Những ngày giáp Tết Nguyên đán, làng Tân An nhộn nhịp, hối hả. Mỗi ngõ thôn đều dựng phơi những mên tre bánh tráng, bánh đa… chuẩn bị cho cái Tết đang cận kề.
Làng bánh tráng Tân An hối hả vào vụ Tết
Những ngày giáp tết Nguyên đán, làng Tân An nhộn nhịp, hối hả. Mỗi ngõ thôn đều dựng phơi những mên tre bánh tráng, bánh đa… chuẩn bị cho cái Tết đang cận kề.
Những ngày này, người dân làng bánh tráng Tân An (xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), đang hối hả làm bánh tráng, bánh đa để phục vụ nhu cầu tăng thêm của khách hàng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang cận kề.
Tân An là làng nghề truyền thống có hơn 100 năm nay làm nghề sản xuất bánh tráng, bánh đa nằm bên dòng sông Gianh. Cho đến thời điểm này, dù làm bánh bằng máy hay thủ công, việc tráng bánh của các hộ dân cũng bắt đầu từ 2 - 3 giờ sáng và sẽ kết thúc muộn hơn so với ngày thường. Sản phẩm được các hộ dân đem phơi khắp vườn, đường làng, ngõ xóm, mái nhà cho bánh kịp khô để sản xuất chuyển sang các công đoạn cắt khuôn, gói bảo quản bánh và kịp nhập cho thương lái trong ngày.
Gia đình bà Lê Thị Tâm có truyền thống làm nghề từ đời ông bà để lại. Hiện gia đình có 6 nhân lực cùng làm nghề bánh này. Trung bình mỗi ngày, gia đình bà tiêu thụ khoảng 300 kg gạo để chế biến bánh tráng, bánh đạt chất lượng để bán cho các đại lý.
Phỏng vấn bà Lê Thị Tâm, thôn 1, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình
Hiện, làng bánh tráng Tân An có hơn 300 hộ sản xuất các loại bánh tráng, bánh đa nem từ gạo, bột ngô. Tùy theo nhu cầu của các đại lý mà bà con làm theo màu sắc. nếu để bánh có màu trắng thì chỉ sử dụng bột gạo hoặc để bánh có màu vàng bắt mắt thì trộn thêm bột ngô theo tỷ lệ.
Trung bình mỗi năm, làng nghề tiêu thụ trên 300 tấn gạo nguyên liệu. Theo nhiều bà con, những tháng giáp Tết, thu nhập của người làm bánh bình quân từ 300 - 500 ngàn đồng.
Phỏng vấn anh Nguyễn Sỹ Hiệp xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình
Những năm gần đây, nhiều hộ làm bánh tráng đã đã phát triển thêm nhiều sản phẩm mới như bánh tráng mè (hay còn gọi là bánh tráng vừng), bánh đa nem, bánh đa cuốn… để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chính quyền địa phương đã thành lập Hợp tác xã sản xuất bánh tráng Tân An để tạo điều kiện hỗ trợ cho làng nghề phát triển
Phòng vấn ông Nguyễn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình
Để phục vụ hàng hóa dịp tết, nhiều hộ dân làm bánh tráng đã nắm bắt được thị trường để thay đổi mẫu mã bánh đa các loại, áp dụng công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tính thẩm mỹ của sản phẩm để giới thiệu ra thị trường khi Tết đến Xuân về…