| Hotline: 0983.970.780

Trồng 1 tỷ cây xanh - Hành động cho tương lai

Nên kết hợp trồng cây trồng cho thu nhập, giá trị kinh tế

Thứ Năm 18/03/2021 , 17:26 (GMT+7)

Trồng cây xanh không chỉ với mục đích bảo vệ môi trường, mà còn có thể kết hợp trồng các cây lâm sản ngoài gỗ, cho giá trị kinh tế, thu nhập cho người dân.

Báo Nông nghiệp Việt Nam nhận được bài viết chia sẻ của anh Nguyễn Văn Diện (đang làm việc tại Trung Tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng) về ý tưởng xoay quanh chương trình trồng 1 tỉ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ.

Cây ươi, một trong những cây lâm sản ngoài gỗ cho giá trị kinh tế, vừa là cây gỗ lớn lâu năm, đảm bảo được yếu tố về môi trưởng. Ảnh: ST

Cây ươi, một trong những cây lâm sản ngoài gỗ cho giá trị kinh tế, vừa là cây gỗ lớn lâu năm, đảm bảo được yếu tố về môi trưởng. Ảnh: ST

Cây ươi hay còn gọi là cây đười ươi (an nam tử, ươi bay...) là loài cây thân gỗ lớn thường xanh cao đến 30m, đường kính 50-70cm, cây thường chiếm ở tầng cao nhất trong rừng.

Cây ươi phân bố rộng ở miền Trung, Tây Nguyên..., quả hình bầu dục, có cánh mỏng như chiếc buồm để quả có thể bay được đi xa. Quả có kích thước bằng đầu ngón tay, có màu nâu đen và da nhăn nheo. Mùa quả từ tháng 4- 6.

Ươi là cây lâm sản ngoài gỗ, quả làm một loại nước giải khát là một vị thuốc trong y học cổ truyền. Ngày nay, để thu hoạch được quả ươi, người dân phải đi hàng chục cây số vào trong rừng sâu tìm những cây ươi đang có quả, và để có được quả ươi, họ đã chặt hạ những cây ươi còn xanh tốt (vì cây ươi quá cao nên không thể trèo lên hái quả được).

Chính việc khai thác quả ươi như vậy dẫn đến cây ươi bị tận diệt, chất lượng quả ươi cũng không đảm bảo do thu hoạch cả những quả còn xanh; việc khai thác quả ươi như vậy là không bền vững và vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Đã có một người nông dân có ý tưởng táo bạo là mang cây ươi từ rừng về trồng ở vườn nhà. Một ý tưởng mà cách đây 17 năm, những người dân quanh vùng gọi là không giống ai, khác người.

Bây giờ, thành quả sau 17 năm kiên trì theo đuổi đã có kết quả, đã cho thấy rằng ý tưởng của anh là đúng. Đa số cây ươi đã cho thu hoạch quả, thu lượm quả ươi ở ngay gần nhà mà không phải vất vả đi đâu xa trong rừng.

Sau 17 năm, vườn ươi của anh Nguyễn Phương Triên đã trở thành khu rừng gỗ lớn, cho giá trị kinh tế từ thu hái quả. Ảnh: Nguyễn Văn Diện

Sau 17 năm, vườn ươi của anh Nguyễn Phương Triên đã trở thành khu rừng gỗ lớn, cho giá trị kinh tế từ thu hái quả. Ảnh: Nguyễn Văn Diện

Người nông dân đó là anh Nguyễn Phương Triên, ở thôn 2 xã Đạp Loa (huyện Đạ Huoai tỉnh Lâm Đồng). Qua trao đổi, anh cho biết đã đi đào những cây ươi con từ rừng về trồng ở vườn nhà vào năm 2004.

Ban đầu trồng dưới tán vườn điều diện tích là 1ha; sau khi cây ươi lớn và cây điều già không còn hiệu quả anh đã chặt bỏ cây điều để cây ươi phát triển.

Trước đây, anh làm nghề buôn bán, nên mới có vốn để “lấy ngắn nuôi dài” và thực hiện ý tưởng táo bạo này. Vườn ươi cho thụ hoạch quả được 9 năm, năm 2020 anh thu được khoảng 300kg bán với giá 300 ngàn đồng/kg quả khô.

Tuy số lượng chưa nhiều, nhưng đối với anh đó là thu nhập thêm cho gia đình và là một nguồn động viên rất lớn. Quả ươi của anh luôn bán được giá cao vì quả ươi chất lượng đảm bảo, sạch và hoàn toàn thu hái tự nhiên, không dùng bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào.

Trong tương lai, sản lượng quả thu được sẽ càng cao, vì cây ươi càng lớn thì cho năng suất càng cao. Do anh trồng cây dày, với khoảng cách 5m x 1,3m nên có một số cây phát triển kém do bị cạnh tranh, sắp tới anh sẽ tỉa bớt những cây bị cạnh tranh, sinh trưởng phát triển kém.

Đi dưới tán rừng ươi xanh tốt, nhìn những cây ươi thân thẳng tắp, được trồng bài bản theo hàng, cây lớn nhất có đường kính khoảng 38cm, cây cao 17m, thiết nghĩ rừng ươi này không những có giá trị về mặt kinh tế mà còn có giá trị rất lớn về mặt khoa học, giáo dục và môi trường góp phần bảo tồn nguồn gen một giống cây lâm sản ngoài gỗ.

Dưới tán rừng ươi, một số cây dược liệu mật nhân (bá bệnh), trà dây rừng. Trong thời gian tới, nhằm tận dụng tán rừng ươi sẵn có, anh có ý định là trồng thêm cây cây trà hoa vàng. Hiện nay, anh đang trồng một số cây trà hoa vàng để nhân giống.

Anh Nguyễn Phương Triên tiếp tục phát triển vườn ươi trong thời gian qua. Ảnh: Nguyễn Văn Diện

Anh Nguyễn Phương Triên tiếp tục phát triển vườn ươi trong thời gian qua. Ảnh: Nguyễn Văn Diện

Ngoài rừng cây ươi trồng trên triền đồi, ở vùng đất bằng phẳng dưới chân đồi, anh trồng khoảng 1,6 ha cây măng cụt trồng xen thêm cây sầu riêng.

Anh trồng măng cụt cách đây 18 năm, cây cho thu hoạch được 9 năm. Năm 2020 anh thu được 7,5 tấn quả măng cụt (do mất mùa, hàng năm anh thu hoạch khoảng 13 tấn quả), với giá bán trung bình khoảng 30.000đ/1kg. Sầu riêng thu được 11 tấn quả với giá bán trung bình khoảng 35.000đ/kg.

Như vậy tổng doanh thu trên diện tích 2,6 ha khoảng 690 triệu đồng, là một nguồn thu không nhỏ trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19. Đây cũng là nguồn thu chính của gia đình để giúp anh tiếp tục theo đuổi và duy trì giữ gìn rừng ươi cho mai sau.

Ngày trước, tôi có đọc bài báo viết về tấm gương “Tiến sỹ thực hành” Ngô Văn Lý ở Bố Trạch (Quảng Bình) trổng cây huỷnh. Bây giờ ở Đạ Huoai (Lâm Đồng) có anh Nguyễn Phương Triên trồng cây ươi.

Tuy 2 người ở hai vùng là hai thế hệ khác nhau, diện tích trồng rừng khác nhau nhưng họ đều là một trong những tấm gương về công tác trồng rừng, có chung một mục đích là trồng rừng cho mai sau và làm theo lời Bác Hồ dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Mới đây, Thủ Tướng Chính Phủ đề nghị chính thức chọn thông điệp cho chương trình trồng một tỷ cây xanh  là “Vì một Việt Nam xanh”.

Thiết nghĩ, để chuẩn bị tốt cho Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh thì việc xác định trồng cây gì, ai trồng, trồng như thế nào, trồng ở đâu... cũng cần được xem xét chu đáo, toàn diện để thực hiện thắng lợi chương trình do Thủ Tướng phát động.

Trong đó, chúng ta không chỉ phát triển trồng cây xanh với mục đích bảo vệ môi trường, mà còn có thể kết hợp được cả với các loài cây xanh là cây lâm sản ngoài gỗ, mang lại giá trị kinh tế, thu nhập cho người dân.

Có một bài thơ đã viết “Trong rừng sâu có trái tim Tổ Quốc. Rừng hoang tàn, Tổ quốc sẽ điêu linh” như là lời nhắc nhở chúng ta về công tác bảo vệ phát triển rừng và nhiệm vụ của chúng ta.

(Tác giả Nguyễn Văn Diện)

           

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm