Nhiều hồ, đập chứa nước xuống cấp
Theo số liệu thống kê, hiện cả nước đã xây dựng được 7.169 đập, hồ chứa nước thủy lợi, trong đó có 419 đập đang có chiều cao trên 5m và 6.750 hồ chứa với tổng chiều dài 1.182km. Tổng dung tích trữ nước khoảng 14,5 tỷ m3, tạo nguồn nước tưới cho gần 1,1 triệu ha đất nông nghiệp, cấp khoảng 1,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp đối với 45/63 địa phương.
Tuy nhiên, nhiều hồ, đập thủy lợi trong tình trạng chưa được gia cố, không có tường chắn sóng, mái đập hạ lưu có hiện tượng nước thấm, nước thấm qua thân đập, cống bị rò rỉ, bê tông tràn xả lũ bị bong tróc, mặt cầu qua tràn nhỏ và không có lan can, lòng hồ bị bồi lắng, sân tiêu nứt, thượng lưu và hạ lưu mái đập bị lún gẫy, hư hỏng đá kè mái thượng lưu đập...
Một số công trình do thiết kế cũ, đập xây bằng đất; mặt đập xây dựng theo kiểu kết hợp đường giao thông, cho phép người và phương tiện qua lại, tràn xả lũ khẩu độ nhỏ, khó tiêu thoát nước..., vì vậy khi có mưa lũ rất dễ xảy ra sự cố, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản người dân.
Đa phần số lượng hồ, đập xuống cấp và hư hỏng tập trung ở nhóm hồ vừa và nhỏ, những công trình thủy lợi này chủ yếu được xây dựng và đầu tư từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, hạn chế về mặt kỹ thuật, thiếu kinh phí bảo trì, sửa chữa nâng cấp nên việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương chưa tự chủ được kinh phí để thực hiện duy tu, bảo dưỡng.
Doanh nghiệp được giao quản lý các hồ chứa vừa và lớn cơ bản có cán bộ đã qua đào tạo, đáp ứng được các yêu cầu của công tác quản lý, khai thác, đảm bảo an toàn, phát huy tốt đa hiệu quả các đập, hồ chứa phục vụ sản xuất, dân sinh. Tuy nhiên, cấp huyện, xã tại nhiều địa phương chưa hình thành được các tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, khai thác theo quy định.
Một thực tế nữa cho thấy, lực lượng cán bộ, công nhân quản lý, vận hành còn mỏng và không đảm bảo năng lực chuyên môn dẫn đến công trình xuống cấp nhanh, khi xảy ra sự cố không được xử lý dứt điểm, còn luống cuống trong hoạt động sửa chữa.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT): Trong bối cảnh nước ta đang bước vào mưa lũ và diễn biến bất thường của thời tiết cực đoan, các địa phương cần thường xuyên tổ chức rà soát và đánh giá thực trạng an toàn hộ đập, từ đó xác định các công trình, hạng mục xuống cấp, chủ động bố trí kinh phí sửa chữa ngay hồ, đập để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Đến nay, các địa phương cơ bản thực hiện tốt quy định đảm bảo an toàn hồ, đập chứa nước thủy lợi. Tuy nhiên còn nhiều địa phương chưa thực hiện tốt, đặc biệt trong phân cấp quản lý. Theo như quy định của Luật thủy lợi, địa phương chỉ được quản lý hồ chứa nhỏ, không đủ khả năng quản lý hồ chứa vừa và lớn. Trong thời gian tới, đề nghị các địa phương phân cấp lại đối với những hồ chứa vừa và lớn, đẩy mạnh thi công các công trình thủy lợi phòng chống thiên tai theo tiến độ an toàn, đảm bảo công trình, người và tài sản.
"Các sự cố đối với hồ, đập trong những năm gần đây chủ yếu do mưa, lũ cực đoan và diễn biến phức tạp, bất thường với cường độ lớn thường xuyên xảy ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hồ chứa. Điển hình vào 2019, ở nước ta đã xảy ra 8 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới (đặc biệt là cơn bão số 2 vào tháng 7/2019, bão số 4 tháng 8/2019 gây mưa lớn ở nhiều tỉnh thành, bão số 3 gây mưa lụt lớn ở các tỉnh Tây Nguyên làm nhiều đập, hồ chứa tại các địa phương này gặp sự cố", ông Tỉnh cho biết thêm.
Giải pháp tổng thể đảm bào an toàn hồ, đập
Để đảm bảo an toàn cho các đập, hồ chứa thủy lợi trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, một số giải pháp đang được Bộ NN-PTNT đặc biệt quan tâm và triển khai đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn đập.
Theo báo cáo của các địa phương và rà soát của Tổng cục Thủy lợi, hiện cả nước còn 1.648 hồ chứa bị xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ. Giải pháp tạm thời đối với những công trình này là đẩy nhanh tiến độ tu sửa thuộc kinh phí của các dự án hỗ trợ, đồng thời sớm hoàn thiện nhằm đảm bảo chất lượng. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ cấp bách để sửa chữa các hồ chứa xung yếu cho nhiều địa phương khó khăn, miền núi.
Song bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cần tăng cường công tác quan trắc, giám sát vận hành các đập, hồ chứa, nhất là với các đập, hồ chứa có cửa van để nâng cao chất lượng vận hành bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du. Đến nay, Tổng cục Thủy lợi đã phân trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị trực thuộc Bộ khảo sát, đánh giá hiệu quả vận hành của cửa van các hồ chứa có cửa van điều tiết.
Nhiệm vụ trọng tâm nhất được đưa ra là phân cấp quản lý các đập, hồ chứa trên địa bàn phù hợp với năng lực của đơn vị quản lý khai thác theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Kiểm tra, đánh giá hiện trạng toàn bộ các đập, hồ chứa, trong đó tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào kiểm tra đánh giá chuyên sâu công trình (khảo sát phát hiện ẩn họa như thấm, mối, khoang rồng, thoát không...)
Nghiên cứu các giải pháp khắc phục kịp thời các hư hỏng nhằm đảm bảo an toàn công trình, thành lập hội đồng tư vấn an toàn đập ở các địa phương, huy động lực lượng tư vấn hỗ trợ hội đồng trong việc đánh giá mức độ an toàn của công trình. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế và tổ chức các Hội thảo an toàn đập, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài nước về an toàn đập; tổng hợp ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, giám sát, vận hành hồ chứa.
Tổng cục Thủy lợi đang tiến hành lập hồ sơ lưu trữ điện tử toàn bộ các hồ đập trên cả nước, xây dựng các số tay phục vụ trong công tác chỉ đạo, quản lý vận hành hồ chứa (Số tay Quy trình quản lý vận hành hồ chứa và Số tay Quản lý an toàn đập).