"Dĩ nhiên, từ phương diện kỹ thuật quân sự, chúng tôi luôn sẵn sàng. Loại vũ khí đó chúng tôi luôn có sẵn, chúng luôn ở trong trạng thái sẵn sàng được triển khai", ông Putin trả lời đài Rossiya-1 và RIA Novosti ngày 13/3, khi được hỏi liệu Nga có thực sự sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh hạt nhân hay không.
Ông Putin cho biết Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu sự tồn vong của nước Nga bị đe dọa, đồng thời khẳng định bộ ba hạt nhân (tên lửa đạn đạo liên lục địa, tàu ngầm tấn công hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược) của Nga tiên tiến hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Người đứng đầu Điện Kremlin cũng cho biết Moscow chưa bao giờ đối mặt tình huống cần sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự hồi tháng 2/2022. "Tại sao chúng tôi cần sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt? Chúng tôi chưa bao giờ thấy cần làm như vậy", ông Putin nói.
Theo ông Putin, Mỹ biết rõ rằng nếu họ triển khai quân đội tới Ukraine, Nga sẽ coi động thái đó là hành động can thiệp trực tiếp. "Mỹ có đủ chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ Nga - Mỹ và kiềm chế chiến lược. Vì vậy, tôi không nghĩ có gì phải vội vàng chuẩn bị cho cuộc đối đầu hạt nhân, nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng cho kịch bản này", Tổng thống Nga nói.
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng không loại trừ khả năng Nga sẽ tiến hành thử hạt nhân nếu Mỹ làm điều tương tự.
Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CNBT) là một hiệp ước đa phương được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/9/1996 nhằm ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân trên mọi phương diện. Vào ngày 2/11/2023, Tổng thống Putin đã ký luật rút lại việc phê chuẩn hiệp ước này nhằm đáp trả việc Mỹ ký hiệp ước năm 1996 nhưng sau đó không phê chuẩn.