Đồng Tháp là một trong những tỉnh có diện tích trồng xoài lớn nhất ĐBSCL, chủ yếu trồng các giống xoài chủ lực thơm ngon, có chất lượng như: xoài Cát Chu Cao Lãnh, xoài Cao Lãnh và xoài Cát Hòa Lộc. Diện tích trồng xoài tập trung chủ yếu ở TP Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh, Lấp Vò và Thanh Bình.
Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Diện tích trồng xoài của Đồng Tháp khoảng 14.000 ha, sản lượng hàng năm gần 120.000 tấn. Trong đó diện tích xoài sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP là hơn 353 ha, GlobalGAP là 55 ha. Xoài được sản xuất rải vụ quanh năm và được bao trái để đảm bảo an toàn và mẫu mã đẹp.
Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 295 vùng trồng xoài được cấp mã số tương ứng 8.300ha, tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh. Trung Quốc là thị trường lớn đã được cấp 252 mã số với trên 7.000 ha. Ngoài ra, xoài Đồng Tháp còn được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang các nước khác đã góp phần đẩy mạnh việc hình thành và mở rộng vùng chuyên canh xoài của tỉnh này.
Hiện nay Đồng Tháp có 5 doanh nghiệp đăng ký cấp mã số cơ sở đóng gói xoài, 1 mã số đang hoạt động và 4 đang chờ phê duyệt. Việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc sản xuất theo hướng hữu cơ được khuyến khích. Trên địa bàn tỉnh hiện có 486ha đạt chứng nhận VietGAP (33 cơ sở) và 2 ha đạt chứng nhận hữu cơ (Công ty TNHH Chú Chín).
Theo ông Điền, ngoài điều kiện có mã số vùng trồng và nhà đóng gói thì chúng ta còn phải tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc BVTV. Vì vậy mỗi nhà vườn, HTX, Tổ hợp tác, Hội quán và doanh nghiệp liên kết chặt chẽ trong chuỗi ngành hàng là hướng đi bền vững.
Trong năm 2023, Văn phòng SPS Việt Nam và Sở NN-PTNT Đồng Tháp đã tổ chức Hội nghị “Xuất khẩu nông sản, thực phẩm Việt thích ứng với bối cảnh tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt về phòng chống Sar-CoV2, thực thi Lệnh 248 và 249 của Trung Quốc”.
Đây là chương trình chia sẻ thông tin thị trường, tăng cường phối hợp cùng địa phương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, HTX, nông dân và Hội quán có tầm nhìn tích cực về sản xuất nông nghiệp, thay đổi tư duy sản xuất phù hợp với những yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường, hướng tới một nền nông nghiệp an toàn và bền vững.
Sở hữu vườn xoài rộng 2ha đang làm bông chuẩn bị cho trái, ông Trần Minh Lộc, người có nhiều kinh nghiệm trồng xoài ở xã Tịnh Thới, huyện TP Cao Lãnh, cho biết: Vùng đất Tịnh Thới nằm sát sông Tiền nên được phù sa bồi đắp quanh năm. Vì vậy, người dân nơi đây có trên 90% trồng xoài theo hình thức rải vụ quanh năm và bao trái 100% để tránh sâu bệnh tấn công. Trồng xoài theo hình thức mới này trái bóng đẹp, được khách hàng ưa chuộng và còn giúp giảm từ 5-7 lần phun thuốc BVTV. Theo tính toán trồng xoài theo hình thức này giảm khoảng 50% chi phí đầu tư so với trồng truyền thống.
“Trồng xoài thông thường không bao trái mỗi vụ phải tốn từ 10-12 lần phun thuốc BVTV mà sản lượng chỉ đạt từ 13 - 15 tấn/ha. Bây giờ trồng xoài bao trái chỉ cần phun từ 3-4 lần thuốc BVTV nhưng sản lượng trái đạt đến 18-20 tấn/ha. Một lợi ích nữa là khi áp dụng kỹ thuật bao trái không bị côn trùng gây hại nên trái xoài rất đẹp bán được giá hơn”, ông Lộc nói.
Ông Lộc cho hay vườn xoài của gia đình được ngành nông nghiệp tỉnh cấp mã số vùng trồng cách đây 4-5 năm. Vườn xoài này là địa chỉ có mã số vùng trồng đầu tiên được tỉnh chọn để xuất khẩu.
Theo tính toán của những nhà vườn Đồng Tháp, trồng xoài thu lợi nhuận gấp 5-6 lần trồng lúa. Trung bình 1 cây xoài thu hoạch khoảng 100 - 200kg, sau khi trừ hết các chi phí lãi từ 250 - 300 triệu đồng/ha/vụ.