| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn

Thứ Hai 27/02/2023 , 09:43 (GMT+7)

Năm 2023, tỉnh Bình Thuận tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn, giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới.

Vẫn còn tồn tại 

Ông Ngô Thanh Huy, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Bình Thuận cho biết, năm 2022, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh Bình Thuận cơ bản làm tốt và khá toàn diện trên các nội dung như mức sống người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn có chuyển biến tích cực và người dân đồng tình ủng hộ ngày càng sâu rộng.

Một góc vùng nông thôn mới ở xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: KS

Một góc vùng nông thôn mới ở xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: KS.

Tỉnh đã ban hành 4 nghị quyết, 2 kế hoạch, 13 quyết định và 4 văn bản chỉ đạo điều hành thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Hầu hết các nội dung chỉ đạo đã được các sở, ngành và địa phương nghiêm túc triển khai có trách nhiệm, có chuyển biến tích cực.

UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai và giao chỉ tiêu cho từng xã thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2022. Cũng như hầu hết các sở, ngành cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh giao và hướng dẫn các nội dung tiêu chí được phân công phụ trách.

Hệ thống dân vận trong tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện các nội dung phối hợp tham gia xây dựng NTM. Từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia thực hiện chương trình xây dựng NTM. Phong trào "Chung sức chung lòng xây dựng NTM" đã từng bước được nâng cao theo hướng thiết thực, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêc quốc gia xây dựng NTM.

Người dân ở vùng nông thôn ở tỉnh Bình Thuận

Người dân ở vùng nông thôn ở tỉnh Bình Thuận ngày càng cải thiện cuộc sống. Ảnh: KS.

Theo đó đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 69/93 xã đạt chuẩn NTM và tiếp tục duy trì 2 huyện Phú Quý và Đức Linh đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó, 3 xã đang gửi hồ sơ cho hội đồng thẩm định tỉnh xem xét công nhận đạt chuẩn NTM và 1 xã xem xét đạt chuẩn NTM nâng cao.

Theo ông Ngô Thanh Huy, bên cạnh kết quả đạt được thì công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở một số nơi chưa thực sự quyết liệt; việc tiếp cận và triển khai các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh bước đầu còn nhiều lúng túng. Nhiều thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở hiện nay vẫn chưa sử dụng hết công năng; nhiều nhà văn hóa xã chưa được đầu tư xây dựng riêng biệt bên ngoài khu hành chính của xã; cũng như chưa đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí và thể thao riêng biệt cho trẻ em và người cao tuổi, chủ yếu còn sử dụng các nhà văn hóa xã và thôn.

Hầu hết các địa phương chưa tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thể dục thể thao quần chúng để thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động nữ, người khuyết tật triển khai còn chậm nên kết quả đạt thấp.

Môi trường tại một số khu dân cư vẫn chưa được cải thiện đáng kể, còn xảy ra tình trạng vứt rác, xả nước thải chưa qua xử lý ra các sông, kênh mương làm ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường tại các xã điểm xây dựng NTM.

Tỉnh Bình Thuận đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới. Ảnh: KS.

Tỉnh Bình Thuận đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới. Ảnh: KS.

Tại một số thôn trên địa bàn xã chưa thành lập các tổ dịch vụ thu gom rác thải, do đó chưa tiến hành thu gom triệt để lượng rác thải đang tồn tại ở một số khu vực trên địa bàn xã. Việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của một số cơ sở sản xuất kinh doanh tại các xã điểm xây dựng NTM chưa cao, chưa có biện pháp phòng ngừa, hạn chế và khắc phục các tác động xấu đối với môi trường từ các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với làng nghề nông thôn đều chưa có hệ thống xử lý nước thải do thiếu kinh phí…Tỷ lệ người dân tham gia BHYT của các địa phương không đồng đều. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM chưa đều khắp ở các địa phương, chưa phát triển sâu, rộng trong cộng đồng.

Tiếp tục giải quyết 

Trước những vấn đề bức xúc, tồn tại trên, theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, trong năm 2023, tỉnh Bình Thuận quyết tâm thực hiện có hiệu quả 11 nội dung của chương trình và các chương trình chuyên đề thuộc chương trình MTQG xây dựng NTM để nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn; đồng thời giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng NTM như môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp, sáng tạo.

lò

Lò xử lý rác sinh hoạt tại hộ gia đình ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: KS.

Để làm được điều này, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn về các phong trào thi đua xây dựng NTM. Hàng năm sẽ phát động phong trào thi đua ở tất cả các cấp, các ngành, các đơn vị và đoàn thể. Đồng thời triển khai, hướng dẫn các cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện các nội dung của chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững.

Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các nông sản chủ lực ở địa phương, trên cơ sở áp dụng công nghệ thông minh, cơ giới hóa vào sản xuất; thúc đẩy liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn.

Vận động các tổ chức kinh tế hỗ trợ các địa phương thực hiện xây dựng NTM; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình ở các cấp, các ngành và có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện chương trình.

Cũng như phát huy vai trò chức năng Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc giám sát và phản biện đối với các chương trình, dự án và các công việc liên quan đến tổ chức triển khai xây dựng nông thôn mới ở địa phương nhằm góp phần tăng hiệu quả, chất lượng các chí, công trình, hạn chế thấp nhất lãng phí, tiêu cực trong sử dụng các nguồn nguồn vốn đầu tư cho xây dựng NTM.

Đối với các sở, ngành tiếp tục thể hiện tốt hơn nữa trách nhiệm theo dõi địa bàn và tiêu chí của ngành mình phụ trách. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nắm bắt tiến độ triển khai để kịp thời cùng với địa phương chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí.

UBND cấp huyện tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí NTM, nhất là các tiêu chí về đời sống người dân, môi trường, văn hoá và an ninh trật tự. Đối với các xã đã đạt chuẩn NTM thực hiện nâng chuẩn chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia, hướng tới xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, trong năm 2023, tỉnh Bình Thuận phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 73/93 xã (đạt 78,5%), trong đó có 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Cùng với đó tỉnh tiếp tục duy trì 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.

Xem thêm
Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Quảng Bình Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025

Ninh Thuận: Thêm 84 sản phẩm được công nhận OCOP

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định công nhận 84 sản phẩm của các chủ thể đạt hạng OCOP từ 3 - 4 sao.