Chiều 25/4 vừa qua, Bộ NN-PTNT cùng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức phiên thảo luận “Cụm công nghiệp nông nghiệp hướng tới chuyển đổi hệ thống lương thực bền vững của Việt Nam”. Đây là sự kiện bên lề Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 về Hệ thống lương thực – thực phẩm bền vững, với sự tham gia của các đại diện của UNIDO, Nestlé, Hệ thống thực phẩm bền vững Ireland…
Sự cần thiết của cụm ngành kinh tế nông nghiệp
Hiện nay, việc hiện thực hóa tiềm năng trở thành Trung tâm chuyển đổi lương thực trong khu vực của Việt Nam đòi hỏi phải có sự chuyển đổi rõ ràng về hệ thống lương thực để nâng cao năng lực sản xuất đồng thời đẩy nhanh sự sẵn sàng của cụm ngành kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Với việc các thị trường cao cấp trên thế giới đang hướng đến những tiêu chuẩn bền vững, việc chuyển đổi hệ thống lương thực và khiến ngành nông nghiệp hoạt động hiệu quả hơn có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Từ mục tiêu đó, phiên thảo luận “Cụm công nghiệp nông nghiệp hướng tới chuyển đổi hệ thống lương thực bền vững của Việt Nam” với sự tham gia của nhiều tổ chức công, tư đã tạo diễn đàn thảo luận về việc phát triển các cụm kinh tế nông nghiệp của Việt Nam.
Qua sự kiện này, các bên chia sẻ những bài học kinh nghiệm, qua đó xác định các phương pháp sản xuất cải tiến cũng như tìm ra các đối tác khả thi để cùng chuyển đổi hệ thống lương thực.
Chia sẻ tại diễn dàn, ông Gabor Molnar, Chuyên gia phát triển công nghiệp liên kết của UNIDO cho rằng, để hình thành các cụm kinh tế không chỉ có sự tham gia của các doanh nghiệp, mà phải có sự tham gia của tổng thể, cả một hệ sinh thái với những doanh nghiệp và những ngành dịch vụ, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp hợp tác được với Chính phủ.
Cụm kinh tế là sự tập trung về địa lý của những doanh nghiệp và các tổ chức có kết nối với nhau và có cùng chung cơ hội và thách thức. Hiện các cụm ở địa phương và toàn cầu đều đang có cùng thách thức, gồm biến đổi khí hậu, các thay đổi quy định về môi trường, khủng hoảng kinh tế - xã hội...
Để phát triển cụm kinh tế nông nghiệp hiệu quả, cần có sự tham gia của nhiều bên, từ các nhà cung ứng nguyên liệu thô, thiết bị nông nghiệp, cho đến các nông trại, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu để kết nối với người mua trong nước cũng như trên thế giới.
Lấy nông dân làm trung tâm
Tại sự kiện, ông Chris Hogg, Phó Chủ tịch phụ trách Phát triển bền vững và Truyền thông khu vực Châu Á, Châu Đại dương, và Châu Phi - Tập đoàn Nestlé cho biết, Nestlé đang hỗ trợ người nông nhân ở các nước chuyển đổi sang hệ thống thực phẩm tái sinh, trong đó có Việt Nam, nhằm bảo vệ và góp phần phục hồi môi trường, cải thiện sinh kế của người nông dân và nâng cao chất lượng sống của cộng đồng và người tiêu dùng.
Qua thực tế triển khai ở nhiều nước, đại diện Nestlé cho rằng thách thức lớn nhất chính là sự tin của người nông dân, và làm thế nào để người nông dân có thể áp dụng mô hình canh tác mới bởi lẽ các phương thức thực hành nông nghiệp bền vững có thể đi ngược lại những gì mà cha ông họ đã dạy bảo, truyền thụ.
"Trong giai đoạn chuyển đổi chúng ta cần phải đưa cho người nông dân những công nghệ, phương thức, chúng ta cần phải có những chương trình như vậy", ông Chris Hogg nói.
Ông Chris Hogg khẳng định: “Để việc chuyển đổi đạt hiệu quả thực sự, chứ không chỉ là khẩu hiệu, chúng ta cần đặt người nông dân và người lao động tại các nông trại làm trọng tâm khi thiết kế các chương trình, và cần đảm bảo các chương trình này đem lại lợi ích cho cộng đồng cũng như hành tinh”.
"Chúng ta không thể đơn thương độc mã, không thể làm một mình mà phải hướng đến mục tiêu nông nghiệp bền vững với nhiều đối tác khác nhau", ông Chris Hogg cho biết thêm.
Hiện nay, để thúc đẩy chuyển đổi sang hệ thống thực phẩm bền vững, Nestlé thực hiện nhiều chương trình thúc đẩy nông nghiệp bền vững trong chăn nuôi và trồng trọt. Nestlé cam kết đến năm 2030, 50% thành phần chính trong sản phẩm của Tập đoàn phải đến từ nguồn nông nghiệp bền vững.
Đối với lĩnh vực cà phê, Nestlé mới đây đã công bố chương trình Nescafé Plan 2030 nhằm hỗ trợ sự chuyển đổi sang nông nghiệp bền vững, đồng thời góp phần hiện thực hóa cam kết của Nestlé về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero). Trong đó, Việt Nam là một trong 7 thị trường chính mà Nestlé đang triển khai Nescafé Plan 2030.
Cũng trong chiều 25/4, ông Chris Hogg, Phó Chủ tịch phụ trách Phát triển bền vững và Truyền thông khu vực Châu Á, Châu Đại dương, và Châu Phi - Tập đoàn Nestlé có cuộc gặp và trao đổi một số thông tin với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam Lê Minh Hoan.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan hoan nghênh các chương trình, dự án mà Nestlé đang triển khai tại Việt Nam. Qua đây, người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam hy vọng trong thời gian tới Nestlé sẽ đẩy mạnh thêm nữa các mô hình sản xuất tuần hoàn, tích hợp đa giá trị trong ngành cà phê.
Theo đó, mong muốn của của Bộ trưởng Lê Minh Hoan là không có phụ phẩm nào của ngành cà phê bị bỏ phí mà sẽ được sử dụng cho các mục đích khác nhau, tạo ra thêm nhiều sản phẩm. Điều này không chỉ giúp cải thiện môi trường, giảm chất thải mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, người lao động trong ngành cà phê.
Về phía mình, ông Chris Hogg cho biết, Nestlé đã có các mô hình sản xuất tuần hoàn, không chất thải. Lãnh đạo của Nestlé cho biết, sinh kế của nông dân cũng là mối quan tâm lớn của tập đoàn.
Theo ông Chris Hogg, mặc dù kinh doanh cà phê nhưng ông muốn những người nông dân Việt Nam không độc canh loại cây này mà có thể trồng xen canh hợp lý các loại cây trồng khác trong vườn cà phê. Điều đó không chỉ giúp họ có thêm thu nhập mà còn cải thiện chất lượng đất, góp phần bảo vệ môi trường.