Du khách hòa mình trong dòng thổ cẩm từ các ngả đường dồn về sân hội, cả Tà Mung trong nắng xuân như một bức tranh đầy màu sắc.
Tà Mung (trong tiếng Mông gọi là Tủa Mung, tức bãi đất rộng) là xã vùng cao ở phía nam huyện Than Uyên (Lai Châu). Nơi đây có 2 dân tộc anh em cùng sinh sống với dân số gần 4.700 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần như tuyệt đối.
Duy trì, bảo tồn bản sắc văn hóa người Mông
Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, UBND huyện Than Uyên đã tổ chức phục dựng lễ hội Gầu Tào. Năm nay - xuân 2024, xã Tà Mung tổ chức lễ hội Gầu Tào tại bản Nậm Pắt, trên nương tam giác mạch và khu vực sân chợ phiên.
Ngày mùng 08 tháng Giêng (tức ngày 17/2), UBND xã Tà Mung phối hợp với Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thông; Phòng Văn hóa và Thông tin; Ban Vận động Bảo tồn văn hóa dân tộc Mông huyện Than Uyên và các xã có đồng bào dân tộc Mông trong huyện đã long trọng tổ chức lễ hội Gầu Tào với sự tham gia của đông đảo bà con và du khách.
"Gầu Tào" trong tiếng Mông gọi là "hội chơi đồi hay hội chơi núi mùa xuân". Lễ hội dân gian này là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng mà bên cạnh phần lễ, phần hội bộc lộ rõ bản sắc văn hóa dân tộc Mông qua các sinh hoạt cộng đồng.
Người Mông vốn có truyền thống văn hóa phong phú, với những phong tục, tập quán, tín ngưỡng mang đậm bản sắc dân tộc, trong đó lễ hội Gầu Tào là lễ hội lớn nhất, tiêu biểu nhất từ lâu đời, hàng năm được tổ chức vào đầu mùa xuân.
Theo truyền thuyết dân gian, trước đây những cặp vợ chồng người Mông nào kết hôn nhiều năm chưa sinh được con cái hoặc con bị ốm đau thì gia đình sẽ chọn một quả đồi nào đó cầu xin thần đồi, thần núi phù hộ cho gia đình, mời đại diện các hộ gia đình trong bản và những người có uy tín trong dòng họ cùng chứng kiến, nguồn gốc lễ hội Gầu Tào của người Mông bắt đầu từ đó.
Ngày nay, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và cộng đồng, lễ hội được nhân rộng, trở thành lễ hội của cộng đồng làng bản. Bởi vậy, ngoài việc cầu con, lễ hội còn là dịp cầu tạ trời đất, thần linh phù hộ, cầu phúc, cầu lộc cho người dân một năm mới mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh, nhà nhà có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ở Tà Mung, bà con dân tộc Thái, dân tộc Mông cùng chung sống từ lâu đời, đoàn kết xây dựng bản làng, xây dựng cuộc sống ấm no. Các giá trị văn hóa từ lâu đời đã thấm sâu vào đời sống lao động sản xuất và sinh hoạt của bà con nơi đây.
Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, sự phát triển của khoa học công nghệ và làn sóng văn hóa hiện đại có khi mang theo cả ảnh hưởng tiêu cực đã lan tràn đến nhiều vùng quê trên khắp đất nước ta, trong đó có vùng cao Tà Mung.
Nhiều phong tục tập quán văn hoá quen thuộc đã thành nếp sống của cha ông trước đây đến nay có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí mất hẳn nên việc tổ chức lễ hội Gầu Tào có ý nghĩa rất lớn nhằm duy trì và bảo tồn bản sắc văn hóa của bà con người Mông.
Năm nay, xuân 2024, lễ hội Gầu Tào được tổ chức với với sự tham gia của 5 đoàn/500 vận động viên, diễn viên đến từ 5 bản đồng bào dân tộc Mông sinh sống trong xã, cùng với sự tham gia cổ vũ của đông đảo bà con nhân dân các dân tộc cùng du khách trong và ngoài tỉnh Lai Châu.
Lễ hội gồm phần lễ và phần hội với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ quần chúng có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Lễ hội Gầu Tào xuân 2024 còn là dịp để nhân dân các dân tộc cùng hội tụ, giao lưu văn hóa, tình cảm, tăng thêm sự hiểu biết, tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian được duy trì và phát triển, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thông qua các hoạt động lễ hội, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, bảo vệ các giá trị di sản văn hóa dân tộc cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ và ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy, khai thác các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của địa phương.
Xây dựng lễ hội thành sản phẩm du lịch đặc sắc
Trước khi mở lễ, từ chiều ngày mùng 7 Tết, người chủ sự đã làm lý xin 2 cây tre về dựng ở bãi hội làm cây nêu. Trên hai cây nêu có treo bầu rượu, ngũ cốc, khèn, ô đen, tù lu, dưới chân cây nêu có các ống tre đựng rượu và ống cơm nếp. Trên ngọn nêu treo mảnh vải lanh màu đen, màu đỏ như cờ hội mời gọi mọi người về dự lễ hội.
Sau phần phát biểu khai mạc là phần nghi lễ khai hội, người chủ lễ là ông Giàng A Giang cúng xin thần đất, thần rừng cho mở hội, cúng xong đoàn nghi lễ cầm ô và khèn đi quanh cây nêu hát bài hát Lý mở hội. Lời bài ca có đoạn:
Hôm nay chúng tôi dựng nêu giữa đồi cho gái trai về hội
Hãy vươn cao giữa đồi gọi mọi người về chơi, nêu ơi!
Vải lanh tung bay gọi người Mông mình về đây nhé!
Về đây ta cùng thổi bài khèn cái lý người Mông…
Xong phần lễ, chủ lễ mời tất cả mọi người tham gia các trò chơi. Các tiết mục thổi khèn, hát giao duyên diễn ra ngay tại trung tâm sân hội, đội khèn biểu diễn nhiều điệu múa khác nhau, phía sau sân hội là các nhóm đánh tù lu, phía trước là ném pao, hát ống, hát “gầu plềnh”, chơi trò chơi bịt mắt bắt dê… thu hút rất đông bà con và du khách tham gia.
Các nhóm thổi kèn môi, kéo nhị, hát ống được nhiều du khách quan tâm trải nghiệm, họ đến nghe thử xem “sợi lanh có truyền âm thanh không”. Các em A Lềnh, A Trung là sinh viên các trường chuyên nghiệp về nghỉ Tết, các em và bạn bè từ xã Phúc Than đến chơi hội đều thấy thú vị các trò chơi dân gian mà bình thường các em không thấy. Bên cạnh các trò chơi như bịt mắt bắt dê thì phần thi giã bánh dày được nhiều du khách thích thú, mọi người quây vào xem rất đông.
Trời Tà Mung trong xanh những ngày tháng Giêng, đến đây, du khách hòa mình trong vẻ đẹp hùng vĩ của cảnh quan rừng núi dãy Hoàng Liên Sơn, tham dự chợ phiên, ngắm nhìn hàng hoa đào ven chợ đang khoe sắc, cùng mua sắm sản vật địa phương, cùng dòng người khắp nơi náo nức đổ về tham dự lễ hội Gầu Tào.
Trên bãi hội, tiếng hát ống, tiếng khèn, những câu dân ca giao duyên "gầu plềnh" vang ngân… Những quả pao bay dập dìu theo đôi tay của thanh niên nam nữ đang gặp gỡ trò chuyện khắp triền đồi. Người dân tham gia chơi các trò chơi từ sáng đến chiều, khi cây nêu hạ xuống mới giã hội. Phía xa kia, những cây hoa gạo trên lưng đồi đang đỏ rực mùa hoa mới, gọi mùa xuân về xao xuyến với nắng gió Tà Mung.
Đẩy mạnh bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ huyện Than Uyên, trong đó việc duy trì tổ chức lễ hội Gầu Tào ở xã Tà Mung hàng năm là nhiệm vụ nhằm tạo tiềm năng để lễ hội Gầu Tào trở thành tài nguyên du lịch, vừa bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế, hướng tới xây dựng lễ hội này thành sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương.