| Hotline: 0983.970.780

Cơ cấu lại lịch thời vụ cho ĐBSCL

Thứ Sáu 20/03/2020 , 12:45 (GMT+7)

Các tỉnh ĐBSCL đã cơ cấu lại lịch thời vụ lúa hè thu, cho đất nghỉ ngơi hoặc chuyển sang cây trồng cạn nhằm giảm áp lực nước tưới để đối phó với hạn, mặn.

Nông dân huyện An Biên, Kiên Giang sau khi thu hoạch lúa ĐX, cày phơi đất chờ mưa xuống mới gieo sạ lại vụ lúa HT. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân huyện An Biên, Kiên Giang sau khi thu hoạch lúa ĐX, cày phơi đất chờ mưa xuống mới gieo sạ lại vụ lúa HT. Ảnh: Trung Chánh.

Khuyến cáo không sản xuất lúa 3 vụ/năm

Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt, ngành nông nghiệp Kiên Giang khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa 3 vụ/năm, mà cày ải, phơi đất, chờ mưa xuống mới tiến hành gieo sạ lúa hè thu (HT) chính vụ.

TS Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Kiên Giang cho biết: “Hiện nay, mực nước ở đầu nguồn xuống rất thấp và theo dự báo thì mùa mưa năm nay đến trễ (khoảng giữa tháng 5/2020), để hạn chế tình trạng thiếu nước ở đầu vụ, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương không sản xuất lúa 3 vụ/năm. Sau khi thu hoạch lúa đông xuân (ĐX) 2019-2020, cần cày hoặc trục, phơi đất và vận động nông dân phải gieo sạ đúng lịch khuyến cáo”.

Theo đó, lịch gieo sạ lúa HT 2020 của tỉnh Kiên Giang được chia làm 4 đợt. Đợt 1 từ ngày 20-30/3, gieo sạ một phần các huyện: Tân Hiệp, Giồng Riềng và Giang Thành.

Đợt 2 từ ngày 15-25/4, phần còn lại của các huyện: Tân Hiệp, Giồng Riềng và một phần của huyện: Châu Thành, Hòn Đất.

Đợt 3 từ ngày 15-25/5, các vùng đầu nguồn có khả năng bị ảnh hưởng nước lũ về sớm, gồm phía Bắc quốc lộ 80 của vùng Tứ giác Long Xuyên, các huyện vùng Tây sông Hậu và Gò Quao, trừ khu vực ven sông Cái Bé, Cái Lớn và các huyện của vùng U Minh Thượng.

Đợt 4 từ ngày 5-25/6, bao gồm các vùng phía Nam quốc lộ 80, khu vực ven sông Cái Bé, Cái Lớn, các huyện vùng U Minh Thượng và các vùng còn lại.

Nông dân Kiên Giang làm đất để chuyển đổi sang cây trồng cạn nhằm giảm áp lực nước tưới để thích ứng với hạn, mặn. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân Kiên Giang làm đất để chuyển đổi sang cây trồng cạn nhằm giảm áp lực nước tưới để thích ứng với hạn, mặn. Ảnh: Trung Chánh.

Theo ông Giàu, nhằm hạn chế ảnh hưởng thiếu nước đầu vụ và sự lây lan của dịch hại, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá từ lúa ĐX sang lúa HT, các huyện chỉ đạo nông dân cần thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật.

Thực hiện “gieo sạ tập trung” trên từng cánh đồng nhằm hạn chế rầy nâu di trú sang các ruộng xung quanh và gieo sạ vụ HT phải cách thời điểm thu hoạch vụ trước ít nhất 2 - 3 tuần. Sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao và khuyến cáo gieo sạ thưa khoảng 80 - 120 kg/ha. Cần áp dụng đồng bộ các biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”…

Hiện nay, nông dân Kiên Giang đã thu hoạch được 189.197/289.000 ha lúa ĐX, diện tích còn lại đang trong giai đoạn trổ, chín. Một số vùng vừa thu hoạch xong, nông dân tiến hành làm đất sạ lại ngay, đến nay đã gieo sạ được 26.007ha, gồm Giang Thành 12.668ha, Giồng Riềng 8.750ha, Tân Hiệp 3.159ha, Hòn Đất 1.430ha.

Giảm lúa, tăng diện tích hoa màu

Tại tỉnh Đồng Tháp, trong vụ lúa HT 2020 sẽ giảm diện tích lúa, tăng cường diện tích hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây ăn trái.

Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, thời điểm hiện nay đang cao điểm mùa khô hạn, tỉnh cũng cho triển khai xuống giống vụ lúa HT. Do Đồng Tháp là tỉnh tuy ít bị tác động của xâm nhập mặn so với các tỉnh khác.

Chính vì vậy, để thắng lợi vụ lúa này, ngay từ đầu ngành nông nghiệp tỉnh đã tận dụng các lợi thế về tiềm năng sản xuất lúa.

Song song là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích sản xuất lúa HT để chủ động phòng chống khô hạn, thiếu nước trong mùa khô 2020.

Nông dân Đồng Tháp thậm trọng xuống giống lúa HT nhằm tránh bị thiệt hại do nắng hạn. Ảnh: Hoàng Vũ.

Nông dân Đồng Tháp thậm trọng xuống giống lúa HT nhằm tránh bị thiệt hại do nắng hạn. Ảnh: Hoàng Vũ.

Lịch xuống giống vụ lúa HT đối với vùng sản xuất 3 vụ, chia làm 2 đợt xuống giống: Đợt 1 từ ngày 20 - 27/2.

Đây là đợt xuống giống sớm và là thời điểm mật số rầy di trú rất cao, kéo dài. Cần theo dõi chặt chẽ, đồng thời khuyến cáo xuống giống nhanh, gọn, giống lúa có thời gian sinh trưởng trên dưới 100 ngày. Diện tích xuống giống vụ HT đợt này khoảng 60.000ha. Đợt 2 từ ngày 17 - 24/3, ước diện tích xuống giống khoảng 60.000 ha.

Đối với vùng sản xuất 2 vụ, gồm 2 đợt xuống giống: Đợt 1 từ ngày 17 - 24/3, diện tích xuống giống khoảng 40.000ha. Đợt 2 từ ngày 15 - 22/4, ước diện tích xuống giống đợt này khoảng 25.000ha.

Ông Lê Văn Chấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Đồng Tháp, cho biết: Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh chưa ghi nhận diện tích thiệt hại do hạn hán gây ra.

Ngay từ đầu năm, tỉnh đã chú trọng xây dựng kế hoạch sản xuất cây trồng, cập nhật tình hình thực tế và dự báo khí tượng thủy văn trong mùa khô hạn cũng như bão lũ. Từ đó đưa ra lịch xuống giống cây trồng nhằm giảm thiểu nhu cầu cần nước trùng vào các tháng khô hạn, thiếu nước trọng điểm.

Đồng Tháp chủ động chuyển diện tích đất lúa kém hiệu quả sang rau màu, nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Ảnh: Hoàng Vũ.

Đồng Tháp chủ động chuyển diện tích đất lúa kém hiệu quả sang rau màu, nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Ảnh: Hoàng Vũ.

Trong vụ HT 2020, dự báo nắng nóng và mực nước thấp trong mùa khô sẽ gây nhiều khó khăn trong việc quản lý nước và sâu bệnh đối với sản xuất cây trồng.

Từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 3, các nơi trong tỉnh sẽ hầu như không có mưa, lượng mưa các tháng này ít hơn trung bình nhiều năm khoảng 10%. Do đó, cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh được chuyển đổi theo hướng giảm dần diện tích sản xuất lúa.

Theo kế hoạch. năm nay toàn tỉnh xuống giống vụ lúa HT khoảng 185.000 ha, giảm khoảng 5.000 ha. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái.

Trong đó, chú trọng vào các cây trồng có thế mạnh như: bắp, ớt, khoai lang, xoài… có thể đem lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa từ 2-3 lần.

Chuyển đổi để thích ứng

Ở Sóc Trăng, lúa ĐX đã vào giai đoạn cuối vụ, sắp thu hoạch xong. Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Nông dân ở vùng ngọt nhiều huyện Châu Thành, Kế Sách, Mỹ Tú, thị xã Ngã Năm đang chờ mưa. Thông thường khoảng tháng 4 sau mưa vào vụ gieo sạ. Nhưng năm nay hạn mặn gay gắt nhất từ trước đến nay, chờ đến tháng 5 có mưa và tháng 6 vào vụ HT chính vụ, dự kiến đến cuối tháng 9, đầu tháng 10 thu hoạch.

Trong khoảng thời gian này là mùa mưa và nước thượng nguồn đổ về nên không lo thiếu nước. Hiện thời một số vùng khép kín lo trữ nước. 

Tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ tối đa các giải pháp kỹ thuật, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu giống nhằm đem lại thu nhập cao cho người trồng lúa. Ảnh: Hoàng Vũ.

Tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ tối đa các giải pháp kỹ thuật, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu giống nhằm đem lại thu nhập cao cho người trồng lúa. Ảnh: Hoàng Vũ.

“Theo kế hoạch vụ HT 2020, tỉnh Sóc Trăng vào vụ HT với 141.200ha. Chủ trương của tỉnh là hỗ trợ tối đa các giải pháp kỹ thuật, khuyến khích nông dân chuyển đổi giống theo hướng gia tăng sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm đặc sản để nâng cao chất lượng lúa gạo, đem lại thu nhập cao cho nông dân trồng lúa.

Trước cơ hội tốt, thị trường tiêu thụ gạo thế giới dự báo có nhiều chuyển đổi tích cực, vụ lúa HT 2020 thắng lợi sẽ vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa tạo thêm động lực tăng sản lượng xuất khẩu, góp phần vào sản xuất nông nghiệp vượt qua khó khăn”, ông Quyết nói. 

Nông dân TP Cần Thơ làm đất kỹ trước khi gieo sạ lại vụ lúa HT 2020. Ảnh: Hoàng Vũ.

Nông dân TP Cần Thơ làm đất kỹ trước khi gieo sạ lại vụ lúa HT 2020. Ảnh: Hoàng Vũ.

Trong khi đó, tại TP Cần Thơ, đến thời điểm này nhiều địa phương các quận, huyện vùng ven thành phố như Thới Lai, Cờ Đỏ, Ô Môn, Thốt Nốt… do nguồn nước ngọt trên sông Hậu cung cấp đảm bảo nên chủ động nguồn nước. Nông dân nhận thấy lúa ĐX vừa thu hoạch bán được giá tốt nên phấn khởi, làm đất chuyển qua vụ HT sớm.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ nói: Đến nay hơn 36.000ha lúa HT sớm lúa đã qua giai đoạn mạ, vượt lên xanh đồng. Trên dọc các tuyến đường quốc lộ 91, 91B nhiều nông dân vào vụ sớm và không bị ảnh hưởng bởi mùa khô hạn đang diễn ra. Trong những năm gần đây vụ lúa HT được nông dân duy trì ổn định gần 80.000ha.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.