"Nếu được hỗ trợ tài chính, tôi nghĩ rằng trong 2 – 3 năm nữa, các tổ chức có thể đưa vacxin ngừa ung thư vào cuộc sống", Vasily Lazarev, phó giám đốc Trung tâm Khoa học và Lâm sàng Liên bang Lopukhin thuộc Cơ quan Y tế - Sinh học Liên bang (FMBA), cho biết.
Ông Lazarev không nêu ra bất kỳ thách thức về công nghệ hay y khoa nào trong việc phát triển vacxin, song cho rằng rào cản lớn nhất hiện nay là các quy định pháp lý và tài chính.
"Tôi không biết các quy chế sẽ thay đổi như thế nào, có thể mất một năm để giải quyết tất cả các vấn đề pháp lý. Chúng tôi có công cụ, cơ sở sản xuất, tôi nghĩ việc tổ chức sản xuất không khó", ông Lazarev nói.
Các đề xuất cho phép sản xuất và sử dụng thuốc có "thành phần thay đổi" FMBA đã được thông qua và sẽ có hiệu lực vào tháng 9/2024. Tuy nhiên, cơ quan này cũng yêu cầu các loại thuốc phải được sản xuất tại cùng một tổ chức nắm giữ bằng sáng chế.
Bên cạnh đó, việc sản xuất vacxin cũng gặp khó khăn về vốn. Việc tổ chức sản xuất tại cơ sở nghiên cứu sẽ khá tốn kém, mặc dù điều đó là khả thi. Do vậy, việc sản xuất sẽ được tiến hành tại các cơ sở chuyên khoa điều trị ung bướu, ông Lazarev chia sẻ.
Hiện tại, chỉ có một số ít các cơ sở có thể đáp ứng các yêu cầu sản xuất, như Trung tâm Ung bướu Blokhin hay Trung tâm Liên bang về Công nghệ Thần kinh và Não bộ thuộc FMBA, cả hai đều có trụ sở ở Moscow.
Bình luận trên được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng nước này sắp sản xuất được vacxin ngừa ung thư tại Diễn đàn Công nghệ Tương lai ở Moscow hồi tháng trước. Ông Putin đã đề cập đến loại vacxin này khi nói về các công nghệ y tế "tiệm cận khoa học viễn tưởng" của Nga.