Ngày 31/10 tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Khánh Hòa, Bộ NN-PTNT, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức “Hội nghị tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam năm 2024” dành cho 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Dự hội nghị có ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao; ông Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng gần 300 đại biểu đại diện thường trực các tỉnh ủy, thành ủy; ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy; cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ban, sở, ngành, lực lượng vũ trang của 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Hội nghị là dịp để các báo cáo viên, đại biểu gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ những cách làm tốt, kinh nghiệm hay trong công tác tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa cho biết, những năm qua, công tác tuyên truyền về biển, đảo được các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, được triển khai đồng bộ với nội dung và hình thức phong phú, đa dạng. Qua đó không ngừng củng cố, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
“Hội nghị sẽ là dịp để 28 tỉnh, thành phố ven biển, trong đó có Khánh Hòa liên tục cập nhật, tiếp thu những thông tin, định hướng quan trọng về tình hình Biển Đông cũng như những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các vấn đề liên quan đến biển, đảo Việt Nam”, ông Nguyễn Khắc Toàn cho hay.
Tại hội nghị, ông Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, biển, đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng, phần máu thịt không thể tách rời và có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, mang giá trị chiến lược to lớn về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng và an ninh. Công tác tuyên truyền về biển, đảo là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, vị trí của biển, đảo là hết sức cần thiết.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền về biển, đảo đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức và tình yêu biển, đảo của nhân dân, động viên các lực lượng đang thực thi quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ông Vũ Thanh Mai nhấn mạnh, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp; xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển đứng trước nhiều thách thức. Trong nước, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội ổn định; công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh; uy tín, vị thế của đất nước không ngừng nâng lên.
Do đó, ông Vũ Thanh Mai đề nghị các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết của Quốc hội về “Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; các văn bản chỉ đạo và quy định liên quan của Đảng và Nhà nước...; nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Về công tác chống khai thác IUU thời gian qua, ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) cho biết, qua rà soát thống kê đến nay tổng số đội tàu cá cả nước là 84.752 chiếc; trong đó tàu đã được đăng ký là 77.717 chiếc.
Số lượng tàu cá từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đạt 98,6% (28.312/28.709 tàu cá), đánh dấu tàu cá đạt 98%.
Đối với các tàu cá không đủ điều kiện hoạt động, tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU đã được các địa phương lập danh sách, theo dõi, quản lý. Công tác theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, ra vào cảng, xuất nhập bến tại một số địa phương đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định.
Bộ NN-PTNT đã thiết lập, tổ chức triển khai thực hiện, yêu cầu các địa phương báo cáo, cập nhật sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng hàng ngày tại cảng cá trên công cụ Googlesheet để cơ theo dõi, giám sát.Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT) đảm bảo tính minh bạch, hợp pháp trong xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác xuất khẩu.
Đến nay đã có 80 cảng cá, điểm lên cá tổ chức thực hiện; một số cảng thực hiện tốt như Cảng cá Tắc Cậu (Kiên Giang), Cảng cá Tam Quan (Bình Định), Cảng cá Sông Đốc (Cà Mau).