Theo BBC, phiến quân ly khai do Nga hậu thuẫn và lực lượng quân đội Ukraine đã đụng độ ở khu vực miền đông Ukraine và quân đội Nga đã sẵn sàng tiếp cận biên giới với Ukraine.
Quan chức Nga Dmitry Kozak nói rằng, các lực lượng Nga có thể can thiệp để "bảo vệ" công dân của mình và “mọi thứ phụ thuộc vào quy mô của cuộc xung đột”.
Ông Kozak đồng thời cảnh báo rằng, bất kỳ một sự leo thang nào cũng có thể đánh dấu một "sự khơi mào cho một dấu chấm hết" đối với Ukraine - "không phải là một phát súng vào chân, mà là vào mặt".
Trong diễn biến liên quan, cả Mỹ và Đức đều bày tỏ quan ngại trước sự gia tăng căng thẳng giữa đôi bên.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, hiện binh sĩ Nga đang ở Ukraine cao nhất kể từ năm 2014, khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine nổ ra. Bà Psaki mô tả tình hình hiện tại là "rất đáng lo ngại".
Đến nay Nga vẫn không tiết lộ chi tiết về quân số, nhưng theo quân đội Ukraine khẳng định vào cuối tháng 3 thì có khoảng 20.000 binh lính Nga đã được di chuyển tới biên giới Ukraine, cùng với nhiều loại vũ khí hạng nặng.
Các cuộc đụng độ giữa quân đội Ukraine và phiến quân do Nga hậu thuẫn ở khu vực Donbass đã gia tăng trong những tháng gần đây. Nhất là sau khi xảy ra cái chết của một binh sĩ Ukraine hôm thứ Năm, đã nâng con số thiệt mạng trong năm nay lên con số 25, chưa kể 50 binh sĩ đã thiệt mạng vào năm ngoái.
Về phần mình, phiến quân cho biết một chiến binh của họ đã thiệt mạng cùng ngày khi quân đội Ukraine nã 14 quả pháo cối vào một ngôi làng ở ngoại ô thành phố Donetsk.
Trong một dấu hiệu nữa cho thấy sự nghiêm trọng của tình hình, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi Nga "giảm căng thẳng" bằng cách giảm quân tiếp viện đến biên giới Ukraine. Trong khi đó, ông Putin cáo buộc Ukraine đang thổi phồng tình hình ở miền đông.
Cuộc xung đột giữa đôi bên từ tháng 3/2014 đến nay ước tính đã khiến 14.000 người thiệt mạng.