| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao năng lực xuất khẩu nông sản từ mã số vùng trồng

Thứ Ba 28/11/2023 , 11:03 (GMT+7)

Để hướng đến thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp, HTX và người dân ở Gia Lai đã đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản.

Nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được xây dựng mã số vùng trồng. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được xây dựng mã số vùng trồng. Ảnh: Tuấn Anh.

Cùng “bắt tay” xây dựng mã số vùng trồng

Những năm qua, sản lượng nông sản xuất khẩu của tỉnh Gia Lai liên tục tăng. Dự kiến năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của tỉnh Gia Lai là 680 triệu USD.

Có được điều này là nhờ tác động các hiệp định thương mại tự do EVFTA, RCEP đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực xuất khẩu. Đặc biệt, người dân và HTX trên địa bàn đã chủ động triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để nâng cao chất lượng sản phẩm.

HTX Sản xuất - Thương Mại - Dịch vụ - Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (HTX Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) là một trong những đơn vị tiên phong xây dựng mã số vùng trồng cho các sản phẩm nông sản. Đến thời điểm hiện tại, HTX đã xây dựng được 3 mã số vùng trồng với hơn 124ha cho cây sầu riêng và 3 mã số vùng trồng cho cây chanh leo với hơn 100ha.

Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Ia Mơ Nông cho biết, thời gian trước, Trung Quốc yêu cầu các sản phẩm nông sản của Việt Nam phải có mã số vùng trồng mới được xuất khẩu chính ngạch. Chính vì vậy, HTX đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc, nâng cao giá trị cho các mặt hàng nông sản cho các thành viên.

Theo ông Thanh, việc xây dựng mã số vùng trồng mang lại giá trị rất lớn cho các mặt hàng nông sản, đặc biệt là cây chanh leo. Trong đó, HTX phối hợp với Nafoods xây dựng mã số vùng trồng cho chanh leo rất hiệu quả. Từ đó, Nafoods sẽ nắm bắt được sản lượng chanh leo thông qua mã số vùng trồng để ký kết với các hộ dân.

“Thời gian qua, chanh leo của người dân bị ùn ứ quá nhiều do cung vượt cầu nhưng riêng với những vườn chanh leo có mã số vùng trồng của HTX thì vẫn được công ty thu mua đầy đủ với giá cao”, ông Thanh cho biết.

Hiện chanh leo đang được người dân, HTX đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng. Ảnh: Tuấn Anh.

Hiện chanh leo đang được người dân, HTX đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Hồ Hải Quân, Giám đốc vùng trồng Tây Nguyên thuộc Công ty Cổ phần Nafoods Group cho biết, thời gian qua, công ty phối hợp với các HTX, người dân đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng theo yêu cầu của các nước nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc. Mặt khác, với việc xây dựng mã số vùng trồng để công ty dễ dàng quản lý vườn chanh leo, đảm bảo canh tác theo đúng yêu cầu đưa ra.

“Chanh leo yêu cầu chất lượng ngày càng cao nên công ty đã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân chăm sóc theo quy trình chất lượng đồng thời xây dựng mã số vùng trồng để hướng đến xuất khẩu, khi đó giá sẽ tốt hơn”, ông Quân chia sẻ.

Gia Lai đột phá về xây dựng mã số vùng trồng

Với hơn 400ha chuối tại huyện Đăk Đoa, Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn đã xây dựng được 7 mã số vùng trồng và 3 cơ sở đóng gói để phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Ông Lê Hoàng Linh, Giám đốc trang trại chuối của công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao hưng Sơn cho biết, để nâng cao chất lượng sản phẩm hướng tới thị trường xuất khẩu, thời gian qua công ty đã đẩy mạnh việc xây dựng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Nhờ đó, nhiều đối tác khác hàng ở các nước nhập khẩu biết đến và đặt hàng.

Ngành hàng chuối đang có 26 mã vùng trồng với trên 3.000ha. Ảnh: Tuấn Anh.

Ngành hàng chuối đang có 26 mã vùng trồng với trên 3.000ha. Ảnh: Tuấn Anh.

“Hiện toàn bộ diện tích chuối đang trong giai đoạn thu hoạch với sản lượng từ 22.000 tấn đến 25.000 tấn/năm, với doanh thu đạt từ 12-15 triệu USD/năm. Trong đó, công ty xuất khẩu trực tiếp vào thị trường lớn như Trung Quốc với thị phần xuất khẩu chiếm 50%. Ngoài ra, công ty còn có thị phần xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Hàn Quốc Nhật Bản, Kuwait...”, ông Linh chia sẻ.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã được cấp 209 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 9.200ha và 33 cơ sở đóng gói nông sản với tổng công suất đóng gói khoảng gần 1.500 tấn quả tươi/ngày.

Nếu như từ năm 2018 đến năm 2022 toàn tỉnh Gia Lai chỉ có 95 mã số vùng trồng 22 cơ sở đóng gói thì riêng năm 2023, tỉnh Gia Lai đã có bước đột phá khi xây dựng được 114 mã số vùng trồng và 11 cơ sở đóng gói cho mặt hàng nông sản. Hiện các mặt hàng nông sản đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Úc, New Zealand, Hoa Kỳ…

Công ty Hưng Sơn đang xuất khẩu chuối sang nhiều nước trên thế giới nhờ sớm xây dựng mã số vùng trồng. Ảnh: Tuấn Anh.

Công ty Hưng Sơn đang xuất khẩu chuối sang nhiều nước trên thế giới nhờ sớm xây dựng mã số vùng trồng. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết, việc xây dựng mã số vùng trồng không chỉ giúp truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm mà còn nâng cao nhận thức của người dân để sản xuất nông sản có trách nhiệm với môi trường và xã hội. VHơn nữa, xây dựng mã số vũng trồng sẽ nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng được các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm của người dân.

“Trước mắt, các nước yêu cầu nông sản, hàng hóa của Việt Nam muốn xuất khẩu thì phải có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Trong tương lai gần, thị trường các nước châu Âu cũng sẽ yêu cầu nông sản phải có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mới cho nhập khẩu. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói là yêu cầu bắt buộc. Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung xây dựng mã số vùng trồng cho các sản phẩm mà các nước nhập khẩu yêu cầu. Xa hơn, toàn bộ nông sản của tỉnh Gia Lai phải được xây dựng mã số vùng trồng để đảm bảo chất lượng”, ông Khải thông tin. 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.