| Hotline: 0983.970.780

Người dân không mất chi phí để được cấp mã số vùng trồng

Thứ Hai 13/11/2023 , 06:45 (GMT+7)

Theo ông Trần Văn Thực, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ninh, người dân không mất chi phí để được cấp mã số vùng trồng.

Dong riềng được đánh giá là một trong những cây trồng chủ lực của huyện miền núi Bình Liêu. Ảnh: Nguyễn Thành.

Dong riềng được đánh giá là một trong những cây trồng chủ lực của huyện miền núi Bình Liêu. Ảnh: Nguyễn Thành.

Phát triển cây trồng chủ lực

Với việc triển khai các mô hình sản xuất mới, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng giảm dần các loại cây kém hiệu quả, đưa vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã gặt hái nhiều thành quả, nhất là lĩnh vực trồng trọt.

Đơn cử như tại huyện Bình Liêu, địa phương đã xây dựng quy hoạch phát triển vùng trồng tập trung cây dược liệu, dong riềng, cây sở. Toàn huyện hiện có khoảng 150ha trồng cây dong riềng, một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân.

Anh La A Nồng, Giám đốc HTX Đình Trung (xã Húc Động, huyện Bình Liêu), cho biết, HTX hiện có gần 15ha trồng dong riềng, sản lượng khoảng 400 tạ củ/ha. Mỗi năm, HTX sử dụng khoảng 600-800 tấn dong củ nguyên liệu, sản xuất từ 20-25 tấn miến dong thành phẩm, doanh thu trên 2 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 10-15% doanh thu.

Để tiếp tục nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm miến dong, HTX có kế hoạch đầu tư thêm thiết bị sấy trữ bột dong, từ đó khắc phục nhược điểm sản xuất theo mùa vụ, có thể sản xuất miến dong quanh năm.

Giám đốc HTX nông, lâm nghiệp và dịch vụ Húc Động Trần Văn Hoàng cho biết, nhiều năm qua, người dân Húc Động chủ yếu trồng giống dong trắng, củ to, sản lượng lớn để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các cơ sở tráng miến hiện đại.

"Hiện nay, trước yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi nghĩ tới cây dong đỏ này. Nó đã từng có mặt ở Húc Động, tuy năng suất không quá cao song tỷ lệ bột trên củ cao, có vị ngọt, màu đỏ, do vậy tạo được sợi miến dong tương đối khác biệt so với sản phẩm cùng loại", anh Hoàng chia sẻ.

Miến dong Bình Liêu là sản phẩm OCOP 4 sao được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Trúc Linh.

Miến dong Bình Liêu là sản phẩm OCOP 4 sao được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Trúc Linh.

Được biết vụ mùa này, HTX nông, lâm nghiệp và dịch vụ Húc Động trồng khoảng 5ha dong riềng đỏ trong tổng số trên 15ha dong nguyên liệu. Diện tích trồng dong riềng tại xã Húc Động tăng thêm hơn 10ha, nâng tổng diện tích cây dong riềng lên trên 50ha.

Từ cây dong riềng, nghề làm miến dong truyền thống đã giúp đời sống người dân Húc Động được nâng lên đáng kể. Xã Húc Động hiện là xã NTM nâng cao, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, sản xuất tương đối hoàn thiện, thu nhập của người dân đã đạt gần 80 triệu đồng/người/năm.

Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Bình Liêu, số cơ sở sản xuất miến dong là trên 20 đơn vị, trong đó, tăng mới 3 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miến dong. Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bình Liêu nhấn mạnh, miến dong Bình Liêu hiện đang là sản phẩm OCOP 4 sao của Quảng Ninh, thị trường miến dong Bình Liêu ngày càng được mở rộng ở nhiều địa phương trên cả nước.

"Để đáp ứng thị hiếu của khách hàng cũng như duy trì chất lượng, thương hiệu, thời gian tới huyện tiếp tục duy trì và mở rộng vùng nguyên liệu trồng dong riềng. Đồng thời, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; kiểm soát chặt chẽ đầu vào nhằm quản lý nhãn hiệu miến dong Bình Liêu bền vững. Đặc biệt, cây dong riềng ở Bình Liêu đã được cấp mã số vùng trồng, đây được xem là "tấm vé" thông hành để sản phẩm này ngày càng vươn xa trong thời gian tới", bà Hương cho biết.

Là một trong 12 sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh Quảng Ninh, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, miến dong Bình Liêu đã có mặt tại nhiều cửa hàng nông sản sạch, trung tâm thương mại lớn với giá 100.000 đồng/kg.

Sản phẩm miến dong Bình Liêu được đóng gói, có tem nhãn với đầy đủ thông tin về xuất xứ, thành phần dinh dưỡng, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng.

Người dân, doanh nghiệp được hướng dẫn các thủ tục cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo qui định. Ảnh: Nguyễn Thành.

Người dân, doanh nghiệp được hướng dẫn các thủ tục cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo qui định. Ảnh: Nguyễn Thành.

Mã số vùng trồng đóng vai trò quan trọng

Ngoài cây dong riềng, tỉnh Quảng Ninh đang chú trọng đến việc cấp mã số vùng trồng cho nhiều loại cây trồng chủ lực khác. Hiện nay, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khoảng 6.800ha, đã có những vùng sản xuất cây ăn quả tập trung cho hiệu quả kinh tế cao như vùng trồng vải chín sớm tại Phương Nam (TP Uông Bí), na dai tại Việt Dân, An Sinh (TX Đông Triều), ổi tại xã Dân Chủ, Sơn Dương (TP Hạ Long).

Hiện vùng trồng ổi tại xã Sơn Dương (TP Hạ Long) đã được cấp mã số vùng trồng cho 10ha. Việc cấp mã số vùng trồng là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản và là điều kiện bắt buộc để nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Vy Văn Tuyên (xã Sơn Dương, TP Hạ Long) bày tỏ: "Hiện nay, người dân trồng ổi tại TP Hạ Long đã dần chuyển từ phương thức truyền thống sang trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là hướng đi mới trong việc phát triển và nâng tầm sản phẩm ổi Hoành Bồ. Chúng tôi rất vui mừng khi vùng trồng ổi ở Sơn Dương được cấp mã số, qua đó, khẳng định thương hiệu, tạo sự tin tưởng với người tiêu dùng".

Ổi Hoành Bồ (xã Sơn Dương, TP Hạ Long) được cấp mã số vùng trồng vào năm 2022. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ổi Hoành Bồ (xã Sơn Dương, TP Hạ Long) được cấp mã số vùng trồng vào năm 2022. Ảnh: Nguyễn Thành.

Khẳng định về tầm quan trọng của việc cấp mã số vùng trồng, ông Trần Văn Thực, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh), cho biết, cấp mã số vùng trồng là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản và là điều kiện bắt buộc để nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Đáng chú ý, để được cấp mã số, người dân không phải mất bất cứ một khoản chi phí nào mà chỉ cần đáp ứng đủ các tiêu chí về diện tích, an toàn thực phẩm, kiểm soát sinh vật gây hại.

Do đó, các địa phương cần phải quan tâm, tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy định. Các vùng trồng đã có đầy đủ chứng nhận, song làm thế nào để có thể tiêu thụ thuận lợi, sản phẩm có thể xuất khẩu được thì cơ quan quản lý ở địa phương đóng vai trò quyết định.

Thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Công ty cổ phần OTAS GLOBAL triển khai mô hình chuẩn hóa dữ liệu mã số vùng trồng quế, hồi, ổi theo hệ thống, tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh đã cấp được 47 mã số vùng trồng. Trong đó, có 46 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, 1 mã số vùng trồng phục vụ nội tiêu và 9 mã số cơ sở đóng gói. Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đối với 4 tổ chức, cá nhân thuộc TP Hạ Long trong việc cấp mã số vùng trồng nho Hạ đen ở xã Tân Dân, ổi Đài Loan ở xã Quảng La, bí xanh ở xã Hòa Bình, bí đỏ ở xã Vũ Oai.

Kế hoạch đến năm 2025, ngành trồng trọt của tỉnh Quảng Ninh sẽ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền. Bên cạnh đó, hình thành các vùng sản xuất cây trồng tập trung, ổn định, quy mô lớn; duy trì và phát triển đến năm 2025 có trên 45.000ha diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt; mở rộng diện tích rau màu lên 11.500ha; tăng diện tích cây ăn quả lên trên 8.000ha.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.