Tuy nhiên, thực trạng này vẫn diễn ra...
Đặc biệt, giống HL-S11 được cơ quan chuyên môn xác định là giống bị nhiễm bệnh khảm lá nặng nhất trong tất cả các giống, vừa qua Bộ NN-PTNT cũng đã có văn bản chỉ đạo là nghiêm cấm mua bán, không được trồng giống này (NNVN đã phản ánh).
Một điểm mua bán hom giống mì cho nông dân ở huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh |
Theo bà Phạm Nhạn (PGĐ Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Hưng Lộc), phụ trách công tác nghiên cứu nhân giống các giống mì, giống HL-S11 là của trung tâm đưa ra sản xuất đại trà cách đây 3 năm.
Ưu điểm là năng suất cao 35 - 40 tấn/ha, tỷ lệ tinh bột cũng cao được các nhà máy chế biến ưa thích. Riêng ở tỉnh Đồng Nai, nơi trung tâm đóng chân đã có đến 60 - 70% diện tích trồng mì là giống HL-S11.
“Tôi lấy làm tiếc vì hàm lượng tinh bột của giống HL-S11 cao, lại ít nhiễm bệnh chổi rồng mà phải ngưng sản xuất, cấm mua bán, thậm chí có nơi buộc tiêu hủy. Hiện chúng tôi vẫn duy trì sản xuất giống này trong vùng không có dịch ngay tại khu vực nhân giống của trung tâm”, bà Nhạn nói.
Vẫn theo bà Nhạn, nguyên nhân gây bệnh khảm lá từ con bọ phấn trắng mang virus chích hút từ Campuchia sang khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh từ 2 nguồn, một là vận chuyển hom giống; hai là con bọ phấn từ Campuchia bay sang biên giới chích hút trên cây mì. Trong đó giống HL-S11 mẫn cảm nên bị nhiễm nặng nhất, chứ thật ra giống nào cũng bị không ít thì nhiều.
Mặc dù đã có văn bản cấm lưu hành mua bán loại giống HL-S11 nhưng trong thực tế, ở một số nơi tại huyện biên giới như Tân Châu, Tân Biên, theo tìm hiểu chúng tôi người dân vẫn mua cây mì giống này tràn lan nằm dọc theo các con đường lộ liên xã, trong khi cán bộ làm công tác quản lý kiểm tra nguồn giống này từ tỉnh đến huyện có thể coi “lực bất tòng tâm”.
Đó là, các giống đang trồng phổ biến trên thị trường như KM 94, KM 140, HLS11, KM 419... Trong đó hầu hết giống KM là của Trung tâm Hưng Lộc như KM 94 (nhập nội từ năm 1994), KM 140; riêng giống KM 419 là của ông Trần Ngọc Ngoạn (Đại học Thái Nguyên).
Cụ thể, dọc theo đường 785, từ xã Tân Hưng lên đến xã Tân Ðông (huyện Tân Châu), không khó để bắt gặp những điểm bán cây mì giống của thương lái nằm ven đường, luôn sẵn sàng cung cấp giống cho nông dân.
Tại một điểm bán giống cây mì ở xã Tân Hưng, ông Tám, một nông dân địa phương đang lúi cúi chọn mua hom giống cho biết, gia đình ông vừa bị mất trắng 2ha mì vì dịch bệnh khảm lá. Do giá củ mì đang rất cao (bình quân 3.550 đồng/kg) nên ông vẫn tiếp tục đi mua giống về trồng tiếp.
Chúng tôi hỏi: Ông sẽ chọn loại giống gì để trồng? Ông đáp: Từ trước đến nay tôi chỉ trồng 2 giống KM 94 và HL-S11. Bây giờ ở đây giao giống nào tôi nhận giống đó thôi.
Theo ghi nhận, tại các điểm bán giống, giá cây mì giống siêu bột như HL-S11 vẫn còn mua bán nhưng giá tăng gấp 1,5 - 2 lần so với trước. Bà Bê, thương lái cho biết, trước đây chỉ có 1.200 - 1.500 đồng/cây giống, giờ tăng lên 2.000 - 2.500 đồng. “Tụi tui phải đi gom cây giống ở nơi khác về đảm bảo sạch bệnh, không có bệnh khảm lá nên giá phải đắt hơn trước”, bà Bê nói
Trái lại, theo ông Nguyễn Văn Để, trồng mì tại ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng cho biết, vụ mì vừa qua, do nghe người bán giống giới thiệu cây mì mua từ tỉnh Bình Phước (địa phương không có bệnh khảm lá) nên anh mua về trồng 2ha. Tuy nhiên, khi trồng được 1 tháng mì đã nhiễm bệnh, dù vậy anh vẫn cố chăm sóc để thu hoạch. Nhờ bán giá cao nhưng năng suất giảm đáng kể (chỉ đạt hơn 10 tấn củ/ha), chữ bột thấp nên anh hòa vốn. Ðây là thực trạng mà rất nhiều nông dân phải chịu thời gian gần đây.
Hiện nhu cầu mì giống ở tỉnh Tây Ninh rất lớn. Trong đó, giống mì KM 94 được ngành nông nghiệp khuyến cáo là ít nhiễm bệnh nhưng thực tế lại không đủ nguồn cung cấp cho nông dân, dẫn đến tình trạng thương lái mua nhiều loại giống cây mì không rõ nguồn gốc (dĩ nhiên có cả giống HL-S11) đưa về bán cho nông dân làm giống.
"Trong sản xuất mì, người nông dân sau khi trồng tự để lại giống hoặc mua bán hom giống thông qua thương lái, trong đó có giống HL-S11 do ưu điểm vượt trội như nói ở trên, nên nguy cơ lây lan bệnh khảm lá ngày càng nghiêm trọng hơn. Mặt khác, do chúng ta không kiểm soát được khâu vận chuyển hom giống từ nơi này sang nơi khác nên hậu quả đến nay là không chỉ ở Tây Ninh, điểm xuất phát dịch bệnh ban đầu mà còn lây lan sang một số tỉnh miền Đông Nam Bộ, thậm chí cả Tây Nguyên”, bà Phạm Nhạn. |