| Hotline: 0983.970.780

'Lão hóa' hồ đập miền Trung: Hàng trăm công trình thủy lợi 'run rẩy'

Thứ Tư 20/11/2019 , 10:10 (GMT+7)

Thanh Hóa là tỉnh có số lượng công trình thủy lợi lớn. Tuy nhiên, nhiều công trình, hồ đập đã được xây dựng cách đây 40-50 năm hiện đã xuống cấp vừa tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao vừa giảm hiệu quả tưới tiêu.

Những hồ đập rò rỉ quanh năm

Một ngày giữa tháng 11 chúng tôi có mặt tại hồ Cửa Trát, xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân. Trời mưa nhỏ nhưng lượng nước thất thoát dưới chân đập tràn khá lớn. Đi ngược đập tràn này mới thấy, nhiều điểm rò rỉ xung quanh đổ xuống hạ lưu.

10-44-14_1
Nhiều hồ đập tại Thanh Hóa đã xuống cấp cần được nâng cấp sửa chữa. Ảnh: Võ Văn Dũng.

Mương đập tràn nhiều vị trí đã bị cuốn trôi phần bê tông, nước cứ thế chảy quanh năm suốt tháng. Những con mương dẫn nước từ hồ Cửa Trát cũng bị bong tróc, sạt lở khiến việc dẫn nước xuống khu vực canh tác của người dân Xuân Phú bị hao hụt đáng kể.

Người dân ở đây cho biết, tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng hiện vẫn chưa thể khắc phục. Vì thế, việc tưới cho hàng trăm ha lúa, hoa màu của người dân 7 thôn xã Xuân Phú đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Bùi Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phú, hồ Cửa Trát được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, đến nay vẫn chưa có một lần nâng cấp, sửa chữa đáng kể nào.

Hiện nay, hồ Cửa Trát được giao cho HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Xuân Phú quản lý, điều hành. Vì nguồn vốn của đại phương có hạn nên thi thoảng có sửa chữa, chắp vá nhưng không thấm tháp vào đâu so với thực trạng xuống cấp hiện nay.

Cũng theo ông Hoàng, thân đập hồ Cửa Trát đắp bằng đất đã xuất hiện nhiều điểm rò rỉ; đường tràn, mặt đập, cầu máng xuống cấp; van cống hỏng. Trong khi nước hồ chảy quanh năm thì hàng trăm ha lúa, hoa màu của người dân Xuân Phú lại rơi vào cảnh khô khát trước khi mùa khô đến.

“Hồ cửa Trát tưới cho trên 600 ha cây trồng của 7 thôn, chiếm khoảng 60% diện tích lúa của toàn xã. Tuy nhiên, công trình xuống cấp, nước rò rỉ 4 mùa, thất thoát mất khoảng 30-40% nên lực tưới yếu.

10-44-14_2
Hệ thống mương dẫn nước bị bong tróc, sạt lở. Ảnh: Việt Khánh.

Cấy xong vụ thu mùa cũng là lúc hồ không còn nước vì thế năng suất cây trồng tưới bởi hồ Cửa Trát giảm đáng kể. Dưới hạ lưu đập Cửa Trát có khoảng 500 hộ dân, mùa mưa lũ, nếu hồ có sự cố thì tai họa khôn lường”, ông Bùi Văn Hoàng cho hay.

Ông Hoàng cho biết thêm, vừa rồi Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa có về khảo sát, tham vấn ý kiến cộng đồng để đề xuất phương án nâng cấp nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Việc nâng cấp hồ Cửa Trát là vấn đề cấp bách, người dân Xuân Phú rất mong dự án nhanh chóng thực hiện để phục vụ sản xuất, đảm bảo an toàn trong điều kiện thiên tai diễn biến phức tạp như hiện nay.

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, huyện Thọ Xuân hiện có 4 hồ đập xuống cấp, trong đó có 1 hồ lớn. Đa phần những hồ này do địa phương quản lý, khai thác, được xây dựng từ hàng chục năm nay, chủ yếu đắp thủ công bằng đất, qua hàng chục năm tồn tại hiện đã hư hỏng; mái thượng hạ lưu đập có hiện tượng sạt lở; cống lấy nước không vận hành được; rò rỉ nước... Thực trạng này vừa gây thất thoát tài nguyên nước tưới vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi mùa mưa lũ đến.

Đây là tình trạng đang diễn ra khá phổ biến tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
 

Hàng trăm công trình thủy lợi “run rẩy”

Thanh Hóa có 610 hồ chứa, trên 1 nghìn đập dâng, 885 trạm bơm và 14 cống tiêu đầu mối lớn ra sông. Theo thống kê, trước mùa mưa lũ 2019, toàn tỉnh có 131 hồ, thuộc địa bàn 16 huyện, thị xã không đảm bảo an toàn. Trong khi đó, các đập dâng trên địa bàn tỉnh hầu hết là các đập nhỏ, có chiều cao đập nhỏ hơn 5m; nhiều đập chưa được kiên cố, dễ bị hư hỏng, cuốn trôi khi có mưa, lũ.

Tại huyện Như Thanh, nơi có số lượng hồ đập, công trình thủy lợi khá lớn của tỉnh Thanh Hóa, tình trạng hồ đập xuống cấp khá phổ biến. Toàn huyện có 170 công trình thủy lợi (9 trạm bơm tưới, 83 hồ chứa, 78 đập dâng) phục vụ tưới nước cho trên 6,4 nghìn ha lúa, trên 3 nghìn ha màu và phục vụ nước sinh hoạt cho 3,5 nghìn hộ dân trong vùng.

10-44-14_3
Hồ Cửa Trát bị rò rỉ tại nhiều điểm. Ảnh: Thanh Nga.

Tuy nhiên đa số các công trình này đã được xây dựng từ những năm 1960-1980 chủ yếu bằng nguồn vốn do nhân dân đóng góp và đều có chung hiện trạng như: đập đất thấp, mặt cắt đập bé, mái thượng và hạ lưu bị sạt lở nghiêm trọng, không đủ bề rộng để thoát lũ...

Bên cạnh đó, các cống lấy nước không có cửa van vận hành, lòng hồ bị bồi lắng làm mất khả năng tích nước. Tại thời điểm xây dựng, do điều kiện khảo sát, thiết kế và thi công còn hạn chế, đầu tư xây dựng không đồng bộ nên sau nhiều năm khai thác, cùng với sự tác động của thời tiết, nhiều hạng mục công trình bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Trong những năm gần đây, bằng các nguồn vốn, huyện Như Thanh đã đầu tư, cải tạo, nâng cấp trên 20 công trình hồ chứa, 1 trạm bơm tưới. Riêng năm 2018, nhiều công trình hồ chứa nước như hồ Hố Chu, hồ Rừng Luồng, hồ Trạm Xã, hồ Tiến Tâm, hồ Eo Lim, được thi công sửa chữa, nâng cấp.

Tuy nhiên, tính đến trước mùa mưa lũ 2019, Như Thanh còn 10 công trình hồ chứa xuống cấp, mất an toàn. Trong đó, hồ Chẩm Khê, hồ Xuân Lai 1, Xuân Lai 2, hồ Năng Nháp đang là những hồ mất an toàn sau các đợt mưa lũ. Sự cố chủ yếu của các hồ đập này chủ yếu là rò rỉ, nước thấm qua thân đập; cống lấy nước bị hư hỏng; tràn xả lũ không được gia cố, không bảo đảm thoát lũ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố.

UBND huyện Như Thanh đã khẩn trương huy động, kêu gọi các nguồn kinh phí để đầu tư, xây dựng một số hạng mục công trình cho các hồ đập này nhằm tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, cũng như nước sinh hoạt cho các hộ dân trong vùng, đảm bảo an toàn công trình trong các đợt mưa lũ.

Trước thực trạng nhiều hồ đập và công trình thủy lợi xuống cấp, từ năm 2000 đến nay, Thanh Hóa đã sử dụng nguồn vốn trái phiếu, vốn sự nghiệp và lồng ghép các nguồn vốn khác để nâng cấp, sửa chữa. Tính đến tháng 7/2019, tổng số hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã được sửa chữa, nâng cấp là 259 hồ, số hồ hiện đang triển khai thi công sửa chữa, nâng cấp là 28 hồ.

10-44-14_4
Máng tràn hồ Cửa Trát bị bóc hết phần bê tông. Ảnh: Thanh Nga.

Trước đợt mưa lũ năm 2019, ngành thủy lợi Thanh Hóa đã khuyến cáo các đơn vị, các địa phương không được tích nước tại 15 hồ vì mức độ xuống cấp nghiêm trọng; 116 hồ được khuyến cáo chỉ tích nước một phần. Đa phần những hồ được khuyến cáo đều có dung tích nhỏ, chủ yếu do địa phương quản lý.

Theo ông Lê Minh Trường, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, sau mưa lũ năm 2019, Thanh Hóa sẽ tiếp tục cho rà soát thống kê lại hiện trạng các hồ đập, công trình thủy lợi trên địa bàn.

Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng có quyết định phân cấp, phân quyền quản lý các hồ đập, công trình thủy lợi. Không chỉ các hồ đập lớn mà các hồ nhỏ cũng sẽ được rà soát lại, xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du; lên các phương án di dời người, tài sản trong trường hợp xẩy ra sự cố.

Được biết, hiện nay Sở NN- PTNT Thanh Hóa đang phối hợp với các ban ngành chức năng xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021 – 2025) trình UBND tỉnh phê duyệt để sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ đập.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.