Ông Yukio Kikuchi, Giám đốc Dự án hãng Yanmar tại Việt Nam (tập đoàn sản xuất máy móc ngư, nông cụ của Nhật Bản), cho rằng, do kỹ thuật khai thác và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chưa chuẩn nên kim ngạch XK cá ngừ của Việt Nam chỉ đạt 560 triệu USD/năm. Trong khi đó, nếu xử lý kỹ thuật đúng thì có thể bán được tối thiểu 1,5 tỉ USD.
Theo ông Yukio, hãng Yanmar đang đầu tư, giới thiệu nhiều giải pháp khai thác cá ngừ bền vững tại Việt Nam, như: Tập huấn cho ngư dân theo công nghệ, kỹ thuật khai thác của Yanmar để nâng giá bán sỉ từ 2 USD/kg lên 9 USD/kg; tiết kiệm nhiên liệu bằng công nghệ tàu composite và tổ chức khai thác tổ đội; tham gia các nhãn chứng chỉ quốc tế như MSC để cá ngừ Việt Nam đạt chuẩn thế giới…
“Nếu được Chính phủ Việt Nam chấp thuận, từ nay đến năm 2015, Yanmar sẽ đầu tư thí điểm 180 tàu composite khai thác cá ngừ theo mô hình công ty cổ phần của Nhật. Ngư dân được mua cổ phần đến 100% giá trị tàu. Yanmar sẽ tư vấn, đào tạo kỹ thuật, quản lý tổng thể chất lượng cá, bao tiêu XK với giá cao” - ông Yukio Kikuchi khẳng định.
Bộ NN-PTNT cho biết, đang trình Chính phủ thông qua nghị định hỗ trợ ngư dân thực hiện đề án sản xuất cá ngừ theo chuỗi với kinh phí khoảng 5.774 tỉ đồng, trong đó hỗ trợ ngư dân đóng tàu khoảng 5.200 tỉ đồng. Ngư dân được vay 70-90% giá trị con tàu với lãi suất 1%-3%/năm trong 11 năm. Đồng thời, hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo kỹ thuật cho ngư dân… Kinh phí được đưa trực tiếp cho ngư dân và ngư dân có quyền quyết định mẫu tàu cùng thiết bị. Bộ NN-PTNT cũng sẽ xây dựng bộ quy chuẩn để bảo đảm an toàn cho ngư dân.