Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) vừa có công văn gửi các hiệp hội thành viên: HAWA, BIFA, DOWA, FPA Bình Định, Hiệp hội gỗ và lâm sản Thanh Hóa; các chi hội: Dăm gỗ, Gỗ dán; các doanh nghiệp hội viên, về việc thu thập thông tin nhu cầu sử dụng vacxin Covid-19 của đơn vị mình.
Theo công văn nói trên, đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, để đảm bảo nguồn lực sản xuất và chuỗi cung không bị đứt gãy, ngày 20/5, VIFOREST đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị được mua 1 triệu liều vacxin Covid-19.
VIFOREST cho biết, ngành gỗ hiện có khoảng 5.300 doanh nghiệp, sử dụng trên 700.000 lao động; ngoài ra còn có hàng vạn lao động ở trong các làng nghề gỗ trên phạm vi cả nước; đây là nguồn lực quan trọng trong sản xuất để cho ngành gỗ đạt mục tiêu xuất khẩu trên 15 tỷ USD năm 2021 và 20 tỉ USD vào năm 2025.
Qua tham khảo một số thông tin sơ bộ, nếu một doanh nghiệp ngành gỗ có 1.000 lao động, khi có 1 người nhiễm Covid-19 thì toàn bộ doanh nghiệp có thể phải dừng sản xuất ít nhất là 21 ngày, sẽ gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Theo thông báo của HAWA, hiện ngành gỗ đã tiếp cận được với nguồn để mua vacxin Moderna của Mỹ với kinh phí mua là 30 USD/liều. Chi phí tiêm dự kiến khoảng 5 USD/2 liều. Dự kiến quý IV/2021 (tháng 10/2021) sẽ có vacxin hoặc có thể về sớm hơn nếu các đơn vị khác bỏ hợp đồng.
Để thực hiện việc mua vacxin theo các điều khoản của hợp đồng kinh tế và việc ký hợp đồng mua lô vacxin này cũng như các lô khác một cách nhanh chóng, với mục tiêu tiêm vacxin cho người lao động trong ngành gỗ một cách nhanh nhất, VIFOREST đề nghị các Hiệp hội, Chi hội, doanh nghiệp rà soát, lập nhu cầu mua, đăng ký số lượng và cam kết sử dụng vacxin của các hội viên, doanh nghiệp mình. Đơn đăng ký mua và cam kết sử dụng vacxin gửi về Hiệp hội trước 17h ngày 6/6/2021
Đồng thời, VIFOREST đề nghị các Hiệp hội, Chi hội, doanh nghiệp cam kết chi trả đầy đủ kinh phí để mua và tiêm vacxin theo mẫu đã đăng ký, tạm ứng trước kinh phí (nếu có theo thỏa thuận trong hợp đồng mua vacxin với nhà cung ứng). Dự báo kinh phí mua vacxin, công tiêm sẽ được thông báo sau khi hợp đồng mua vacxin được ký kết.
Nhằm chủ động hơn nữa trong việc mua vắc xin tiêm phòng cho người lao động, ngoài nguồn vắc xin do HAWA giới thiệu, VIFOREST cũng đề nghị các thành viên trong ban chấp hành, các hiệp hội, các doanh nghiệp, bằng các mối quan hệ tiếp tục giới thiệu các nguồn vacxin khác để lao động trong ngành được tiêm phòng một cách nhanh nhất.
VIFOREST Đề nghị các Hiệp hội, chi hội và doanh nghiệp nhanh chóng tổng hợp thông tin gửi trước và đúng hạn về Văn phòng VIFOREST (cho phép gửi đăng ký nhiều lần, nhưng không được trùng lặp thông tin đăng ký). Trên cơ sở các đăng ký đó, VIFOREST sẽ tổng hợp báo cáo và chủ động trong việc đăng ký với cơ quan chức năng về khối lượng, phương án cụ thể trong việc mua, sử dụng vacxin cho lao động trong toàn ngành gỗ.
Trước đó, ngày 18/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vacxin phòng Covid-19. Tại Hội nghị trực tuyến ngày 29/5/2021 Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phải dùng mọi biện pháp, từ ngoại giao, đến huy động các doanh nghiệp, nguồn lực khác để tiếp cận bình đẳng mua được vacxin và kêu gọi toàn thể nhân dân, mọi doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, địa phương trong điều kiện có thể đóng góp trí tuệ, ý kiến, phương pháp, tiền của, phát huy các mối quan hệ để mua vắc xin, chuyển giao công nghệ sản xuất vacxin ...
Bất chấp đại dịch Covid-19, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn đang tăng trưởng rất mạnh. Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2021 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,397 tỷ USD, tăng tới 100,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,197 tỷ USD, tăng tới 56,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt tỷ 4,02 tỷ USD, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm 2020.