Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả
Là địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp của tỉnh miền núi Bắc Kạn, huyện Chợ Mới đã và đang có nhiều đổi mới, sáng tạo để phát huy thế mạnh trong lĩnh vực này.
Thay vì bị động, quen với cách làm cũ, hiện bà con nông dân ở Chợ Mới đã chủ động chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp khi đưa vào ruộng đồng những cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Năm nay, gia đình chị Lương Thị Tiếp ở xã Như Cố ăn Tết đầm ấm, no đủ hơn mọi năm. Vụ sản xuất vừa qua, gia đình trồng gần 2.000m2 giống dưa chuột Nhật Bản, chỉ sau 3 tháng trồng và chăm sóc, gia đình lãi gần 20 triệu đồng.
Dưa chuột Nhật Bản là loại cây trồng mới, có năng suất rất cao, toàn bộ sản phẩm được doanh nghiệp thu mua ngay tại ruộng.
Chị Lương Thị Tiếp cho biết, trồng lúa 1.000m2 chỉ được 5 đến 7 tạ thóc khô, bán được 5 triệu, nhưng trồng cây dưa chuột Nhật Bản cùng diện tích đó phải thu được gần 20 triệu đồng.
Dù mới xuất hiện trên những cánh đồng của huyện Chợ Mới nhưng cây dưa chuột Nhật Bản đã được nhiều nông hộ lựa chọn là cây thoát nghèo, làm giàu.
Ngoài ra, thay vì trồng lúa, ngô, người dân huyện Chợ Mới đã chuyển đổi trồng nhiều loại cây có giá trị cao như chè, thanh long hay mướp đắng rừng, ớt, khoai tây…
Bà Hà Thị Viện, cán bộ nông lâm xã Như Cố thông tin, so với trồng lúa, ngô, trồng các cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế gấp từ 2 đến 3 lần nên bà con ở xã dần dần tăng diện tích theo từng vụ.
Năm 2022, huyện Chợ Mới đã có hơn 420ha đất đạt thu nhập trên 100 triệu đồng/ha. Một điểm đáng mừng là nếu như trước đây một số cây trồng mới như khoai tây, ớt chính quyền các địa phương phải vận động, tuyên truyền, nay người dân đã chủ động thực hiện, không trông chờ, ỷ lại.
Chế biến sâu gia tăng giá trị sản phẩm nông sản
Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Chợ Mới cũng là huyện tiên phong thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia chế biến nông sản. Đến thời điểm này, Chợ Mới là địa phương duy nhất của tỉnh Bắc Kạn có khu công nghiệp phục vụ chế biến các loại nông sản.
Những ngày đầu năm mới Qúy Mão, chúng tôi có mặt tại dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Việt Nam Misaki ở xã Thanh Thịnh, một không khí sản xuất nhộn nhịp.
Đây là đơn vị chuyên chế biến các loại nông sản xuất khẩu sang Nhật Bản. Những mặt hàng chế biến từ quả mơ vàng, củ kiệu, củ gừng, rau cải của đơn vị đều được xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản. Đáng chú ý, nguyên liệu đều được doanh nghiệp thu mua tại địa phương.
Bà Hoàng Thị Lập, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Misaki cho biết: Các mặt hàng nông sản sau khi chế biến xuất khẩu sang Nhật Bản được đánh giá rất cao về chất lượng. Để cạnh tranh được với hàng hóa các nước khác, đòi hỏi người dân phải canh tác chuyên nghiệp, tuân thủ đúng quy trình để đảm bảo nông sản sạch.
Hiện nay, huyện Chợ Mới cũng có hàng chục HTX chuyên chế biến các loại nông sản. Trước đây, các HTX chưa chú trọng đầu tư khoa học công nghệ, nhưng nay hầu hết đã mua sắm máy móc hiện đại, quy trình sản xuất khép kín. Từ đó, sản phẩm do các HTX làm ra được thị trường chấp nhận, tiêu thụ ổn định.
Ông Hoàng Nguyễn Việt, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới đánh giá, nông nghiệp chiếm trên 50% cơ cấu kinh tế của huyện, đây cũng là ngành kinh tế chủ lực của địa phương.
Trong những năm gần đây nông nghiệp của huyện đã có bước chuyển quan trọng, từ chỗ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đã chuyển thành sản xuất hàng hóa số lượng lớn, chất lượng cao.
Huyện Chợ Mới xác định có 3 vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm gồm: Vùng phía đông tập trung phát triển cây chè Shan tuyết và cây hồi (hàng năm tổng thu nhập trên 30 tỷ đồng); Vùng phía tây tập trung phát triển cây ăn quả (hiện nay thu nhập khoảng 10 tỷ đồng/năm); Vùng trung tâm phát triển các loại cây rau màu, cây mơ, cây ớt (hàng năm cho thu nhập trên 40 tỷ đồng).