44 chú chó (6 chú chó con mới được 10 ngày tuổi và 2 chú chó đang mang thai) vừa được giải cứu khỏi một cơ sở nuôi vỗ béo và giết mổ chó tại xóm Cây Xanh, xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên sau khi ông Kiều Việt Hùng, chủ lò mổ quyết định đóng cửa cơ sở của mình cho mục đích nhân đạo và ngăn ngừa sự lây lan của bệnh dại trong cộng đồng.
Sau khi dừng kinh doanh, Chương trình “Mô hình cho sự thay đổi - Models for Change”, Tổ chức Humane Society International (HSI) đã giúp ông Hùng chuyển đổi sinh kế sang một hình thức kinh doanh nông sản phục vụ cộng đồng tại địa phương.
Đội cứu hộ của HSI bao gồm các thành viên từ Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ đã chuyển 44 cá thể chó khỏi cơ sở giết mổ đến trung tâm cứu hộ động vật tại Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Tất cả cá thể đều được tiêm phòng và nhận được chăm sóc y tế, phục hồi trước khi được cân nhắc nhận nuôi tại địa phương.
Hầu hết 44 chú chó trên được mua lại từ các gia đình trong khu vực lân cận những người nuôi tại nhà để tăng nguồn thu nhập. Những người buôn bán thường di chuyển qua từng xóm bằng xe máy hoặc xe tải để thu thập chó con từ bà con địa phương, những con chó bị nhốt trong các chuồng nhỏ, và chở đi trong nhiều giờ đến các cơ sở như cơ sở của ông Hùng để nuôi vỗ béo.
Ông Hùng cho hay: “Khi biết tới chương trình “Mô hình cho sự thay đổi - Models for Change” của HSI đã giúp một chủ lò mổ khác ở Thái Nguyên đóng cửa cơ sở và chuyển đổi mô hình kinh doanh vào năm trước, tôi đã rất vui khi biết mình có thể bắt đầu lại mà không phải giết chó để kiếm sống. Tôi rất vui với khởi đầu mới cho việc kinh doanh của mình và tin rằng tất cả những con chó của tôi sẽ có cuộc sống hạnh phúc hơn và được nhận nuôi bởi những người chủ tốt bụng”.
Bà Thẩm Hồng Phượng, Giám đốc quốc gia của HSI tại Việt Nam chia sẻ: “Buôn bán thịt chó là một hình thức kinh doanh nguy hiểm tại Việt Nam, ảnh hưởng và đe doạ đến sức khoẻ của toàn dân. Ông Hùng là người thứ hai ở Việt Nam tham gia vào Mô hình cho sự thay đổi - Models for Change của chúng tôi".
Giám đốc quốc gia của HSI hy vọng chương trình này sẽ là động lực thúc đẩy các cơ quan chức năng đưa ra một kế hoạch hành động cụ thể để cung cấp mô hình chuyển đổi sinh kế bền vững cho những người hành nghề giết mổ thịt chó, đồng thời hỗ trợ công tác phòng bệnh dại.
HSI đã triển khai chương trình “Mô hình cho sự thay đổi - Models for Change” ở Việt Nam vào năm 2022 thông qua việc đóng cửa một lò mổ và nhà hàng thịt chó do một người hàng xóm của ông Hùng sở hữu. Việc đóng cửa này đã truyền cảm hứng cho ông Hùng liên hệ tới Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên để được giúp đỡ trong việc chăm sóc các chú chó.
Bà Phan Thị Hồng Phúc, Trưởng Khoa Chăn nuôi Thú y (Đại học Nông Lâm Thái Nguyên) nhận định, chó không rõ nguồn gốc có nguy cơ mắc bệnh dại cao, lây nhiễm sang người chỉ qua một vết xước nhỏ trong quá trình giết mổ, đặc biệt với các cá thể không được tiêm vacxin phòng dại.
“Các lò mổ mua chó ở rất nhiều nơi để tự giết thịt. Hành động này làm tăng nguy cơ lây nhiễm và khó kiểm soát việc mắc bệnh dại lên nhiều lần. Bệnh dại nếu không được quan tâm đúng mức sẽ gây ra hậu quả tồi tệ đối với sức khỏe con người. Do đó, khoa Chăn nuôi Thú y đang rất tích cực trong công tác truyền thông và cứu hộ các cá thể chó từ lò mổ”, bà Phúc cho hay.
Đã có một số trường hợp chó dương tính với dại được ghi nhận tại các cơ sở chế biến thịt chó ở Hà Nội. Cho dù chúng bị mua bán từ nước gia láng giềng, bị bắt và vận chuyển đường xa tới Việt Nam hoặc bị bán cho nơi giết thịt bởi các hộ gia đình tại địa phương.
Việc buôn bán thịt chó từ việc giết mổ khi không biết tình trạng bệnh hoặc tiêm phòng đều là mối đe dọa đến những nỗ lực của nhà chức trách trong kiểm soát sự lây lan của virus dại.
Bệnh dại gây tử vong cho hơn 70 người mỗi năm tại Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hầu hết các trường hợp bị chó cắn cũng như các trường hợp đã được xác minh liên quan đến việc giết và tiêu thụ chó.