Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu chỉ đạo |
Ông Lê Văn Hiến, Giám đốc Ban quản lý dự án QSEAP cho biết, chương trình bắt đầu được triển khai từ năm 2010 với nguồn vốn lên đến 110,34 triệu USD trong đó vốn vay ngân hàng phát triển châu Á (ADB) là 92,7 triệu USD thực hiện trong 6 năm. Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng cùng 13 tỉnh, thành phố khác tham gia dự án với mục tiêu tăng trưởng bền vững ngành sản xuất rau, quả và chè trong khu vực nông nghiệp, tăng thu nhập và việc làm cho người nông dân, nâng cao sức khỏe và năng suất lao động, giảm thiểu ngộ độc và phất triển ngành khí sinh học phục vụ người dân.
Theo ông Hiến, dự án kết thúc và đạt được nhiều thành tựu trong việc xây dựng chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể, gần 1.000 lượt nông dân ở các địa phương tham gia dự án đã được tham gia 30 lớp tập huấn, đào tạo về an toàn thực phẩm. Các tỉnh tham gia dự án đã hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất rau, chè và cây ăn quả với diện tích 182.187ha. Ngoài ra, dự án đã nâng cấp 171km đường giao thông, 87km kênh mương, 37km đường dây điện các loại.
Đặc biệt, dự án đã cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho 27.477 hộ sản xuất và 10.324ha rau, chè và cây ăn quả các loại. 16 tỉnh tham gia cũng xây dựng 30.078 hầm biogas và 58.000 lượt người được tham gia tập huấn vận hành công trình khí sinh học và sử dụng chất thải sinh học an toàn.
Ông Hoàng Văn Dũng, PGĐ Sở NN-PTNT Thái Nguyên, nhận định dự án QSEAP đã rất thành công với địa phương và góp phần thúc đẩy ngành chè của Thái Nguyên phát triển. Dự án đã cung cấp cho Thái Nguyên nhiều giống chè mới có chất lượng cao để thay thế các giống chè cũ, năng suất thấp.
“Thái Nguyên đã tăng hơn 10.000ha chè so với trước khi tham gia dự án. Hàng loạt tuyến đường bê tông cũng được dự án xây dựng trong các đồi chè giúp nông dân dễ dàng vận chuyển sản phẩm. Ngoài ra, nhiều thiết bị chế biến chè hiện đại được lắp đặt giúp chất lượng chè nâng cao và đảm bảo an toàn vệ sinh”, ông Dũng đánh giá.
Bà Phan Thị Thu Sương, PGĐ Sở NN-PTNT Bến Tre, cho rằng dự án QSEAP đã đáp ứng xu hướng phát triển của ngành hàng cây ăn quả trong thời gian vừa qua. Dự án đã để lại hiệu quả rất lớn cho việc phát triển cây ăn quả của tỉnh, giúp tỉnh quy hoạch vùng rau quả, nông sản với 12.000ha trong tổng số 29.000ha. Sau quy hoạch, diện tích các vùng cây ăn quả có sự chia cách giữa sông nước chứ không còn tập trung nên hình thành vùng chuyên canh.
“Trước đây chúng tôi vận động bà con tham gia các dự án rất khó khăn vì họ không tin tưởng. Tuy nhiên, sau khi dự án triển khai, bà con tự chủ động tham gia và thấy rất cần thiết”, bà Sương đánh giá.
Vùng chè an toàn của dự án QSEAP ở Thái Nguyên |
Tuy nhiên, ông Hiến cũng thừa nhận dự án còn tồn tại một số hạn chế như quy mô còn nhỏ, chưa tác động đáng kể vào chuỗi các giá trị chính của SXNN. Việc phê duyệt dự án và cung cấp vốn đối ứng ở các tỉnh còn chậm, gây mất thời gian. Ngoài ra, nhiều cán bộ có kinh nghiệm làm việc cho dự án liên tục thay đổi khiến việc quản lý gặp khó khăn.
Phát biểu chỉ đạo, tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá đây là dự án QSEAP thành công khi tạo được nhận thức mới cho người sản xuất về chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp. Người nông dân cũng chính là đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ dự án.
Đặc biệt, Thứ trưởng Doanh cho rằng điểm ấn tượng nhất là khi dự án đã kết thúc nhưng những kết quả đạt được của dự án vẫn tiếp tục triển khai như duy trì sử dụng thiết bị, hạ tầng đã đầu tư. Ở một số địa phương, người dân chủ động tiếp tục phát triển, mở rộng dự án. Nhận thức của người dân được nâng cao trong vấn đề xây dựng chất chượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Ban quản lý QSEAP mở rộng dự án, đồng thời các địa phương chủ động dựa trên nền tảng kết quả dự án để triển khai thêm cho người dân.
“Thành công của dự án thể hiện ở việc người dân tham gia bày tỏ sự tin tưởng và ủng hộ đối với các hoạt động của dự án. Các hộ dân tham gia vào các hoạt động của dự án đã có thêm nhiều kinh nghiệm SX, thu nhập và ý thức trong SX có tính cạnh tranh hơn”, ông Hiến nói. |