| Hotline: 0983.970.780

Ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền giống cây trồng

Thứ Sáu 26/06/2020 , 17:54 (GMT+7)

Để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư công tác giống, việc đầu tiên phải ngăn chặn được nạn vi phạm bản quyền, còn phổ biến ở khu vực phía Nam.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo Hội nghị quản lý giống cây trồng các tỉnh, thành phía Nam.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo Hội nghị quản lý giống cây trồng các tỉnh, thành phía Nam.

Ngày 26/6, tại Viện Lúa ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì Hội nghị Tăng cường công tác quản lý giống cây trồng các tỉnh, thành phố phía Nam, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Bộ và chuyên trách các ngành như Thanh tra nông nghiệp, Cục Cảnh Sát kinh tế (Bộ Công an), Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, các DN SX kinh doanh giống cây trồng.    

Hội nghị nhằm đánh giá công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng nông nghiệp trong thời gian qua; ghi nhận những thuận lợi, khó khăn và đề xuất các biện pháp quản lý giống cây trồng phía Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó Hội nghị đánh giá lại tình hình SX giống nông hộ, thực hiện Luật Trồng trọt và đề xuất các giải pháp thanh kiểm tra trong thời gian tới.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định: Trong công tác quản lý giống cây trồng còn hiện tượng vi phạm bản quyền khá phổ biến. Hiện ở ĐBSCL lượng giống lúa gieo sạ quá dày, lên đến 150 kg/ha, rất lãng phí. Trong khi các tỉnh phía Bắc chỉ dùng 40 kg/ha. Do đó cần khắc phục tình trạng sử dụng lúa thịt, lúa không chất lượng và phải giảm cho được lượng giống gieo sạ sẽ là một trong những giải pháp giảm dần việc mua bán giống giả, vi phạm bản quyền cây giống. Mặt khác, tồn tại trong SX giống nông hộ sắp tới cần được xem xét, đánh giá lại.

Cần giảm lượng giống gieo trồng, sử dụng giống xác nhận. Hiện lúa ở ĐBSCL còn sạ quá dày, lãng phí giống, khó quản lý sâu bệnh, ảnh hưởng chất lượng lúa thương phẩm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cần giảm lượng giống gieo trồng, sử dụng giống xác nhận. Hiện lúa ở ĐBSCL còn sạ quá dày, lãng phí giống, khó quản lý sâu bệnh, ảnh hưởng chất lượng lúa thương phẩm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thứ trưởng đề xuất hướng sắp tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức nông dân thông hiểu các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện theo Luật Trồng trọt. Trong cải cách hành chính cần bổ sung thêm điều kiện xử phạt các vi phạm trong SX kinh doanh giống. Các cơ quan chuyên trách thuộc Bộ cần phối hợp với các địa phương trong thanh kiểm tra chất lượng giống cây trồng. Đối với các hình thức vi phạm Luật giống cây trồng có biện pháp xử lý mạnh tay, tăng mức xử phạt tùy theo các trường hợp vi phạm, đồng thời Bộ sẽ sớm xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng giống cây trồng và triển khai chương trình giống giai đoạn 2021-2030.

Các tỉnh phía Nam là vùng SX trồng trọt trọng điểm của cả nước về diện tích, sản lượng, từ cây lương thực cho đến cây ăn quả và cây công nghiệp. Riêng về nhu cầu giống lúa các tỉnh phía Nam cần khoảng 750-760 nghìn tấn mỗi năm, trong đó ĐBSCL là 600.000 tấn. Trong thời gian qua thực trạng vi phạm bản quyền đối với giống cây trồng còn xảy ra. Với giống lúa, các giống chủ lực như: Nàng Hoa 9, Đài Thơm 8, OM5451, ST24, RVT… liên tục bị vi phạm bản quyền, chưa có giải pháp ngăn chặn triệt để khiến doanh nghiệp không yên tâm đầu tư nâng cao chất lượng giống.

Tại hội nghị, Cục Trồng trọt đưa ra phiếu ý kiến thăm dò về Điều 15 dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trồng trọt, đề xuất hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.