mùa màng, gia súc sẽ tươi tốt sinh lợi mãi. Nhưng Trái đất vẫn quay, ngày vẫn qua, đêm vẫn tới và tất cả những gì ta cho là mãi mãi sẽ một ngày nào đó không còn. Và ta đau buồn, nhiều khi hoảng sợ.

Với nhiều người lớn tuổi, nhất là những người xuất thân từ nông thôn hay đang sống ở nông thôn, thường có câu cửa miệng: "Tình người sao mỗi ngày một tệ!" Ngày tết con cháu không về làng đông đủ như xưa, nhiều đứa con bị coi là bất hiếu chỉ vì không chịu về ăn tết với bố mẹ, không đưa cháu về khoe với ông bà. Người thành phố không còn săm sắn đến thăm bạn bè, kéo nhau đi chúc tết như “ngày xưa”. Bạn bè vốn đã thưa thớt, nay càng thưa thớt. Ngoài đường phố người ta đánh nhau vỡ đầu sứt trán chỉ vì một vụ va quệt nhẹ, trước đây một câu xin lỗi là xong nhưng nay có người phải vào bệnh viện.

Anh nghĩ tình người phai lạt mà đâu biết rằng, đường phố bây giờ là một cuộc chiến, người già ra đường nguy hiểm như xông pha chốn trận tiền. Và điều này mới là đòn quyết định: xa lộ thông tin đã có mặt trong từng nhà. Ngồi tại chỗ, ngay trong một ngôi làng hẻo lánh người ta không những có thể trò chuyện miễn phí không chỉ với bạn bè mà ngay cả với những nhân vật quan trọng, nổi tiếng.

Tự nhiên không còn nhu cầu chuyện trò, học hỏi, tắt lửa tối đèn có nhau như trước kia. Các cuộc thăm viếng ngay giữa người làng hay bà con trong họ thưa dần, có chăng chỉ là để nhìn mặt nhau cho đỡ nhớ nữa thôi. Người ta buồn, níu những ngày xưa cũ mà không biết chúng sẽ không bao giờ có nữa. Cái thế giới trong ký ức thực ra không mất đi, nó chỉ thay đổi đến chóng mặt đó thôi.

Nhưng không phải chỉ riêng người lớn hoài cổ. Con cái trong nhà còn làm người ta phiền lòng hơn. Những người trước đây vẫn được anh dạy dỗ, có khi bắt nằm xuống phết roi vào đít không còn hớp từng lời của anh nữa. Anh vẫn tự cho mình biết tuốt, cái gì, việc gì anh cũng dạy được, không có anh thì sẽ hư cả bột lẫn đường. Vậy mà con anh, cả những đứa cháu khờ dại của anh nghe lời anh nói như nước đổ lá khoai. May mà chúng còn chịu nghe, không như anh đã nhiều lần tắt TV vì phải nghe một bài y chang như năm năm trước. Con cháu anh nghe bạn bè, nghe "gu gờ", nghe những trò anh thấy rất nhảm nhí trên mạng xã hội với vẻ thích thú không cưỡng nổi nhưng có vẻ thờ ơ với lời anh nói. Ở nông thôn, vào dịp tết, anh nhiều khi phát hoảng lên vì những bộ quần áo mà con anh, cả cháu anh từ phố về mặc vào dịp tết rập theo cái khuôn xa lạ mất gốc. Khi anh nhắc khéo cháu về cái quần trễ, nó bảo: "Ông ơi, ông lạc hậu rồi!". Trứng đang muốn khôn hơn vịt làm anh mất tự tin, thậm chí bất mãn.

Anh vốn yêu thiên nhiên, nhất là nơi quê nhà. Yêu những buổi chiều lang thang trên cánh đồng làng, ngắm hoàng hôn đỏ rực sau đỉnh núi, thích tắm trên dòng sông quê của tuổi thơ, cạnh đàn trâu da đen bóng loáng với đôi mông nung núc, béo tròn. Thiên hạ ra đi cũng nhiều, riêng anh trở lại rất sớm từ ngày ra quân. Anh mong tìm lại những giấc mộng riêng của anh. Nhưng bà con thưa dần cùng tuổi tác. Người mất, người rời xứ đi xa làm ăn, vài người trong họ nội, ngoại có mang máng biết anh nhưng tai đã nghễnh ngãng, mắt đã mờ.

Anh như ông lão trong thơ Đỗ Phủ về nhà, con cháu túm lấy hỏi "ông người ở đâu ta?". Con đường làng cát mịn, hai bên thơm nức "hoa dại với mùi rơm" ngày xưa cũng không còn, dưới chân anh là mặt đường bê tông “nông thôn mới”, nóng bỏng dưới nắng hè. Hai bên đường không phải là những "mái tranh quê" với "hoa cau trắng rụng đầy hè" mà là mái ngói nấp sau bức tường ngăn. Con sông cũng không trong vắt như xưa. Ngâm mình trong làn nước đục nhờ nhờ, một chốc đã thấy ngứa. Người ta bảo nước sông bị ô nhiễm vì mấy cái nhà máy gỗ, trại bò sữa, cả bệnh viện huyện nữa, phía đầu nguồn.

Dân nói, nước sông nấu nước chè xanh không ngon như trước nhưng được cái ốm đau không phải cáng người lên tỉnh. Còn mấy cái nhà máy và trại nuôi bò sữa thì thật tệ, họ đổ nước bẩn và chất thải xuống sông nhưng họ lại tuyển rất nhiều người làng, nhiều người khấm khá.

Có cái hay nữa là là người xứ khỉ ho cò gáy này thỉnh thoảng được uống sữa tươi giá rẻ mỗi khi họ ế hàng. Đúng là không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông. Nhưng dòng sông ấy có mất đâu? Nó vẫn kia, nó thay đổi mà thôi, anh không hiểu sao mình lại buồn vì sự thay đổi ấy. Có gì đâu, anh ngồi một chỗ nhớ thương còn sông vẫn chảy. Được cái này thường phải mất cái kia.

Thực ra anh buồn cũng có vài cái lý do. Giá như ông chủ tịch huyện ( dân nói ông này mê nhậu và săn thú rừng) nghiêm khắc bắt mấy cái nhà máy gỗ và trại bò, bệnh viện không đổ nước bẩn ra sông thì chắc con sông thơ ấu anh vẫn ngâm mình suốt mùa hè ngày nào không làm da anh ngứa ngáy. Anh biết loài người làm thêm được bao nhiêu sản phẩm công nghiệp tối tân, diệu kỳ nhưng cũng đánh mất không ít tài sản quý, trong đó có làn nước trong xanh của con sông quê nhà anh.

Không phải người ta quá ngu ngơ không nhận biết cuộc sống đang thay đổi. Nhưng người ta bị sốc. Tại sao thằng cháu đích tôn từ phố về ăn tết với ông mà ngay cả khi ngồi ăn bên cạnh ông nội vẫn cúi mặt xuống cái máy gì to hơn bàn tay, như nó mắc nợ con quỷ náu trong đó? Tại sao ngày nào cũng có xác chết, chết từng người, từng chùm vì án mạng, tai nạn giao thông, tội ác thì muôn hình vạn trạng trước đây không hề có. Sao cái làng quê của anh vốn không biết đóng cửa khi người dân đi làm đồng, nay cửa đóng then cài mà trộm chó, trộm gà, vẫn thường xẩy ra?

Thay vì phải nghĩ khác đi, làm khác đi, tự mình thay đổi cùng cuộc sống, góp phần làm nó tốt hơn, hài hòa hơn, người ta thường ngồi yên ca cẩm và than phiền. Nhà Lê sẽ đi về đâu nếu không có cuộc trung hưng, nếu tất cả mọi người nhắm mắt lại trước sự thay đổi "xuống dốc không phanh" của cuộc thế? Không ít người giống anh chàng thợ săn "ôm cây đợi thỏ". Sau khi giết được một con thỏ ở gốc cây, anh ta cứ ôm chặt cái cây may mắn mà không biết con thỏ không thể xuất hiện hai lần, cũng như mọi cơ hội để tồn tại, để phát triển không thể đến hai lần. Cũng không thể ôm cột cầu để giữ chữ tín mà chết đuối khi nước vẫn dâng lên từng giờ dưới chân. Lối suy nghĩ khắc nghiệt ấy không thể tồn tại.

Dù ai đó muốn nhắm mắt lại, dù ai đó muốn chôn chân mình xuống đất chăng nữa thì nước vẫn chảy qua cầu và bình minh vẫn tới sau mỗi đêm. Người ta có thể chết vì nhàm chán. Không ít vương triều đã chết vì nhàm chán khi người dân tê liệt cảm hứng lao động và sáng tạo. Mỗi người cũng có thể chết vì nhàm nhán mà không biết đó thôi.

Chúng ta vừa chúc mừng nhau khi năm mới đến. Hãy biết rằng, hôm nay, chỉ sau một tuần cái “Năm mới” ấy đã thành năm cũ. Chậm chân là sẽ uống nước đục. Năm chỉ mới khi mọi người cùng đổi mới. Cùng nghĩ đến những điều chưa từng nghĩ. Cùng làm những việc ích nước lợi dân chưa từng làm. Và cái tết mệt mỏi, vất vả trăm đường nhưng vẫn làm sống dậy sự hứng khởi không bao giờ cạn vừa qua cũng như nhiều cái tết trong quá khứ chính là sự nhắc nhở diệu kỳ của thiên nhiên, của hồn thiêng sông núi, của cha ông nhiều thế hệ với chúng ta. Rằng bi quan, chán nản là cái chết được báo trước. Đời vui nhờ nó luôn mới, nhờ mỗi người bước sang năm mới với tâm hồn mới, nghị lực mới!

Xem thêm
Lật mặt 7 chạm mốc hơn 60 tỷ sau 2 ngày công chiếu

Sau hai ngày công chiếu, tính cả những suất chiếu sớm, phim 'Lật mặt 7: Một điều ước' đã thu về hơn 60 tỷ đồng, vượt xa phim Mai của Trấn Thành.

Nhận định Man United vs Burnley: Thắng để hy vọng

Trận đấu giữa Man United vs Burnley trong khuôn khổ vòng 35 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 21h00 ngày 27/4/2024 trên sân vận động Old Trafford.

HLV Hoàng Anh Tuấn chia tay U23 Việt Nam để nhường ghế cho HLV ngoại

HLV Hoàng Anh Tuấn kết thúc nhiệm vụ dẫn dắt tạm quyền đội U23 Việt Nam sau vòng chung kết U23 châu Á tại Qatar.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm