| Hotline: 0983.970.780

Nâng cấp trọng điểm đê điều xung yếu trên cả nước

Thứ Sáu 17/06/2022 , 15:23 (GMT+7)

Hệ thống đê điều nước ta có quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, còn nhiều trọng điểm xung yếu cần nâng cấp, sửa chữa.

242 trọng điểm đê điều xung yếu cần nâng cấp, sửa chữa

Hệ thống đê điều nước ta có quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai lụt, bão và là lá chắn bảo vệ đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.

Với tổng số 9.469km đê, trong đó, đê sông: 6.725km, đê cửa sông: 1.181km, đê biển: 1.292km. Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có 2.741km đê được phân cấp từ cấp III đến cấp đặc biệt với 1.061km kè bảo vệ đê và 1.576 cống qua đê. Ngoài ra, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống đê bao, bờ bao rất lớn với chiều dài trên 31.000km.

Hệ thống đê trải dài theo tuyến sông, được hình thành chủ yếu bằng đất đắp thủ công qua nhiều thế hệ nên thân, nền đê còn nhiều ẩn họa, nhiều vị trí đê chưa đảm bảo mặt cắt thiết kế, đê sát sông chịu tác động lớn của dòng chảy, sóng khi lũ cao.

Các hồ chứa có nhiệm vụ cắt lũ ở thượng nguồn, giúp đảm bảo an toàn đề điều. Ảnh: Nguyễn Thành.

Các hồ chứa có nhiệm vụ cắt lũ ở thượng nguồn, giúp đảm bảo an toàn đề điều. Ảnh: Nguyễn Thành.

Do thường xuyên chịu tác động của các yếu tố tự nhiên, cũng như các hoạt động của con người, nên hệ thống đê nhiều nơi bị xuống cấp, dễ phát sinh sự cố gây mất an toàn đê, vỡ đê, nhất là khi có lũ lớn kéo dài, hay khi có bão mạnh kết hợp triều cao.

Kết quả đánh giá hiện trạng công trình đê điều hiện nay cho thấy, hệ thống đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn trên 296km đê thiếu cao trình thiết kế (chủ yếu ở hạ lưu hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã); 428km đê mặt cắt còn nhỏ; trên 174km đê thường xảy ra đùn sủi, thẩm lậu khi có lũ; 352 cống cũ, hư hỏng; 241km kè hư hỏng, xuống cấp và 242 trọng điểm đê điều xung yếu cần đặc biệt chú ý trong mùa lũ, bão.

Nhiều năm trước, các trận mưa cực đoan như mưa lớn kéo dài năm 2008 gây lụt tại thủ đô Hà Nội, mưa lũ lịch sử năm 2015 tại khu vực Đông Bắc, năm 2017 tại miền Trung, hay mới đây là trận mưa với cường độ lớn trong tháng 5 ở Hà Nội đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

Nhiều công trình đập nước có dấu hiệu xói lở, cần nâng cấp, sửa chữa. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nhiều công trình đập nước có dấu hiệu xói lở, cần nâng cấp, sửa chữa. Ảnh: Nguyễn Thành.

Có thể nói, thiên tai, bão lũ ngày càng khó lường, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Từ đó, yêu cầu về đảm bảo an toàn của người dân, cộng đồng ngày càng cao. Khi các hồ chứa có nhiệm vụ cắt lũ ở thượng nguồn đã sử dụng hết dung tích phòng lũ cho hạ du, thì khả năng xảy ra lũ lớn, lũ vượt tần suất thiết kế trên hệ thống sông là rất cao, uy hiếp an toàn đê điều. Chính vì vậy, cần có các giải pháp và hành động cụ thể để tránh tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng" trong công tác phòng chống thiên tai.

Chủ động ứng phó trước thời tiết cực đoan

Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) vừa tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2022.

Hội nghị do Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài chủ trì, với sự tham dự của hơn 500 đại biểu bao gồm đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, cùng các chủ tịch UBND cấp huyện và lãnh đạo Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế của 156 huyện có đê.

Ông Trần Quang Hoài (Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Trần Quang Hoài (Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích tăng cường tính chủ động, trách nhiệt trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và hộ đê phòng lụt cho các Chủ tịch UBND cấp huyện và đơn vị tham mưu cấp huyện (Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế) thuộc 21 tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quang Hoài cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, thiên tai tại nước ta diễn biến bất thường, có thể kể đến đợt mưa lớn trái quy luật từ ngày 30/3 đến 2/4 tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, hay đợt mưa từ ngày 21/5 ngày 24/5 ở Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ với lượng mưa phổ biến từ 200-400m, lớn nhất đến 797mm/3 ngày, có nơi tập trung đến 464mm/ngày, đã gây ngập lụt ở nhiều khu vực như Hà Nội, Vinh Phúc, Bắc Ninh, lũ trên một số tuyến sông có đê như sông Cầu, Ca Là, Phó Đáy, sông Tích đã vượt mức báo động 2...

"Dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn TW đã nhận định, lượng mưa từ tháng 7-9 năm nay sẽ tăng khoảng 30% so với mọi năm, gây áp lực lũ và ảnh hưởng tới an toàn đê điều. Đặc biệt, ngày 12/6 vừa qua, hồ thủy điện Hòa Bình phải mở 2 cửa xả đáy. Đây là những biểu hiện cho thấy tình hình mưa lũ năm 2022 sẽ rất phức tạp, khó lường", ông Hoài nhấn mạnh.

Cũng theo Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, hệ thống đê điều của nước ta được dựng xây bền bỉ qua nhiều thế hệ, là công trình đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn lũ, chống bão, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản và phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Tuy nhiên, trên 2.741km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt hiện còn 242 trọng điểm xung yếu và hơn 7.600 vụ vi phạm pháp luật về đê điều chưa được xử lý. Theo ông Hoài, Chủ tịch UBND cấp huyện là người trực tiếp chỉ huy phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý những vi phạm pháp luật về đê điều diễn ra, do đó, cần chủ động tổ chức tuần tra canh gác, phát hiện và xử lý kịp thời những sự cố đe dọa an toàn chống lũ của đê.

Bên cạnh đó, việc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu”, công tác tuần tra canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ, đánh giá hiện trạng đê điều, sẵn sàng hộ đê theo phương châm “4 tại chỗ”, công tác quản lý bãi sông, quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông và bến, bãi... cũng được các địa phương đặc biệt quan tâm.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý đê, hộ đê là yêu cầu thiết yếu và đang được chú trọng phát triển. Cụ thể, phần mềm quản lý mực nước giúp thường xuyên cập nhật mực nước các trạm trên hệ thống sông có đê theo thời gian thực; cảnh báo theo cấp báo động và xu thế mực nước trong thời gian tiếp theo. 

Bên cạnh đó, hệ thống camera giám sát đê điều và tình hình lũ trên các sông hiện đã được lắp đặt tại một số khu vực trọng điểm. Thông tin hình ảnh được cập nhật thường xuyên và liên tục về Tổng cục Phòng chống thiên tai và Chi cục Đê điều, thủy lợi. 

Hiện Tổng cục Phòng chống thiên tai đã sử dụng một số loại vật tư, vật liệu mới như bao cát với thể tích lớn; đê chống tràn di động trong công tác xử lý sự cố, hộ đê, qua thử nghiệm đã có kết quả tốt và trang bị cho các Chi cục Quản lý đê điều, thủy lợi.

Ngoài ra, một số nơi đã ứng dụng flycam trong giám sát đê điều, bãi sông và diễn biến bờ bãi cũng như giám sát các tình huống thiên tai.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Khánh Hòa dự báo mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Theo dự báo, từ đêm 23 - 25/12, tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất…

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.