Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao đơn vị này không thông báo cho tỉnh Hưng Yên trước khi thi công, một lãnh đạo doanh nghiệp cho biết “không phải cái gì mình cũng phải trình báo”.
Sáng 28/10/2015, Chi cục Quản lý Đê điều và PCLB, hạt Quản lý đê Tiên Lữ phát hiện Công ty CP Quản lý đường sông số 2 (địa chỉ tại đường Tây Thành, phường Quang Trung, TP Hưng Yên) đưa thiết bị, máy móc (sà lan chở máy múc gắn xáng cạp) tổ chức nạo vét, di chuyển vật liệu đất đá, cát sỏi tại đoạn sông thuộc tuyến kè Mai Xá (tương ứng K9+300 – K1 +200 đê tả sông Luộc) trên địa phận 2 xã Cương Chính, Minh Phượng, huyện Tiên Lữ.
Đáng chú ý, công trường thi công chỉ cách bờ kè 40,3 m. Như vậy là vi phạm nghiêm trọng Khoản 3, Điều 23, Luật Đê điều (hành lang bảo vệ đối với kè bảo vệ đê, cống qua đê được giới hạn từ phần xây đúc cuối cùng của kè bảo vệ đê, cống qua đê trở ra mỗi phía 50 m) và Khoản 10, Điều 7 (nghiêm cấm các hành vi khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản khác; đào ao, giếng trong phạm vi bảo vệ đê điều và các hoạt động khác gây cản trở dòng chảy và thoát lũ).
Trước sự việc trên, tổ công tác đã lập biên bản yêu cầu đơn vị này dừng thi công và xuất trình các tài liệu có liên quan đến việc nạo vét nêu trên.
Sau khi kiểm tra hồ sơ thiết kế thi công do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GT-VT) phê duyệt, tại mục 2 (sự cần thiết đầu tư) của Báo cáo kinh tế kỹ thuật có ghi “Chướng ngại vật là các rọ đá, rồng đá của công trình kè trước đây…”.
Trước sự việc trên, Sở NN-PTNT Hưng Yên ngay lập tức có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Hưng Yên có văn bản gửi Bộ GT-VT chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam dừng ngay việc thi công nêu trên và chịu trách nhiệm nếu xảy ra sạt lở đoạn kè nói trên do việc nạo vét gây ra. |
Như vậy, cơ quan tư vấn đã xác định xúc rọ đá, rồng đá của kè Mai Xá và coi đây là... chướng ngại vật (?!).
Theo Chi cục Quản lý Đê điều và PCLB Hưng Yên, kè Mai Xá, huyện Tiên Lữ là công trình đặc biệt quan trọng, trực tiếp bảo vệ đê tả sông Luộc. Đỉnh kè là cơ đê, có chỗ đỉnh kè cách chân đê khoảng 18 m.
Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát, thiết kế, cơ quan tư vấn đã không tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý đê điều nên Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình thanh thải chướng ngại vật trên sông Luộc khu vực kè Mai Xá tại Quyết định số 674/QĐ-CĐTND ngày 30/6/2014 và cho tổ chức thi công vào chân kè, hành lang bảo vệ kè là vi phạm nghiêm trọng Điều 7 và Điều 23, Luật Đê điều.
“Trước khi thi công nạo vét lòng sông Luộc, đơn vị thi công là Công ty CP Quản lý đường sông số 2 không thông báo qua UBND tỉnh, lực lượng cảnh sát đường thủy hoặc cơ quan quản lý của tỉnh Hưng Yên” và “họ nạo vét cách phần xây đúc bê tông của công trình kè Mai Xá 40.3 m. Trong khi hành lang bảo vệ kè là từ vị trí xây đúc cuối cùng ra phía sông là 50 m trở ra mọi phía”, ông Nguyễn Xuân Hữu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB Hưng Yên cho biết.
Thực hiện đồ án thiết kế thi công nạo vét lòng sông Luộc do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phê duyệt, Công ty CP Quản lý đường sông số 2 sẽ nạo vét lòng sông luộc với chiều sâu 70 cm, chiều rộng 70m với tổng chiều dài trên 100 m.
Trong khi đó, đoạn sông Luộc chảy qua địa phận này chỉ rộng từ 1.500 đến 1.700 m.
Khi được hỏi lý do vì sao đơn vị thi công không thông báo với các cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên trước khi thi công nạo vét lòng sông Luộc, ông Vũ Công Hạnh, PGĐ Công ty CP Quản lý đường sông số 2, trả lời: “Bên ngành Giao thông thủy nội địa được phép quản lý luồng chạy tàu trên các sông. Tuyến luồng này đã có từ đời xửa đời xưa rồi. Hồi chưa có luật thì tàu đã chạy sát đê bên này (tức là phía tỉnh Hưng Yên)”.
Và “Nạo vét đảm bảo giao thông đường thủy là chuyện bình thường ấy mà. Không phải cái gì mình cũng phải trình báo”.