Ngày 11/9, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Nghệ An xung quanh việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, qua đó hoàn thiện hồ sơ của dự án thủy lợi trọng điểm, Hồ chứa nước Bản Mồng.
Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng nằm trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, gồm 4 hợp phần chính, gồm công trình đầu mối, hệ thống kênh thuộc khu tưới lấy nước trực tiếp từ hồ; các trạm bơm lấy nước từ sông Hiếu và hệ thống kênh; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; công trình thủy điện.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Thực hiện dự án Hồ chứa nước Bản Mồng có hơn 1.131 ha rừng phải chuyển đổi (Nghệ An hơn 544 ha, Thanh Hóa hơn 586 ha), trong đó trên 316 ha rừng phòng hộ, trên 679 ha rừng sản xuất và hơn 135 ha rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp.
Theo UBND tỉnh Nghệ An, kết quả cuộc họp Hội đồng thẩm định đã kết luận hồ sơ dự án đến thời điểm này cơ bản đáp ứng theo đúng quy định của pháp luật về chuyển đổi đất rừng. Tuy nhiên, trên cơ sở thực tế đề nghị bổ sung, làm rõ thêm một số vấn đề sau:
Đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn; độ chính xác của hiện trường đối với hồ sơ chưa được thẩm định do hiện trạng rừng chưa được kiểm tra, đối chiếu trên thực địa; hơn 135 ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng chưa được làm rõ nguồn gốc sử dụng trước đây thuộc quy hoạch đất gì, do đó chưa có cơ sở để xem xét thẩm quyền much đích sử dụng theo Luật Lâm nghiệp…
Đối với tỉnh Thanh Hóa, đến nay công tác thẩm định chưa hoàn thành, qua ghi nhận nhiều sở, ngành liên quan chưa đưa ra ý kiến góp ý.
Theo nhận định chung, vướng mắc lớn nhất trong hồ sơ trình theo Nghị định 83/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ là nội dung “sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa”.
Về phía Nghệ An, thực hiện tinh thần Văn bản số 9932/BNN-XD ngày 29/11/2017 của Bộ NN-PTNT thì đường biên giải phóng mặt bằng theo mực nước dâng bình thường là +76,4, vì thế diện tích rừng xin chuyển đổi mục đích sử dụng được xác định ở cao trình +76,4 và hệ thống kênh tưới sau đập chính Bản Mồng.
Dù vậy trên thực tế công tác giải phóng mặt bằng lòng hồ giai đoạn 1 mới thực hiện đến cao trình +71,86m, điều này dẫn đến số liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, huyện đến năm 2020 cũng như số liệu rừng xin chuyển đổi chưa nhất quán.
Trong khi đó, Hồ chứa nước Bản Mồng chưa có tên trong danh mục các công trình, dự án thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Thanh Hóa được Chính phủ phê duyệt.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn công tác đã đóng góp, trao đổi thẳng thắn về công tác xây dựng hồ sơ của địa phương. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, các đơn vị đề nghị tỉnh Nghệ An khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục.
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn khẳng định Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng là công trình trọng điểm và mang tính cấp bách, nếu không thực hiện đúng tiến độ sẽ gây lãng phí, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.
Trước thực tế đặt ra, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị tỉnh Nghệ An phải tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng trên tinh thần đúng luật, đúng hiện trạng.
“Nghệ An phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với tỉnh Thanh Hóa để sớm hoàn thiện hồ sơ, Bộ NN-PTNT sẽ có trách nhiệm đôn đốc, hỗ trợ 2 tỉnh. Nội dung này phải hoàn thành sớm, trước thời hạn trình Quốc hội tại kỳ họp tới đây”, ông Hà Công Tuấn yêu cầu.