Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), ngành gỗ hiện có khoảng 5.300 doanh nghiệp, sử dụng trên 700.000 lao động; ngoài ra còn có hàng vạn lao động ở trong các làng nghề gỗ trên phạm vi cả nước; đây là nguồn lực quan trọng trong sản xuất để cho ngành gỗ đạt mục tiêu xuất khẩu trên 15 tỷ USD năm 2021 và 20 tỉ USD vào năm 2025.
Đại dịch Covid-19 đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường ở cả trong nước và nước ngoài. Qua tham khảo một số thông tin sơ bộ, nếu một doanh nghiệp ngành gỗ có 1.000 lao động, khi có 1 người nhiễm Covid-19 thì toàn bộ doanh nghiệp có thể phải dừng sản xuất ít nhất là 21 ngày, sẽ gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Ở góc độ toàn ngành gỗ, nếu dịch bệnh Covid-19 lây nhiễm lan rộng, cộng đồng doanh nghiệp gỗ sẽ đối mặt nguy cơ ngưng trệ sản xuất, vi phạm hợp đồng giao hàng, có doanh nghiệp có thể bị phá sản do đứt gãy chuỗi cung ứng và như vậy sẽ tác động tiêu cực cho cả nền kinh tế đất nước.
Chính vì vậy, để giữ an toàn sức khỏe cho người lao động của các doanh nghiệp, làng nghề trước đại dịch, đảm bảo đủ nguồn lực sản xuất nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2021 và những năm tiếp theo, thực hiện chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, VIFOREST đề nghị Thủ tướng chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 quan tâm, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ được tiếp cận, đặt mua khoảng 1 triệu liều vacxin Covid-19 từ nguồn kinh phí do các doanh nghiệp trong ngành đóng góp và từ các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác.
Trong đó, ưu tiên cho các doanh nghiệp chế biến gỗ trong các khu công nghiệp, khu vực tập trung đông người lao động, đặc biệt là tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, là những địa phương có nhiều doanh nghiệp có quy mô lao động trên 1.000 người.